Các trường lớn tuyển thêm ngoài chỉ tiêu: Trên và dưới đều “phá rào”!

06/10/2005 22:33 GMT+7

Sau khi đã hoàn tất việc công bố điểm chuẩn NV1, ngay những ngày đầu nhận đơn xét tuyển NV2, Bộ GD-ĐT đã đồng ý cho 4 trường gồm ĐH Y Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Ngoại thương cơ sở Hà Nội và ĐH Y Hải Phòng tuyển thêm những thí sinh có mức điểm kế cận điểm chuẩn, với điều kiện phải tự túc chi phí đào tạo (khoảng 6 triệu đồng/năm); ở phía Nam là Trung tâm Đào tạo - bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM, có trường được tuyển thêm hơn 250 thí sinh.

Có phải là cơ chế xin - cho ?

Sự thật là có nhiều phụ huynh và thí sinh rất phấn khởi vì có thêm cơ hội học tập đúng nguyện vọng, dù phải đóng học phí cao hơn. Song khá nhiều trường hết sức ngạc nhiên trước việc này. Lãnh đạo một trường ĐH lớn tại TP.HCM thắc mắc: "Hằng năm, Bộ duyệt chỉ tiêu tuyển sinh, có văn bản đóng dấu đỏ gửi cho các trường đàng hoàng. Chúng tôi chỉ được tuyển theo chỉ tiêu đã được duyệt mà thôi. Nếu lấy lý do là "điểm cao" thì sao không đặt ra "ngưỡng" ngay từ đầu, thí sinh vượt qua ngưỡng ấy thì được (và phải được) trúng tuyển. Phải chăng đây chính là việc phát sinh thêm một kiểu "xin - cho" trong giáo dục?". Trao đổi với rất nhiều trường, chúng tôi đều nhận được câu trả lời đồng nhất: "Trước khi Bộ thông báo cho 4 trường trên tuyển thêm "chỉ tiêu ngoài ngân sách", chúng tôi đều không nhận một văn bản nào đề cập đến việc xét tuyển thêm này cả. Lý ra Bộ phải có văn bản trước, đưa ra những tiêu chuẩn để xin xét tuyển thêm để trường nào có đủ điều kiện thì xin xét tuyển".

Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH công lập đặt vấn đề: "Chúng tôi chỉ được thu học phí của sinh viên 1,8 triệu đồng/năm, không được "vượt rào" vì ngành tài chính sẽ khống chế trong lúc Bộ lại cho thu đối tượng mới gấp hơn 3 lần. Năm thứ nhất là thế, liệu năm thứ hai có linh động chuyển đổi gì không giữa các "đầu vào" khác nhau của các sinh viên trong một trường? Sao Bộ không thông báo trước những tiêu chí cơ bản (cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, yêu cầu của xã hội...) để tạo sự công bằng cho tất cả các trường ĐH-CĐ trong việc này?". Việc lấy thêm chỉ tiêu ngoài ngân sách còn gây ảnh hưởng đến việc xét NV2 của các trường: trong lúc 4 trường nêu trên được quyền nhận NV1 "ngoài chỉ tiêu" mà không cần nộp giấy chứng nhận kết quả thi (vì ngay tại trường mình thi), thí sinh vẫn được quyền nộp NV2 ở trường khác, tạo thêm một số lượng thí sinh ảo rất vô lý.

Vấn đề này còn đặt ra một câu hỏi khác: liệu phương thức tuyển sinh như hiện nay đã ổn chưa vì vẫn có những thí sinh điểm cao vẫn rớt và nếu việc phân bổ chỉ tiêu đào tạo đã thật sự khoa học, đã thực sự chỉ căn cứ vào năng lực đào tạo của các trường thì tại sao khi cần lại có thể xin - cho thêm chỉ tiêu với tên gọi "ngoài ngân sách"? Chúng tôi mong nhận thêm nhiều ý kiến trao đổi từ nhiều phía từ vấn đề này. 

Đào tạo ngoài ngân sách có bị phân biệt đối xử ?

