Cách nhận biết và làm giảm mỡ nội tạng dành cho bạn

Ngọc Quý
Ngọc Quý
21/03/2020 08:15 GMT+7

Vòng bụng to, tích nhiều mỡ không chỉ làm mất tự tin về ngoại hình mà còn mang lại nhiều nguy cơ sức khỏe do tích mỡ quanh nội tạng. Mỡ nội tạng có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm.

Mỡ nội tạng là loại mỡ thừa tích tụ ở vùng bụng. Khác với mỡ dưới da, vốn chỉ tích tụ bên dưới lớp da, mỡ nội tạng nằm sâu bên trong cơ thể, bao bọc quanh các cơ quan nội tạng như dạ dày, gan, ruột, theo Insider.
Quá nhiều mỡ nội tạng sẽ làm tăng nguy cơ mắc những bệnh như cao huyết áp, đột quỵ, tim mạch, ngưng thở khi ngủ và tiểu đường, bác sĩ tim mạch Michael Russo tại Trung tâm y tế Orange Coast (Mỹ), cho biết.

Làm sao để nhận biết mỡ nội tạng?

Chúng ta không thể nhìn thấy hay cảm nhận được mỡ nội tạng vì chúng nằm sâu bên trong cơ thể. Cách nhanh nhất để ước lượng mỡ nội tạng là dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI).
Người thừa cân sẽ có chỉ số BMI từ 25 đến 29,9. BMI từ 30 trở lên được coi là béo phì. Những người thừa cân, béo phì thường có lượng mỡ nội tạng cao, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).
Tuy nhiên, một số trường hợp dù BMI cao nhưng không phải là thừa cân hay béo phì, chẳng hạn như những người tập gym.
Do đó, có một cách khác để ước tính lượng mỡ nội tạng là đo chu vi vòng bụng. Người có mỡ nội tạng nhiều sẽ có chu vi vòng bụng lớn hơn 101 cm với đàn ông và 89 cm với phụ nữ, theo khuyến cáo của Trường Y khoa Harvard (Mỹ).
Mỡ nội tạng thường tích tụ qua thời gian dài. Có nhiều nguyên nhân gây tích mỡ nội tạng như chế độ ăn kém lành mạnh, ít vận động, di truyền, mất cân bằng nội tiết tố, tuổi già, căng thẳng,...

Cách giảm mỡ nội tạng

Cách tốt nhất để giảm mỡ nội tạng là có độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh yếu tố ăn uống là quan trọng hơn.
Chế độ ăn chiếm khoảng 80%. Về cơ bản, mọi người phải hạn chế ăn tinh bột, đường, chất béo động vật và ăn nhiều rau củ, trái cây, các món giàu protein như thịt, các loại đậu, theo Insider.
Tập thể dục cũng rất quan trọng. Hãy tập đều đặn các bài cardio như đi bộ, đạp xe, chạy bộ trong ít nhất 30 phút/ngày, bác sĩ Russo khuyến cáo.
Trong quá trình giảm mỡ nội tạng, nếu bạn thành công thì cũng sẽ giảm được cả mỡ dưới da. Việc này không những mang lại nhiều lợi ích sức khỏe mà còn cải thiện ngoại hình, theo Insider.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.