Các nhà chuyên môn phản đối đề xuất di dời mộ phi tần triều Nguyễn

08/07/2017 16:47 GMT+7

Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc cho biết sẽ phát đơn kiện đơn vị đầu tư đã xâm phạm, phá hoại mồ mả bà Tài nhân Cửu giai Lê Thị thụy Thục Thuận.

Sáng nay 8.7, thực hiện theo cam kết ở cuộc họp ngày 7.7, tại UBND P.Thủy Xuân (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế), Công ty TNHH TMDV Chuỗi Giá Trị (đơn vị đầu tư dự án bãi đỗ xe tham quan Lăng Tự Đức, Lăng Đồng Khánh) đã tiến hành làm hệ thống khung sắt, nhà che bạt, rào thép B40 để bảo vệ hiện trường khu vực huyệt mộ của bà Tài nhân Cửu giai Lê Thị thụy Thục Thuận, trong công trường san ủi làm bãi đỗ xe tham quan Lăng Tự Đức, Lăng Đồng Khánh, để chờ quyết định cuối cùng của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Ông Tôn Thất Hộ, thành viên Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc, cho biết con cháu Nguyễn Phúc Tộc muốn xây mộ tạm để bảo vệ, nhưng các ngành chức năng địa phương không cho phép, nên chúng tôi chỉ tạm thời xếp gạch bao quanh rồi đổ cát lên để bảo vệ tẩm mộ cho Đức Bà (cách gọi của con cháu dành cho phi tần triều Nguyễn - PV).
Ông Hộ cũng cho biết con cháu Nguyễn Phúc Tộc trong nước và nước ngoài vô cùng bức xúc trước đề xuất di dời mộ của bà Tài nhân Cửu giai họ Lê Thị thụy Thục Thuận. "Trước đây, chúng tôi thấy nhà đầu tư đã xin lỗi và hứa khắc phục mọi tổn thất, phục hồi lại lăng mộ, nên chúng tôi cũng cho qua để vụ việc được giải quyết nhẹ nhàng. Nhưng nay, UBND TP.Huế đề xuất di dời mộ bà đến vị trí mới để lấy đất làm bãi đỗ xe, chúng tôi vô cùng bức xúc. Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc dự kiến sẽ họp và chính thức phát đơn khiếu nại với cơ quan pháp luật, đề nghị vào cuộc điều tra, làm rõ hành vi xâm phạm, phá hoại mồ mả, theo quy định của pháp luật".
Một số thành viên Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc tại vị trí tìm thấy huyệt mộ của bà Tài nhân Cửu giai họ Lê Ảnh: Bùi Ngọc Long

Một diễn biến khác khá bất ngờ, trong khi UBND TP.Huế trong báo cáo trình lên UBND tỉnh đã dẫn tường trình của ông Đỗ Trọng Bướm, Tổ trưởng tổ dân phố 11 (P.Thủy Xuân), đồng thời cũng là đại diện các hộ dân bị giải tỏa thực hiện dự án: “Cái lăng không có chủ, bỏ hoang đã lâu năm, thành không còn, cây mọc bao phủ, nấm mộ không còn hiện trạng. Ngay giữa ngôi mộ tàn phế có cây to gốc đường kính khoảng 50cm. Nhìn bên ngoài cây cối bao phủ không thể phát hiện ra ngôi mộ bị tàn phế được”.

Trong khi đó, trưa nay, gặp các phóng viên báo chí, ông Đỗ Trọng Bướm lại có xác nhận hoàn toàn khác: Ngôi mộ có một số chỗ tường bị sụt lún, bờ tường thành sụp đổ nhiều đoạn, cây cối bao phủ, trong đó có một cây to mọc trong khuôn viên mộ, đường kính khoảng 40-50cm. Trước mộ vẫn còn tấm bia đá có một dòng chữ Hán. "Nếu đi đến gần ước chừng 5 đến 6m bằng mắt thường nhìn thẳng về phía trước dễ dàng nhận thấy toàn bộ ngôi mộ với một cây to", ông Bướm khẳng định.

