Cách mạng bóng đá

01/10/2011 00:40 GMT+7

Những tưởng ngày 29.9 vừa rồi sẽ có một cuộc “khói lửa” giữa Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) với 28 đại gia - những ông “bầu” của bóng đá VN qua những phát ngôn thẳng thắn, cương quyết của họ bởi hiện trạng bóng đá nước nhà sau nhiều năm chuyên nghiệp mà vẫn đì đẹt, trì trệ và có chút gờn gợn tiêu cực của những ông vua áo đen không sao khắc chế được, khiến người hâm mộ và người làm bóng đá day dứt, bức xúc.

Nhưng không, với những phát biểu tâm huyết, thể hiện đau đáu nỗi xót xa của những ông bầu yêu bóng đá, luôn khát vọng vì một nền bóng đá sạch, có tiềm năng như VN, muốn đem hết sức mình vực dậy, đua tranh, không chỉ bó hẹp trong khu vực ASEAN nhỏ bé mà muốn tiến tới một sân chơi rộng hơn - sân chơi châu Á, và xa hơn, sân chơi của thế giới, họ phát biểu đầy trách nhiệm. Và những lời nói mong muốn luôn đi đôi với việc làm, nhằm góp phần tích cực phát triển nền bóng đá nước nhà. Những gì bầu Kiên (Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) gửi gắm qua những trang đề cương thiết lập một Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và được sự góp ý đầy trách nhiệm của những ông bầu có “máu mặt” như bầu Thắng (Đồng Tâm Long An), bầu Trường (Ninh Bình), bầu Tiến Anh (K.Khánh Hòa), bầu Đức (Hoàng Anh Gia Lai)... đã tạo nên một dự án rất thuyết phục VFF và chính Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ phấn khởi ra mặt, “sẵn sàng ký cả hai tay”.

Hóa ra, cả VFF lẫn 28 ông chủ các CLB bóng đá trong nước đều có những khát vọng chung, rất mong muốn cải tổ nó. Song, cũng do cơ chế điều hành hiện nay của VFF trong những năm qua đã bộc lộ những bất cập. Thấy thì cũng nhiều người thấy đấy, song, để có một cuộc cải tổ thực thụ và mạnh mẽ thì hình như chưa ai mạnh tay làm. Vì thế, cái mớ “bùng nhùng” ấy khó thoát ra nổi cơ chế “ nửa nạc, nửa mỡ” của mô hình tổ chức hiện hành: Nhà nước (Bộ VH-TT-DL) rồi kế tiếp là Tổng cục TDTT quản lý, chỉ đạo thông qua một tổ chức xã hội nghề nghiệp là VFF.

Điều tưởng như không khó giải quyết, đó là cơ chế, chính sách hiện hành của VFF những năm qua chậm đổi mới, chỉ chuyện nhỏ như chế độ lương bổng, thù lao cho trọng tài... quá thấp đã dẫn tới những tiêu cực, biết thì biết đấy, nhưng khi xử lại vừa dễ mà cũng vừa không dễ.

Chính sách đãi ngộ cho trọng tài theo như dự kiến, lương bổng có thể 30 - 50 triệu đồng/tháng, thuê tổng giám đốc chuyên môn cao, có thể là người nước ngoài để điều hành VPF có thể khoảng 10 - 15 ngàn USD/tháng... Đó là những đột phá hầu ngăn ngừa tiêu cực cũng như khuyến khích sự lao động nghiêm túc gắn bó lâu dài của mỗi cá nhân trong một guồng máy mới năng động, khát khao đổi mới.

Các ông bầu giải ngoại hạng (sắp tới sẽ gọi như vậy) sẵn sàng chi hàng trăm tỉ mỗi năm cho CLB của mình sẽ cảm thấy những đồng tiền họ bỏ ra là không uổng phí.

Một cuộc cách mạng trong bóng đá sắp bắt đầu. Nói như ông Đoàn Nguyên Đức, Chính phủ còn dám tái cấu trúc nền kinh tế, cớ gì VFF lại không thể tái cấu trúc từ BTC giải đến Ban Kỷ luật hay Hội đồng trọng tài. Chúng ta hãy chờ và hy vọng!

Quốc Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.