Cảm ơn ba đã bên con !

15/04/2015 07:00 GMT+7

Nếu không có ba đồng hành cùng con trong những tháng ngày thử thách nhất, thì đời con bây giờ không biết trôi về đâu...

Nếu không có ba đồng hành cùng con trong những tháng ngày thử thách nhất, thì đời con bây giờ không biết trôi về đâu...

Hai cha con ông Nguyễn Tấn - Nguyễn Minh Trí tại buổi ra mắt Hội PFLAG ở TP.HCM - Ảnh: Nhân vật cung cấp Hai cha con ông Nguyễn Tấn - Nguyễn Minh Trí tại buổi ra mắt Hội PFLAG ở TP.HCM - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Một số bạn trẻ LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới) tại VN có chung tâm sự như vậy, khi nhắc đến người cha của mình.
“Muốn làm trai gái gì cũng được, nhưng…”
Trương Phong (22 tuổi, tên khai sinh là Trương Lê Uyên Phương, ngụ Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) cho biết từ năm học lớp 8 đã cắt đi mái tóc dài óng ả của mình và chỉ mặc áo quần kiểu con trai. Nhà trường nhiều lần mời phụ huynh đến nhắc nhở, song mỗi ngày đi học Phong đều giấu bộ áo dài trong cặp...
Những thay đổi ấy khiến mối quan hệ giữa Phong và mẹ rất căng thẳng. Suốt một thời gian, mẹ và con gái không nói gì với nhau. Phong đi học về là nhốt mình trong phòng. Còn mẹ thì khóc rất nhiều. Bà dùng lời lẽ nặng nhẹ để ngăn cấm con; thậm chí tìm đến các am tự cúng bái, cầu xin cho con gái không bị “bệnh đồng bóng”…
Không có cùng suy nghĩ với vợ, ông Trương Nguyên Hải (cha của Phong) vẫn tôn trọng sở thích của con, chẳng cấm cản gì. Có lần gặp lại người cháu là tiến sĩ y học, ông kể về trường hợp của con gái mình. “Nghe đứa cháu giải thích đây là chuyện sinh học bình thường chứ không phải bệnh hoạn, tôi bắt đầu thay đổi nhận thức về LGBT”, ông Hải nhớ lại.
Ông kể tiếp: “Tôi đã nói chuyện với Phong rằng con muốn làm trai gái gì cũng được, nhưng con không được quên hai việc. Thứ nhất, phải có đạo đức tốt. Thứ hai, không được vi phạm pháp luật. Làm sao để không gây ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và dòng họ. Tôi cũng dặn thêm là trước mắt con cứ học thật giỏi, để sau này có việc làm ổn định”.
Ngày 7.4 vừa qua, khi giao lưu với sinh viên và phụ huynh tại TP.HCM, ông Thắng “tennis” (ở Q.Thủ Đức) khẳng định vợ chồng ông chỉ mất 2 đêm âu lo, trăn trở trước khi đi đến quyết định chấp nhận con trai mình đồng tính.
Vốn là người tham gia nhiều hoạt động đoàn thể ở địa phương, ông Thắng nói cũng từng bị áp lực bởi dư luận hay dò hỏi về giới tính của con mình. “Chấp nhận hay không thì nó vẫn là con mình. Nếu mình hắt hủi thì nó phải ra đường, nó biết bám víu vào đâu? Và như vậy, coi chừng mình mất con. Chưa kể, phủ nhận con mình mà ra ngoài xã hội kêu gọi mọi người yêu thương nhau thì ai mà thèm nghe!” ông Thắng trải lòng.
5 năm, xoay xở một mình
Hoang mang khi phát hiện con trai Nguyễn Minh Trí có những dấu hiệu lạ, ông Nguyễn Tấn (ngụ ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) âm thầm tìm hiểu thông tin về các vấn đề giới tính.
Trương Phong và cha mẹ của mình -  Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trương Phong và cha mẹ của mình -  Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ông Tấn tâm sự: “Trong suốt 5 năm, tôi đã không nói với vợ sự thật con là người song tính vì sợ bà ấy sốc, rồi buồn phiền. Trí là cháu đích tôn của dòng họ, được ông nội rất kỳ vọng, nên tôi cũng cân nhắc thời điểm nói ra”. Ngày qua ngày, ông kiên nhẫn làm “công tác tư tưởng” để người thân dần thông hiểu.
Ông nêu kinh nghiệm: “Tôi luôn nhấn mạnh trước hết đến ý thức trách nhiệm của một công dân tốt đối với gia đình và xã hội, bất kể họ là nam hay nữ. Từ nền tảng trên, tôi mới đi vào trường hợp cụ thể. Trong khi đó, nhiều phụ huynh khác thường đi thẳng vào vấn đề giới tính nên rất dễ gặp bế tắc”. Đầu năm 2015, ông Tấn mạnh dạn đưa vợ vào TP.HCM tham gia buổi ra mắt Hội Phụ huynh và người thân của người đồng tính, song tính và chuyển giới (PFLAG) tại VN.
Nhớ lại quãng thời gian đó, Nguyễn Minh Trí, sinh viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, chia sẻ: “Khi mình có vẻ nữ tính trau chuốt bề ngoài, ba răn đe dữ lắm. Đôi khi ba dùng những từ ngữ khiến mình buồn tủi. Lúc ấy ba nghĩ mình còn trẻ người non dạ, bốc đồng, nông nổi nên nhiều khi thích phá phách, thích làm khác người. Những năm học THPT, mình năng nổ học tập lẫn các hoạt động xã hội. Mặc dù ba không nói thẳng ra là đã chấp nhận mình, nhưng ba hay nói: “Con cứ làm điều mình thích, mình đam mê. Miễn sao đừng ăn trộm, ăn cướp của người ta là được”.
Rồi khi vào đại học, ba quan tâm nhiều hơn. Mình vẫn nhớ như in lần đầu tiên mình vào TP.HCM, ba nhắn tin động viên tinh thần một cách rất trìu mến, khác hẳn một người ba nghiêm khắc với con trai trước đó. Cho nên mình thấy tự tin, hạnh phúc và mạnh mẽ hơn rất nhiều vì ở đằng sau đã có gia đình và có ba…”.
Những người cha tiên phong
Hội PFLAG tại VN hiện có khoảng 10 thành viên. Trong đó, chỉ có 3 người cha tham gia. Đó là ông Thắng “tennis” (TP.HCM), ông Trương Nguyên Hải (Khánh Hòa) và ông Nguyễn Tấn (Bình Định). Đây là những người cha tiên phong và can đảm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.