Các bô lão làm 'MC' ở đình Hồng Thái

03/09/2016 17:12 GMT+7

Nhiều người ngỡ ngàng khi chứng kiến các cụ bô lão tuổi trên dưới 70 say sưa làm MC thuyết minh từng sự kiện gắn với di tích lịch sử đình Hồng Thái (thôn Cả, xã Tân Trào, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).

Loại hàng trăm ứng viên mới lọt tổ thuyết minh
Năm nay 66 tuổi, bà Ngô Thị Được vẫn giữ được chất giọng hào sảng và trí nhớ minh mẫn tuyệt vời khi cầm mic giới thiệu rành rọt từng sự kiện lịch sử gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng... Từng câu hỏi, thắc mắc về hiện vật, phong tục thờ cúng ở đình này đều được bà Được giải đáp một cách mạch lạc, khúc chiết, khiến du khách gật gù tâm đắc.
Bà Được kể: “Đình trước 1945 có tên gọi là đình Kim Trận, là điểm dừng chân đầu tiên của Bác Hồ khi từ Trung Quốc về nước lãnh đạo cách mạng. Tháng 3.1945, người dân xã Kim Trận khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền thành công và họp bàn thống nhất lấy tên liệt sĩ Phạm Hồng Thái đặt cho xã và ngôi đình này. Đình cũng là nơi đón đại biểu về dự đại hội do Bác Hồ và T.Ư Đảng triệu tập đưa ra quyết định tổng khởi nghĩa tháng 8.1945, nên người dân địa phương tự hào gọi đó là đình cách mạng”.
Theo bà Được, hiện tại, tổ thuyết minh có 3 người, thuộc Ban Quản lý di tích lịch sử đình Hồng Thái. Ngoài bà Được, tổ còn có ông Viên Đức Minh (75 tuổi) là Phó ban Quản lý di tích và bà Nguyễn Thị Lan (62 tuổi). Mỗi thành viên luân phiên trực tại đình theo tuần, ngày làm 8 tiếng theo giờ hành chính, không kể dịp cuối tuần hay nghỉ lễ.
Ông Viên Đức Minh cho biết, ứng viên tổ thuyết minh được chọn trong số hội viên Hội Người cao tuổi xã Tân Trào, nhưng chỉ chọn trong 4 thôn gần đình nhất, gồm: thôn Cả, thôn Bòng, thôn Thia và thôn Vĩnh Tân. Ngoài tiêu chuẩn đạo đức, uy tín ở địa phương, ứng viên phải có phong thái tốt và đặc biệt là năng khiếu diễn thuyết trước đám đông. “Trước mỗi đợt tuyển thuyết minh, ứng viên được phát tài liệu nghiên cứu, sau đó tự tổng hợp thành bài giới thiệu với những kiến thức cơ bản theo hệ thống lịch sử tâm linh của ngôi đình và sự kiện liên quan đến cách mạng tháng 8.1945. Khó nhất là khâu cuối cùng, ứng viên phải vượt qua bài kiểm tra thuyết trình trước Ban quản lý, đồng thời, phải qua thực tế hướng dẫn khách tham quan thành công mới được công nhận làm thuyết minh viên chính thức”, ông Được thông tin.
Cũng vì các tiêu chuẩn ngặt nghèo như vậy nên trong số hàng trăm hội viên, chỉ chọn được vài người vào Tổ thuyết minh. “Mỗi ngày trực, thuyết minh viên được hưởng 70.000 đồng, số tiền này chỉ mang tính động viên là chính, vì ngoài đón khách và thuyết trình, các thuyết minh viên phải dành ít nhất 1 tiếng mỗi ngày để quét dọn vệ sinh đình đến mướt mồ hôi. Nhiều ngày khách đông, buổi sáng đứng thuyết minh cho 3 - 4 đoàn, trưa về nhà mệt bã người, không buồn ăn cơm nữa”, ông Minh nói.
Sẽ nghiên cứu, đề xuất nhân rộng
Trao đổi với Thanh Niên, ông Viên Ngọc Tân, Phó giám đốc Ban Quản lý khu di tích lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào cho biết, tổ thuyết minh đình Hồng Thái ra đời năm 2007, theo nguyện vọng của Hội người cao tuổi xã Tân Trào mong muốn trực tiếp khai thác và quản lý di tích này. Trên thực tế, mô hình này góp phần chia sẻ trách nhiệm với Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào, khi quản lý đến 183 điểm di tích.
Cũng theo ông Tân, trong mô hình quản lý đình Hồng Thái, Ban quản lý chỉ hỗ trợ tài liệu thuyết minh, tập huấn thêm kỹ năng nghiệp vụ hướng dẫn cho các thành viên. Qua theo dõi và ghi nhận phản hồi từ du khách, tổ thuyết minh đang nhận được nhiều khen ngợi.
“Thuyết minh viên đều là những bô lão địa phương phong cách thuyết trình không thua kém cán bộ có nghiệp vụ thuyết minh chuyên nghiệp”, ông Tân nói, và cho biết thêm, cuối năm nay, Ban quản lý sẽ đánh giá toàn bộ hoạt động của mô hình quản lý và khai thác di tích lịch sử đình Hồng Thái, trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất nhân rộng mô hình này ở nhiều địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.