'Call Me By Your Name': Tình chỉ đẹp khi còn dang dở

28/01/2018 14:54 GMT+7

Mùa hè 1983, Elio và Oliver của Call Me By Your Name gặp nhau tại nước Ý. Trước đó 20 năm là thời điểm Jack và Ennis trong Brokeback Mountain tao ngộ. Dường như mùa hè luôn là khởi đầu của những chuyện tình đẹp nhưng đoản mệnh.

Thế mà Hollywood vẫn không ngừng yêu mến những mối tình sớm nở tối tàn ấy. Còn nhớ năm ngoái, bộ phim La La Land cũng là một tấu khúc bốn mùa, trong đó cặp nhân vật chính gặp nhau lần đầu vào mùa hè và chia lìa khi đông sang. Trước đó còn có The Notebook (2004), 500 Days of Summer (2009), Dear John (2010)... đều là những chuyện tình lãng mạn diễn ra vào mùa hè.
Dường như cái nắng vàng ruộm của ngày hè sở hữu ma lực làm người ta say sưa trong ái tình. Vào thế kỷ 17, đại thi hào William Shakespeare sáng tác bài sonnet Shall I compare thee to a summer's day? cảm thán về cái ngắn ngủi của ngày hè nhưng lại ngợi ca vẻ đẹp bất tử của tình yêu.
Tình yêu giữa Elio và Oliver không có cái thô ráp dữ dội như cặp đôi trong Brokeback Mountain, cũng thiếu vắng ước mơ, hoài bão lớn lao kiểu La La Land. Mối tình của Call Me By Your Name nhẹ nhàng, giản đơn và đầy nhục cảm, không bị cản ngăn bởi định kiến xã hội, người thứ ba hay biến cố bất chợt nào. Một chuyện tình yêu đầu đời thuần túy, chỉ trưng ra trước mắt người xem những cung bậc cảm xúc của tình yêu chứ không chủ ý truyền tải thông điệp, do đó cũng không mang lại cảm giác lên gân giáo điều. Họ yêu nhau êm ái, ngây ngất như bị bỏ bùa, thảnh thơi hôn và làm tình trong cái chây lười uể oải của nắng hè, là minh chứng mãnh liệt nhất cho thứ tình cảm đê mê, đắm say mà Shakespeare từng miêu tả. Nhưng bùa mê rồi cũng phai và cơn mộng nào rồi cũng phải tỉnh, đó là cách mà bộ phim kết thúc với sự ra đi của Oliver và giọt nước mắt đớn đau của Elio.
Call Me By Your Name: Tình chỉ đẹp khi còn dang dở1
Timothée Chalamet vận dụng đôi mắt biết nói trong rất nhiều cảnh quay
Đạo diễn Luca Guadagnino đã khắc họa mối tình say đắm ấy bằng những khung hình vàng ruộm đậm chất Ý, đến nỗi ta cảm tưởng như có thể ngửi trong nắng hương thơm thoang thoảng của những quả mơ. Ta cảm thấy như được cùng Elio đạp xe trên những cung đường đầy nắng, tìm chỗ trú bí mật bên cạnh một cái hồ, đằm mình giữa làn nước mát lạnh để làm dịu cơn bỏng rát trên da thịt rồi ngả lưng dưới bóng râm dậy mùi cỏ non.
Những chi tiết nhỏ khắc họa tính cách nhân vật cũng rất đáng giá, ví dụ cảnh gia đình Elio cùng nhau tranh luận trong bữa trưa bằng thứ tiếng Ý du dương như nhạc, gợi cho ta nghĩ ngay đến truyền thống yêu nghệ thuật của người dân xứ sở này, hay cách mà Oliver nhanh nhảu đập quả trứng luộc để lòng đỏ vàng ươm trào ra rất đậm đặc chất Mỹ mà nhân vật này đại diện, cách mà Elio luôn sẵn cây bút để viết hí hoáy vào khuôn nhạc, hoặc chăm chú đọc một quyển sách cũ bung cả bìa...
Call Me By Your Name: Tình chỉ đẹp khi còn dang dở2
Bộ phim gắn với cảnh thiên nhiên và cái nắng vàng ruộm đặc trưng của mùa hè nước Ý
Thế nhưng, Call Me By Your Name vẫn chưa phải một tác phẩm quá xuất sắc. Bộ phim chủ yếu khuấy động người xem bằng cách gợi nhớ lại những rung động đầu đời. Có thể ví bộ phim giống viên kẹo bọc đường ngọt ngào với khung hình duy mỹ cùng tình yêu mang màu sắc lý tưởng hóa. Nếu bạn tìm kiếm một bộ phim gây cấn, dữ dội, Call Me By Your Name không dành cho bạn. Nếu bạn tìm kiếm thông điệp triết lý nhân sinh lớn lao thì rõ ràng Call Me By Your Name cũng không đáp ứng được nốt.
Bộ phim lại chẳng phải "nghệ thuật vị nghệ thuật" trăm phần trăm. Ta không nghi ngờ gì sự lãng mạn trong phim phần lớn dựa vào cốt truyện vốn đã rất nên thơ của nguyên tác do nhà văn André Aciman chấp bút. Bối cảnh nước Ý thì vốn đã đẹp như mộng mà chẳng cần tô vẽ nhiều. Còn những khâu quay phim, dựng phim của Call Me By Your Name, dù chắc tay nhưng chỉ ở mức trung bình, vẫn chưa phải là một thứ ngôn ngữ điện ảnh mạnh mẽ có sức lay động người xem. Mỗi cảnh chỉ làm gờn gợn trong lòng người xem một tí sóng chứ không có cảnh nào thực sự quá đặc sắc đến mức khắc cốt ghi tâm.
Call Me By Your Name: Tình chỉ đẹp khi còn dang dở3
Cảnh cuối trong Moonlight
So với Moonlight năm ngoái, dù có nhiều khác biệt về nội dung, nhưng vẫn có thể thấy ngay là Call Me By Your Name kém hơn hẳn xét trên năng lực "kể chuyện bằng hình". Moonlight dùng tông màu lạnh xanh, tím để tôn lên sắc da của nhân vật chính cùng với một cảnh kết cô đọng đầy tính biểu trưng. Đặt cạnh Moonlight, dường như cảnh kết của Call Me By Your Name quá... đơn điệu, không đủ sức gợi, không đủ gây ám ảnh, chỉ làm người ta thấy tí buốt nhói trong lòng rồi thôi. Nếu đặt vào một loạt phim đồng tính đáng chú ý của thập niên này, chắc chắn Call Me By Your Name sẽ "chìm lỉm" ngay.
Hơn nữa, Viện Hàn lâm Mỹ từ bao đời nay vốn chuộng lối làm phim tả thực, mà Call Me By Your Name dường như lại thiếu chất hiện thực đời sống mà giải thưởng danh giá đang tìm kiếm. Còn nhớ năm ngoái, nhiều người đã chẳng chỉ trích La La Land là phù phiếm, thờ ơ với những vấn nạn nóng hổi của nhân loại còn gì? Nên chặng đường chinh phục Oscar của Call Me By Your Name có thể sẽ vấp phải định kiến tương tự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.