Đó cũng là nỗi lo lớn nhất của các phụ huynh có con em theo học "hệ" này. Trao đổi với Thanh Niên, chị  Phan Ngọc Huệ ở quận 3, TP.HCM cho biết: "Năm 2005 là năm thứ hai con tôi thi vào ngành Bác sĩ đa khoa của ĐH Y - Dược TP.HCM nhưng không trúng tuyển dù cháu đạt đến 25,5 điểm. Cháu rất buồn và cũng không muốn đăng kí nguyện vọng 2 vào trường nào khác vì nghề y là đam mê của cháu. Khi biết được thông tin Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM tuyển thêm chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách tuy phải đóng học phí cao gấp 3 lần nhưng chúng tôi vẫn cố gắng xoay xở để con mình được theo học đúng đam mê. Hơn nữa, nhà trường cho phép đóng học phí thành 3 đợt trong trường hợp khó khăn nên chúng tôi cũng đỡ lo phần nào. Tôi nghĩ loại hình này dù thế nào cũng giúp những thí sinh đạt điểm cao tìm thấy cơ hội theo học ngành yêu thích và phụ huynh có thể đóng góp đáng kể vào chi phí đào tạo cho nhà trường. Song có điều còn khiến tôi băn khoăn là trong một số chính sách, sinh viên thuộc diện ngoài ngân sách không được bình đẳng như sinh viên chính quy; chẳng hạn, dù thành tích học tập có cao đến đâu cũng không được xét cấp học bổng. Nếu quả như thế thì chuyện "phân biệt đối xử" như trên sẽ gây những nỗi buồn không đáng có cho các cháu".

Ông Nguyễn Đức Nghĩa - PGĐ ĐH Quốc gia TP.HCM:
Để điểm cao thì phải đậu

Theo tôi, nên tham khảo mô hình hiện nay từ nhiều trường ở nước ngoài đang áp dụng để có những thay đổi mang tính tổng thể hơn nữa trong việc tuyển sinh ĐH-CĐ. Chẳng hạn như ở Mỹ, những tổ chức (công ty) có uy tín đứng ra tổ chức thi các chứng chỉ SIT, GRE, GMAT để các trường ĐH dựa theo đó tuyển vào học ĐH và cao học. Việc tuyển sinh ĐH-CĐ của chúng ta hiện nay cũng đã mang dáng dấp của cách làm này, "công ty" được các trường ĐH ở Mỹ chọn lựa thì ở VN chính là Cục Khảo thí - Kiểm định chất lượng giáo dục và Vụ ĐH - Sau ĐH, nhưng do nhân lực và tài lực không đủ nên ủy nhiệm cho các trường ĐH đứng ra tổ chức coi thi và chấm thi. Chúng ta đã thi chung đề và chung đợt - tuy chưa đạt được như SIT, nhưng phiếu điểm được dùng chung (tương tự cách làm của SIT), được các trường thừa nhận. Vì vậy, nên chăng chỉ cấp cho thí sinh 1 bảng điểm thôi, cho phép thí sinh đăng kí nhiều trường khi nộp hồ sơ thi (có thể lên cả 10 trường cũng không sao), tổ chức hệ thống công nghệ thông tin thật tốt để chọn lựa nguyện vọng thì chắc chắn những thí sinh điểm cao thì thế nào cũng đạt được nguyện vọng học được ở bậc ĐH, việc xét tuyển cũng sẽ nhanh chóng hơn nhiều. Sau đó, trường nào còn thiếu chỉ tiêu, thí sinh sẽ cầm phiếu điểm để nộp trực tiếp.

Ông Nguyễn Thế Dũng, PGĐ Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM:
Tuyển thí sinh điểm cao để củng cố chất lượng đầu vào

Năm nay, điểm chuẩn trúng tuyển vào trường chúng tôi không cao như mọi năm và khá chênh lệch so với điểm chuẩn của ĐH Y - Dược TP.HCM. Đặc biệt có nhiều thí sinh thi vào ĐH Y - Dược điểm rất cao, lại có nguyện vọng học nghề y nhưng lại không trúng tuyển. Do đó, chúng tôi đề nghị Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế cho phép tuyển thêm 30 chỉ tiêu ngoài ngân sách, trước tiên là tiếp nhận số thí sinh đạt điểm cao trên để củng cố chất lượng đầu vào. Mặt khác, nguồn thu từ loại hình đào tạo này cũng hỗ trợ thêm cho ngân sách và chi phí hoạt động vốn còn khá hạn hẹp của nhà trường. Nói thật, việc Bộ chấp thuận cũng là một "cơ may" khá bất ngờ vì đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện đào tạo ngoài ngân sách; tuy nhiên, cũng phải xuất phát từ năng lực đào tạo của nhà trường đáp ứng được nhu cầu về chất lượng. Khách quan mà nói, trong tình hình xã hội hóa giáo dục như hiện nay thì chủ trương đào tạo ngoài ngân sách là hợp lý, nhưng có thể cách triển khai của Bộ còn thiếu nhất quán nên gây những lấn cấn không đáng có mà thôi...

Nhựt Quang - T.Phước - Vân Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.