Cách giải cứu kinh tế kín đáo của Trung Quốc

04/10/2016 10:58 GMT+7

Cho vay kín đáo đến những khu vực hoạt động kém hiệu quả đang là cách mà các ngân hàng Trung Quốc làm để cứu nền kinh tế.

Theo tờ South China Morning Post, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) đang dẫn đầu bộ ba nhà băng được chính phủ hậu thuẫn để kích thích kinh tế một cách kín đáo. Trung Quốc đang triển khai cho các ngân hàng chính sách bơm tiền kín đáo vào các lĩnh vực cụ thể mà không dùng đến công cụ điều chỉnh tiền tệ và tài khóa có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.
Không giống như những ngân hàng thương mại nhà nước được niêm yết, những cái tên luôn phải cân đối tài chính và giải trình trước giới đầu tư, các ngân hàng chính sách có thể mạnh tay vung tiền theo mục tiêu của chính quyền địa phương hoặc trung ương. Trên lý thuyết, ba ngân hàng gồm CDB, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (EIBC) và Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc (ADBC) cần có lợi nhuận để sống, song họ vẫn đảm nhận nhiều trách nhiệm về chi tiêu công.
“Những ngày Bắc Kinh kêu gọi các ngân hàng chính sách theo hướng thị trường hơn đã qua. Bằng cách chuyển chức năng tài khóa cho những nhà băng này và cho phép họ dùng đòn bẩy tài chính, chính phủ có thể giữ sổ sách của ngân hàng trông khỏe mạnh”, giáo sư ngành ngân hàng Guo Tianyong ở Đại học Tài chính và Kinh tế Trung tâm ở Bắc Kinh cho biết.
Vai trò của các ngân hàng đang gia tăng trong thời điểm quan trọng của chính sách tài khóa và tiền tệ. Bộ Tài chính Trung Quốc với dự báo thâm hụt ngân sách 3% trong năm nay và đang trong quá trình đổi nợ chính quyền địa phương thành trái phiếu hiện miễn cưỡng sử dụng gói kích thích kinh tế lớn.
Lúc này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) với một phần lo lắng về phá giá nhân dân tệ chần chừ trong các động thái chính sách lớn như giảm lãi suất. Thay vào đó, họ phụ thuộc vào các hoạt động thị trường mở hằng ngày để duy trì dòng tiền trong hệ thống ngân hàng.
Chính phủ Trung Quốc vừa tái vốn hóa và bơm nhiều tiền cho bộ ba nhà băng chính sách hồi năm 2015. Đây là ba gương mặt cho các doanh nghiệp nhà nước đang “khát tiền” và chính quyền địa phương vay nhằm giữ vững mức tăng trưởng. Nhờ vậy, bảng cân đối của CDB tăng thêm 3.000 tỉ nhân dân tệ giai đoạn từ tháng 7.2015 đến tháng 6.2016. Số tiền trên chiếm gần 1/10 tỷ lệ tăng trưởng tài sản ở khu vực ngân hàng Trung Quốc.
“Không khó để hình dung các ngân hàng chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng tiền tệ gần đây”, nhà kinh tế Yi Huan và Liang Hong viết trong một ghi chú. PBOC đã cho CDB vay giá rẻ trực tiếp 1.400 tỉ nhân dân tệ. Việc tăng khả năng cho các ngân hàng chính sách là để giúp hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng, từ tái phát triển khu nhà ổ chuột đến các tuyến đường sắt liên thành phố. Việc này quan trọng hơn khi các nhà băng thương mại không muốn cho vay còn nguồn thu chính phủ thì chịu ảnh hưởng bởi tăng trưởng chậm lại.
Chuyên gia Grace Wu của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho biết chuyện Bắc Kinh củng cố thêm sức mạnh của ba ngân hàng chính sách làm gia tăng “tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước” của họ, khi tiền cho vay là rất quan trọng để tài trợ các loại dự án mà nhà băng thông thường sẽ không theo đuổi, đơn cử là phát kiến “Một vành đai, Một con đường”, chương trình nhà ở xã hội và xóa đói giảm nghèo.
Dù vậy, hiện có nhiều lo ngại cho rằng Trung Quốc sẽ phải trả giá vì tích cực tài trợ cho các ngân hàng chính sách. Hu Xingdou, nhà kinh tế tại Viện Công nghệ Bắc Kinh, cho biết: “Đây là ví dụ mới nhất của việc bàn tay nhà nước can thiệp quá mạnh vào nền kinh tế. Phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng chính sách có thể làm giảm hiệu quả trong hệ thống tài chính tổng thể, tạo ra lượng lớn các khoản nợ xấu. Đây là cái giá lớn mà cuối cùng người nộp thuế Trung Quốc phải trả”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.