Cảm phục tài xế xung phong chạy xe 0 đồng chở F0, F1 ở TP.HCM

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
02/07/2021 10:31 GMT+7

Thất nghiệp vì dịch Covid-19 , anh Trí đăng ký làm tài xế xe cấp cứu 0 đồng chở các ca F0, F1 ở TP.HCM đến nơi điều trị, cách ly.

Những đoạn clip và hình ảnh về trường hợp có khi là những em bé F0, F1 phải lên xe để đến nơi cách ly và bệnh viện điều trị Covid-19 được anh Nguyễn Minh Trí (27 tuổi) đăng tải được mạng xã hội chia sẻ rộng rãi với sự khâm phục và xúc động.

Từng muốn xung phong đến Bắc Giang

Chia sẻ với Thanh Niên, anh Trí cho biết bắt đầu công việc lái xe cấp cứu 0 đồng từ giữa tháng 6. Trước đó, anh chạy xe dịch vụ được 4 năm, dịch Covid-19 khiến anh tạm thời thất nghiệp. Tình hình dịch bệnh tại TP.HCM căng thẳng nên anh chỉ quanh quẩn trong nhà lướt điện thoại và đọc báo. Trong một lần tình cờ thấy nhóm thiện nguyện Nhất Tâm đăng bài tuyển tài xế chạy xe cấp cứu 0 đồng chở F0, F1 đến bệnh viện và các khu cách ly, anh Trí đăng ký tham gia.

Buổi sáng anh Trí còn phụ vận chuyển cơm đến các khu vực cách ly

“Thời điểm Bắc Giang bùng phát dịch mạnh thì mình cũng muốn nộp đơn để ra tuyến đầu hỗ trợ bà con nhưng vì xa quá và gia đình không muốn mình đi nên không đi được. May mắn biết đến nhóm, tối đó mình qua bàn công việc rồi sáng hôm sau nhận xe để chạy luôn”, anh kể lại.
Anh Trí cho biết sau khi trung tâm y tế có thông tin về các ca bệnh F0, F1 sẽ thông báo cho trưởng nhóm thiện nguyện. Trưởng nhóm sau khi tiếp nhận sẽ đăng lên nhóm chung để các tài xế nhận việc. Mỗi lần nhận ca, anh Trí sẽ lái xe và có một bạn trong nhóm đi theo phụ, đến trung tâm y tế của quận, huyện sẽ có nhân viên y tế đi theo.
Để an toàn, anh Trí luôn mang đồ bảo hộ, tùy trường hợp sẽ mang bộ màu xanh hay màu trắng. “Bộ màu xanh thì có độ an toàn ít hơn bộ đồ bảo hộ màu trắng. Những trường hợp đi suốt 1 - 2 tiếng đồng hồ chở các ca liên tục thì mình sẽ mặc đồ màu trắng. Những bộ đồ bảo hộ được trích từ quỹ nhóm để mua, cũng có nhà hảo tâm gửi đồ bảo hộ để ủng hộ nhóm”, anh giải thích.

Mong sớm bình yên trở lại

Anh Trần Thanh Long, Trưởng nhóm thiện nguyện Nhất Tâm, cho biết nhóm kêu gọi toàn bộ kinh phí từ cộng đồng, từ đồ bảo hộ đến xe cứu thương. Sau mỗi chuyến xe đều sẽ xịt khử khuẩn tại chỗ và sau đó về rửa lại xe. Mỗi tài xế trước khi tham gia chở bệnh nhân F1, F0 được tập huấn tại Bệnh viện Thủ Đức về cách chở sao để đảm bảo an toàn cá nhân và mang, tháo đồ bảo hộ như thế nào.
Chở các ca F0, F1 hằng ngày, điều khiến anh Trí và anh em nhớ nhất là những chuyến xe vào nửa đêm chở các em nhỏ, một mình mang theo hành lý, rời xa bố mẹ. Đặc biệt, trường hợp F0 là một bé gái mới 8 ngày tuổi, bố mẹ là F0 nên em được trung tâm y tế đưa đến cách ly tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
“Lúc đó vào buổi trưa, mình nhận được điện thoại từ Trung tâm y tế quận 7 (TP.HCM) nhờ hỗ trợ chở F1 đi cách ly. Qua đến nơi thì được báo lại ca này là F0. Mình đợi một lúc thì một phụ nữ trung niên (là bà của bé - PV) bế theo một em bé bước ra, thấy mà xót xa lắm. Lúc mới lên xe, bé im lắm mà xe chạy được gần 1 km thì bắt đầu ngọ nguậy khóc nên mình bất an, không dám chạy nhanh”, anh kể lại.

Bản tin Covid-19 ngày 1.7: Ngày kỷ lục 713 ca mắc, số bệnh nhân ở TP.HCM 'leo thang' chóng mặt

Anh Trí hiện thuê nhà ở một mình, mỗi ngày anh đến nhận xe rồi đến bếp ăn của nhóm thiện nguyện ở Q.2 (TP.HCM) để hỗ trợ chở cơm đến các khu cách ly có người không ra bên ngoài được. Đồng thời anh luôn trực điện thoại, chỉ cần có người gọi là sẽ chạy xe ngay. Anh cho biết trong nhóm hiện tại có khoảng 10 tài xế.
“Mỗi ngày có khi chở 30 - 40 ca, có ngày chở đến 91 F1. Lúc đầu chạy xe cấp cứu 0 đồng cũng hoang mang nhưng sau này chạy miết cũng thấy quen không còn sợ nữa. Mình cảm thấy vui vì làm được công việc nhỏ này để hỗ trợ bà con, mong mọi người ai cũng ý thức phòng dịch hơn để TP.HCM sớm bình yên trở lại”, anh bộc bạch.
Anh Long cho biết nhóm có 8 xe cấp cứu 0 đồng, 5 xe được mua trước đó và từ khi dịch bùng phát mạnh tại TP.HCM đã mua thêm 2 xe cấp cứu và mượn thêm 1 xe. Hiện tại nhóm có gần 20 tài xế tình nguyện lái xe cấp cứu 0 đồng chở bệnh nhân là F0, F1. Tất cả các tài xế đều không về nhà trong một tháng qua, có tài xế chạy xe đến kiệt sức phải nhập viện.
"Anh em đều ăn chay, người ngủ võng, người ngủ trên xe đợi có điện thoại là xuất phát ngay. Số lượng các ca F1, F0 nhóm chở rất nhiều có ngày lên đến 100 ca", anh Long nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.