Cái cần không gỡ...

19/09/2014 03:00 GMT+7

Liên tục các gói hỗ trợ, ưu đãi lãi suất được đưa ra, nhưng vốn rẻ tới tay người dân thực tế chẳng bao nhiêu. Trong khi đó, không ít quy định đã lỗi thời, gây cản trở hoạt động kinh doanh lại vẫn tồn tại, bó chân bó tay doanh nghiệp.

Liên tục các gói hỗ trợ, ưu đãi lãi suất được đưa ra, nhưng vốn rẻ tới tay người dân thực tế chẳng bao nhiêu. Trong khi đó, không ít quy định đã lỗi thời, gây cản trở hoạt động kinh doanh lại vẫn tồn tại, bó chân bó tay doanh nghiệp.

Gói hỗ trợ lãi vay 30.000 tỉ đồng mua nhà cho một số đối tượng từng được kỳ vọng sẽ phá băng thị trường bất động sản, kích hoạt các ngành sản xuất liên quan... Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai, gói này mới chỉ giải ngân được 10%, quá khiêm tốn so với nhu cầu và mục tiêu. Vậy mà thông tin mới nhất cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại đang nghiên cứu xây dựng thêm một gói hỗ trợ lãi vay mua nhà trị giá hàng ngàn tỉ khác. Nghe đến đây, không ít người thở dài. Bởi đơn vị này cũng đóng "vai chính" trong gói 30.000 tỉ, rất nhiều vướng mắc của gói hỗ trợ hiện tại là từ phía các nhà băng. Nhưng thay vì tập trung tháo gỡ những vướng mắc của gói này thì lại mất thời gian, công sức nghiên cứu và xây dựng một gói mới với mục đích tương tự. Trước đó, dư luận cũng được phen xôn xao với vụ ra mắt gói tín dụng dành cho bất động sản trị giá 50.000 tỉ đồng của Ngân hàng Xây dựng và Tập đoàn Thiên Thanh. Đáng nói là ngay sau đó, không ít NH được công bố là có tham gia lại khẳng định họ không hề biết đến gói này. Rồi thì riêng lẻ mỗi nhà băng cũng liên tục đưa ra các chương trình hỗ trợ, ưu đãi lãi vay mua nhà, sửa nhà... Chỉ tính theo con số, có hàng trăm ngàn tỉ vốn vay ưu đãi đã được công bố nhưng hầu như chỉ công bố cho có. Trong khi đó, thực tế, tăng trưởng tín dụng vẫn hết sức ì ạch, tính đến hết tháng 8 vừa rồi mới chỉ tăng 5,85% so với mục tiêu 12% của cả năm nay. Mà phần lớn trong tỷ lệ khiêm tốn này lại đổ vào trái phiếu chính phủ. Vốn rẻ tới tay người dân, chảy vào sản xuất là cực kỳ ít. Vì vậy, các gói ưu đãi này, chương trình hỗ trợ kia đang trở nên nhàm chán và mất dần uy tín với người vay.

Tín dụng tắc, doanh nghiệp (DN) rơi vào thế kẹt khi đầu vào thiếu vốn, đầu ra nghẽn, ùn ứ tồn kho. Giải pháp giảm giá để kích thích tiêu dùng được coi là hữu hiệu trong thời buổi khó khăn, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng. Thế nhưng, giải pháp này lại bị trói bởi quy định không được giảm quá 50% so với giá bán trước đó. Nhiều DN cho biết quy định này mới thực sự khiến họ rơi vào hậu quả chát đắng, chết trên đống tài sản. Vì nếu không bị khống chế tỷ lệ giảm giá, họ sẽ giảm giá mạnh hơn nữa để đẩy hàng ra, dù lỗ nhưng cũng có vốn quay vòng, để xoay xở qua giai đoạn khó khăn này. Còn như hiện nay, cứ ngồi trên đống tài sản tồn kho mà cụt vốn, đuối sức, bị chèn ép và cuối cùng có khả năng bị loại bỏ sân chơi. Thực tế vẫn tồn tại không ít những quy định trói chân, trói tay DN. Như quy định về trần quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị 15% tổng chi phí được đánh giá làm mất khả năng tự chủ trong kinh doanh của DN nhưng đến lúc này vẫn chưa được quyết định tháo bỏ.

Thay vì nghĩ ra những gói "giải cứu" mới thiếu hiệu quả, tốt nhất các cơ quan có thẩm quyền nên tập trung tháo gỡ vướng mắc ở gói cũ và rà soát loại bỏ những cơ chế, chính sách đã lỗi thời tạo điều kiện cho DN làm ăn. Như vậy sẽ thiết thực và hiệu quả hơn.  

Nguyên Khanh

>> Giải ngân gói hỗ trợ nhà ở đột ngột tăng cao
>> Đừng để 'gói hỗ trợ' ngư dân bám biển bị lợi dụng
>> Đề xuất kiểm toán gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỉ đồng
>> Triển khai gói hỗ trợ lãi suất 6%: Chưa ai vay được tiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.