PGS-TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên-Huế, cho rằng: “Đối xử với người quá cố như thế là không được, chưa nói chuyện di tích hay phế tích. Trước đây, khi sự việc xảy ra (từ ngày 19-23.6) thì có thông tin nghi ngờ là mộ của bà Mỹ Phi. Nhưng qua tham khảo với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thì không tìm thấy cứ liệu về bà Mỹ Phi. Sau khi tìm thấy bia (ngày 24.6), đến hôm qua (ngày 6.7) Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc cũng đã tìm ra huyệt mộ. Đối chiếu với bài vị thờ trong Lăng vua Tự Đức hoàn toàn trùng khớp và xét về mặt không gian, địa điểm của ngôi mộ có thể xác định 100% đây là mộ của bà Tài nhân Cửu giai họ Lê, phi tần của vua Tự Đức".

"Khi chưa biết thì khác, nhưng nay đã biết rồi thì cả Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và về mặt quản lý nhà nước UBND TP.Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đều phải có ứng xử phù hợp. Việc ứng xử này, không chỉ về pháp lý mà còn là đạo lý, nhân văn đối với một người quá cố, một nhân vật gắn liền với một triều đại lịch sử. Với Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc cũng vậy, trước đây họ chưa biết thì khác, nhưng nay biết rồi, họ đã có thể hiện trách nhiệm hương khói, bảo vệ, gìn giữ ngôi mộ. Theo tôi, bây giờ phải tôn trọng nguyện vọng của con cháu Nguyễn Phúc Tộc, nếu họ muốn giữ nguyên thì phải giữ nguyên. Theo đó về huyệt mộ phải giữ nguyên trạng, thi hài để nguyên như vậy và xây lại lăng mộ theo quy cũ của thế kỷ trước. Về lâu về dài, ngôi mộ sau này có thể sẽ trở thành một điểm tham quan của di tích. Về tâm linh, giữ nguyên như vậy đôi khi là điều hay cho bãi đỗ xe”, ông Đỗ Bang nói.

Ông Đỗ Bang đến khảo sát hiện trường khu vực san ủi xâm phạm mộ của phi tần triều Nguyễn Ảnh: PSG-TS Đỗ Bang cung cấp

Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Phước Thu, Phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho rằng ngôi mộ mặc dù chưa được công nhận di tích nhưng xét về mặt lịch sử thì nó cũng là một bộ phận của di tích có giá trị lịch sử gắn với tổng thể của di tích triều Nguyễn tại Huế.

"Một ngôi mộ được xây ở một vị trí mới thì chỉ phục vụ được việc tâm linh, thờ cúng còn giá trị về mặt vị trí, về mặt lịch sử sẽ không còn. Theo tôi được biết, tẩm mộ của các phi tần triều Nguyễn, hàng Cửu giai như bà Tài nhân họ Lê nêu trên, tổng thể diện tích khoảng từ 50-70m2. Nếu nhà đầu tư biết cách phục hồi, tôn tạo lại ngôi mộ ngay tại vị trí cũ, thì không những không ảnh hướng gì lớn đến bãi đỗ xe mà còn làm tăng giá trị của dự án. Du khách khi đến đỗ xe cũng có thể dừng chân thăm viếng mộ một phi tần của vua trước khi vào tham quan lăng vua Tự Đức. Đây cũng là việc làm mang tính nhân văn mà người đời sẽ trân trọng”, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu nói.

Số phận ngôi mộ của bà Tài nhân Cửu giai Lê Thị thụy Thục Thuận, phi tần của vua Tự Đức, được phục hồi lại ở vị trí cũ hay phải dời sang địa điểm mới hiện đang chờ quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế.

tin liên quan

Đề xuất di dời mộ phi tần triều Nguyễn
UBND TP.Huế vừa chủ trì họp với các ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế và thống nhất đề xuất di dời ngôi tẩm mộ của bà Tài nhân Cửu giai họ Lê Thị, thụy Thục Thuận đến vị trí mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.