TNO

Các cô gái 'vàng' của SEA Games 29 từng bỏ… cuộc chơi

29/08/2017 08:06 GMT+7

Để đạt được tấm huy chương vàng trong kỳ SEA Games 29 vừa qua, 2 nữ tuyển thủ của đoàn thể thao Việt Nam từng vượt qua những hoàn cảnh éo le, tưởng chừng phải từ bỏ sự nghiệp thể thao.

Bùi Thị Thu Thảo từng bỏ thể thao đi... phụ hồ
Tại SEA Games 29, lần đầu tiên Bùi Thị Thu Thảo giành ngôi vô địch ở nội dung nhảy xa. Ít ai biết rằng, cô gái này có một quá khứ gian nan.
Sinh ra trong gia đình nghèo ở huyện Ba Vì (Hà Nội), từ bé, Thu Thảo đã phải đi đóng gạch kiếm tiền phụ giúp gia đình. Những công việc nặng nhọc như nhào bùn, đóng than, gánh than, xếp gạch vào lò... không còn xa lạ với cô.
Năm 14 tuổi, Thảo tham gia một giải đá cầu do tỉnh Hà Tây cũ tổ chức. Những động tác đá cầu điêu luyện, sức bật và tốc độ di chuyển nhanh nhẹn... của cô gái đóng gạch đã lọt vào “mắt xanh” của huấn luyện viên Nguyễn Trọng Hổ. Ông vận động gia đình cho Thảo tham gia vào đội điền kinh của tỉnh.
Thời gian đó, thầy Hổ lại có đợt tập huấn ở Trung Quốc 1 tháng nên giao lại mọi việc cho trợ lý. Thảo được xếp vào tập luyện ở cự ly dài. Chế độ tập luyện căng thẳng, cùng với hàng tháng, bố ốm nặng nhưng vẫn phải gửi tiền xuống để hỗ trợ con gái tập luyện, khiến Thảo không đành lòng. Chị chán nản bỏ đi phụ hồ, xách vữa thuê cho các công trình xây dựng, để hỗ trợ tiền chữa bệnh cho bố.
Bố Thảo biết chuyện, xuống tận Hà Nội bắt con gái quay lại với thể thao. Ông bảo: “Dù nhà nghèo nhưng nếu con gái không có nghề đàng hoàng, bố sẽ ân hận cả đời”. Thảo quyết định trở lại với điền kinh và tự hứa nhất định phải khổ luyện để có ngày mang huy chương về đền đáp bố.
Vừa lúc đó, thầy Hổ về nước và tiếp tục huấn luyện Thảo. Lần này, ông tận dụng lợi thế của cô học trò là sức bật đáng nể, nền tảng thể lực tốt, có khả năng tận dụng cơ hội khi thi đấu... nên đã huấn luyện ở nội dung nhảy xa. Từ đây, Thảo mới có cơ hội để thể hiện tài năng của mình. Thời gian huấn luyện rất vất vả, Thảo liên tục bị các chấn thương từ đầu gối, bàn chân, lưng... Năm 2012, Thảo chấn thương nặng, mất hơn 1 năm mới trở lại thi đấu. Nhiều lúc chán nản, kiệt sức, gục ngã, chị lại nghĩ đến hình ảnh người cha già yếu và những lời dặn dò của ông để tiếp tục có nghị lực.
Những cố gắng của Thảo cuối cùng cũng được đền đáp. Tại giải quốc tế thành phố Hồ Chí Minh, chị được xét đặc cách tham dự giải ASIAD 2014 và bất ngờ lập kỳ tích trên đất Hàn Quốc, giành huy chương bạc danh giá sau 8 năm khổ luyện. Người đầu tiên Thảo gọi điện về là người cha đang ngày ngày chờ đợi sự thành công của con. Những năm sau đó, chị liên tục giành huy chương vàng tại giải vô địch châu Á và Grand Prix. Giành huy chương vàng tại SEA Games 29, Thu Thảo xúc động gửi lời cảm ơn đến mọi người, đặc biệt là người cha của mình.
