Các động thái đa phương xung quanh biển Đông

30/09/2011 23:53 GMT+7

Vấn đề biển Đông tiếp tục là chủ đề chính trong các hội nghị và là một trong những nguyên nhân khiến các nước tăng cường hợp tác an ninh.

Liên tục lên bàn nghị sự

Ngày 17.10, Tổ chức Carlos P.Romulo vì hòa bình và phát triển (CPR) của Philippines và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) sẽ tổ chức một diễn đàn về biển Đông ở Manila. Báo Manila Bulletin ngày 29.9 dẫn thông cáo từ CPR cho hay tham dự diễn đàn sẽ có ít nhất 23 cựu quan chức và học giả từ các nước ASEAN, Ấn Độ, Canada, Mỹ, Trung Quốc, Úc và châu u. Chủ tịch CPR, cựu Ngoại trưởng Philippines Roberto R.Romulo cho rằng diễn đàn sắp tới là dịp để các học giả và cựu quan chức đối thoại, thảo luận ý tưởng cũng như giải pháp cho vấn đề biển Đông. Nội dung thảo luận, theo ông Romulo, có thể không xuất hiện trong các cuộc đàm phán chính thức nhưng có thể tác động tới chính sách của các bên. “Diễn đàn sẽ hỗ trợ làm rõ vấn đề biển Đông với tất cả các bên liên quan và xác định các lợi ích chung. Hy vọng sự kiện này sẽ hỗ trợ các chính phủ trong việc tiến tới đối thoại”, Chủ tịch CPR nhấn mạnh.

 
Lực lượng tuần duyên Nhật có thể sẽ tập huấn cho Philippines - Ảnh: Cgvi.uscg.mil 

Cũng tại Manila, cách đây hơn một tuần, các chuyên gia luật biển ASEAN tham gia một hội nghị về biển Đông và nhất trí đề xuất của Philippines về việc phân định rõ vùng tranh chấp. Đề xuất sẽ được trình lên cuộc họp các quan chức cấp cao ASEAN ngày 11.10 tại Indonesia trước khi có thể được trình lên các bộ trưởng ngoại giao trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 11.

Cách đây 3 ngày, thứ trưởng quốc phòng của các nước ASEAN và Nhật Bản cũng có cuộc họp thường niên lần 3 tại Tokyo. Hội nghị lần này chủ yếu bàn về an ninh biển do những diễn biến đáng quan ngại gần đây trong khu vực. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ đối với các vấn đề an ninh khu vực nói chung cũng như vấn đề an ninh biển nói riêng, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ và tích cực tham gia trên cơ sở luật pháp quốc tế và trong khả năng của mình, theo TTXVN. Kết thúc hội nghị, các bên nhất trí cần tăng cường hợp tác với nhau cũng như với các đối tác như Mỹ, Ấn Độ… để bảo đảm hòa bình, ổn định và tự do hàng hải. Trước đó, cũng tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda và Tổng thống Philippines Benigno Aquino III thống nhất đẩy mạnh hợp tác an ninh biển, trong đó có tập huấn tuần tra trên biển. Theo báo Yomiuri Shimbun, Tokyo có thể sẽ kêu gọi thành lập Diễn đàn an ninh biển Đông Á tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) vào tháng 11 ở Indonesia.  

Đẩy mạnh hợp tác đa phương

Ngoài các nước ASEAN, Nhật đang xúc tiến hợp tác an ninh với Ấn Độ, Mỹ và Úc để đối phó các diễn biến đáng quan ngại trong khu vực. Ngày 30.9, báo The Canberra Times dẫn lời Đại sứ Nhật tại Úc Shigekazu Sato nói Tokyo muốn nâng quan hệ song phương lên tầm mới để đảm bảo an ninh khu vực. Ông Sato nhấn mạnh trước tình hình mới, Nhật muốn Úc gia tăng chiến lược quốc phòng và an ninh chung và cùng với Mỹ góp phần hướng châu Á theo con đường phát triển hòa bình. Đại sứ Sato cho hay dù đã có Mỹ là đồng minh quan trọng, Nhật cũng muốn tăng cường quan hệ an ninh với Úc. Trong cuộc điện đàm ngày 13.9, Thủ tướng Nhật Noda và người đồng cấp Úc Julia Gillard thống nhất tăng cường hợp tác an ninh, theo Kyodo News.

Ngoài ra, trong cuộc gặp ngày 23.9, ông Noda và người đồng cấp Ấn Độ Manmohan Singh cũng cam kết tăng cường hợp tác an ninh, nhất là an ninh biển. Trước đó, cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe kêu gọi hai nước tập trận hải quân thường xuyên đồng thời tăng cường hợp tác với Mỹ, Úc và các nước khác trong khu vực để đảm bảo một châu Á ổn định, an toàn và phồn thịnh.

Trước những động thái nói trên, giới quan sát cho rằng Ấn Độ, Mỹ, Nhật và Úc đang có xu hướng xích lại gần nhau hơn nữa để đối phó những diễn biến gây lo ngại hiện nay. Dự kiến trong tháng 10, Nhật, Mỹ và Ấn Độ sẽ tổ chức hội đàm quan chức cấp cao tay ba lần đầu tiên tại Tokyo để bàn nhiều vấn đề, trong đó có an ninh biển, theo Hindustan Times.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.