|
Nội dung giám sát của HĐND TP.HCM là về tình hình chấp hành pháp luật trong tác kiểm sát, thực hành quyền công tố, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực tư pháp năm 2014.
Hàng loạt án gia tăng
Theo ông Nguyễn Nhật Nam, Phó viện trưởng Viện KSND TP.HCM, trong năm 2014, hàng loạt án gia tăng. Tính đến tháng 9.2014, cơ quan điều tra 2 cấp đã khởi tố mới 10.252 vụ với 10.055 bị can, so với cùng kỳ năm 2013 tăng 860 vụ với 385 bị can.
Trong đó, nhóm tội phạm về ma túy khởi tổ mới 1.253 vụ với 1.721 bị can. Nổi lên các vụ vận chuyển tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, phương thức thủ đoạn đặc biệt tinh vi. Nhóm tôi phạm xâm phạm quyền sở hữu khởi tố 6.516 vụ với 4.772 bị can, tăng 680 vụ với 211 bị can. Nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng và sức khỏe khởi tố mới 956 vụ với 927 bị can, tăng 58 vụ với 53 bị can. Nhóm tội phạm về trật tự - trị an khởi tố mới 1.288 vụ với 2.325 bị can, tăng 162 vụ với 109 bị can…
Ông Nam cho rằng, do thực hiện tốt công tác kiểm sát điều tra nên đã góp phần nâng cao chất lượng điều tra, kéo giảm đáng kể án trả điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Viện kiểm sát 2 cấp tăng cường kiểm sát bản án, quyết định giải quyết của tòa án. Các kháng nghị của viện kiểm sát đều có căn cứ nên tỷ lệ được chấp nhận cao. Viện kiếm sát 2 cấp đảm bảo tiếp công dân 100% đúng quy định, không có đơn thuộc trách nhiệm giải quyết của viện kiểm sát để quá hạn…
Nhìn sơ đáng mừng, tìm hiểu kỹ đáng lo
|
Tại buổi giám sát, rất nhiều tồn tại, bất cập trong lĩnh vực tư pháp được các đại biểu HĐND TP.HCM nêu ra.
Theo đại biểu Trần Trọng Dũng, trong 6 tháng đầu năm 2014, phạm nhân ở trại giam Chí Hòa có 88 đơn khiếu nại cáo trạng của Viện kiểm sát nhưng chỉ có 55 đơn nhận được phúc đáp. Có những trường hợp hết hạn tạm giữ, tạm giam, ban quản lý trại giam gửi thông báo lần 2 mà Viện kiểm sát vẫn chưa có phản hồi.
“Có thông báo hết hạn tạm giữ, tạm giam mà mình cứ để vậy thì nó kỳ”, ông Dũng nói.
Đánh giá về chất lượng kiểm sát án, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM Phạm Văn Bá dẫn ra 3 vụ án “điển hình về sự dây dưa”.
Theo ông Bá, ở quận Bình Tân có vụ chị dâu nhờ em chồng đứng tên sở hữu tài sản. Sau đó có chuyện hục hặc xảy ra, người chị kiện đòi lấy lại tài sản nhưng xử sao mà kéo dài tới 4 năm rồi vẫn không xong.
Ở huyện Củ Chi có vụ mua bán nhà đất có tranh chấp nhưng cũng xử kéo dài 10 năm mà chưa ra kết quả.
“Tiêu biểu” hơn, ở quận Tân Bình có vụ kiện chia tài sản thừa kế thôi mà đã 12 năm rồi vẫn “đứng bánh”. Vụ này trải qua 4 phiên sơ thẩm, 4 phiên phúc thẩm, đến phiên giám đốc thẩm đã yêu cầu xử lại từ đầu. Hơn 1 năm qua vẫn chưa mang ra xử lại.
Có vụ án mà bị can bị khởi tố tội giết người nhưng hơn 4 năm vẫn không xử xong. “Án tham nhũng thì đôi lúc có ý kiến ý có của người này người kia can thiệp, chứ án về tội giết người thì sao cứ để kéo dài?”, ông Bá nói.
Ông Bá cho rằng, đọc báo cáo (của Viện kiểm sát - PV) thì thấy suôn sẻ quá nhưng bên ngoài thực tế thì quá phức tạp. Nhìn sơ qua thì rất đáng mừng vì thấy cái gì cũng tốt nhưng tìm hiểu kỹ thì đáng lo.
“Bất cập, tồn tại nhiều, dân kêu ca, bất bình mà tòa nói không phải lỗi tại tòa. Viện nói không phải lỗi của viện. Vậy thì lỗi do ai? Nếu cái gì cũng ngon hết rồi thì sao dân vẫn kêu ca?”, ông Bá nói.
Tồn đọng gần 30.000 vụ án vì chỉ có một con dấu
Hiện trên địa bàn TP.HCM còn tồn đọng gần 30.000 vụ án dân sự chưa được thi hành đã gây ra nhiều bức xúc cho người dân. Đại diện TAND TP lý giải, mỗi năm tòa xử hơn 5.600 vụ. Số vụ xét xử lớn nhưng tòa chỉ có 1 con dấu thôi nên đóng suốt ngày suốt đêm cũng không kịp (?). Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Phạm Văn Bá chỉ ra một thực trạng khi ông đi giám sát thi hành án ở H.Củ Chi: số vụ tồn nhiều quá, lùm xùm kéo dài nhiều năm nhưng 10 tháng nay Viện Kiểm sát huyện không tiến hành kiểm sát vụ nào để chấn chỉnh. |
Đình Phú
>> Một đại biểu HĐND TP.HCM bị bắt tạm giam
>> Một đại biểu HĐND TP.HCM bị bắt vì lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
>> Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa 6:: 'Nóng' vì một vụ án
Bình luận (0)