Nguyễn Thị Oanh 2 năm bỏ lỡ điền kinh vì bệnh tật
Người hâm mộ điền kinh Việt Nam vẫn còn chưa thể quên khoảnh khắc nữ vận động viên Nguyễn Thị Oanh lên nhận 2 huy chương vàng bộ môn điền kinh trong 2 ngày 24 và 25.8 vừa qua. Oanh đã đoạt cú đúp huy chương vàng ở SEA Games 29 mà trước đó, cô mới chỉ được biết đến là vận động viên "tỉnh lẻ". Cũng ít ai biết được, để có được kỳ tích đó, nữ vận động viên 22 tuổi này đã từng phải đấu tranh với căn bệnh viêm cầu thận và nỗ lực tập luyện không ngừng nghỉ trước thềm mùa giải.
Nhà vô địch SEA Games môn nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo Ảnh Độc Lập
Nguyễn Thị Oanh sinh ra tại xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang - nơi được coi là cái nôi của phong trào việt dã. Từ năm lên 11 tuổi, Oanh đã làm quen với nội dung chạy. Cô bé có vóc dáng bé loắt choắt ấy thi chạy cùng với bạn ở lớp và luôn về nhất, rồi lọt vào mắt các tuyển trạch viên của Trung tâm huấn luyện thể thao Bắc Giang. Nhưng bệnh tật đã cản bước chân chị vào năm 2014, sau khi kết thúc giải thể dục thể thao toàn quốc tại Nam Định, Oanh phát hiện mặt mình bỗng có nhiều chỗ sưng tấy.
Lúc đầu, Oanh tưởng mình chỉ bị dị ứng nhưng khi đi khám, bác sĩ nói cô bị viêm cầu thận nhẹ, tuy nhiên nếu không chữa trị kịp thời, căn bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm. “Lúc đó, tôi tưởng sẽ phải giải nghệ. Nhưng được sự động viên của huấn luyện viên và đồng đội, tôi vững chí tập trung vào chữa bệnh”, Oanh kể. Cuối năm 2015, Oanh chữa dứt điểm căn bệnh thận để quay trở lại đường đua.
Trở lại với điền kinh khi 2 năm bỏ lỡ với Oanh là khó khăn gấp bội, bởi sau một thời gian không tập luyện, cơ thể không còn nhanh nhẹn như trước. Hơn nữa tại SEA Games 29, nội dung 3.000 m vượt chướng ngại vật là sở trường của Oanh đã bị loại, càng khiến giấc mơ vàng của chị trở nên mong manh.

tin liên quan

SEA Games 29: tôn vinh điền kinh và bơi lội Việt Nam
Sáng 27.8, đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 29 đã có buổi gặp gỡ báo chí tại Berjaya Times Square để nhìn lại hơn 2/3 quãng đường đã đi qua của ngày hội thể thao Đông Nam Á năm 2017.
Trước tình thế đó, thầy Nguyễn Văn Sỹ, huấn luyện viên trưởng đội tuyển điền kinh Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, đã chuyển mục tiêu cho Oanh sang nội dung 1.500 m và 5.000 m, đồng thời lên phác đồ tập luyện chuyên biệt và nâng dần khối lượng.
Thời gian đầu, cả 2 thầy trò phải mày mò tập luyện khổ sở vì e ngại những dấu hiệu sau bệnh tật. Tuy nhiên, Oanh đã phối hợp rất chuẩn với các thầy và kỳ công tập luyện. Nhờ có sự giúp đỡ của huấn luyện viên và đồng đội, tại kỳ SEA Games 29, Oanh bất ngờ lập kỳ tích khi cán đích đầu tiên ở cả 2 nội dung tham gia thi đấu, giành 2 huy chương vàng cho thể thao Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.