Đi ngược

18/06/2011 23:26 GMT+7

Không hiểu tự bao giờ ở ta lại sính dùng những từ thật hoành tráng để đặt tên cho sự vật.

Đang là vườn hoa hoặc công viên gọn nhẹ bỗng dưng biến thành công viên văn hóa cồng kềnh (chẳng lẽ để phân biệt với một loại công viên vô văn hóa tồn tại ở một nơi nào đó?), đang là chợ rất ngắn gọn và thân thương lại biến thành trung tâm thương mại dài dòng khó hiểu.

Từ Vườn hoa Tao Đàn biến thành Công viên Tao Đàn tuy mất đi sự thân quen tao nhã nhưng được cái chính xác về mặt ngữ nghĩa vì công viên là vườn chung, còn vườn hoa thì lẫn lộn với vườn hoa riêng trong mỗi gia đình. Tuy nhiên khi gọi Công viên văn hóa Tao Đàn thì không những làm mất đi sự tao nhã mà còn thêm sự dài dòng vô nghĩa.

Tương tự như vậy lại có cái tên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn...

Chợ là từ chỉ địa điểm tập trung để mua bán được ông bà ta dùng một cách ngắn gọn từ bao đời, bây giờ chỉ xây mới lại là biến thành trung tâm thương mại một cách dài dòng liệu có cần thiết không? Thực chất hiện nay có hai loại chợ: chợ truyền thống và chợ hiện đại nhưng những từ này chỉ dùng trong các văn bản khi cần thiết phải phân biệt còn bình thường thì vẫn cứ gọi là chợ là đủ rồi.

Ngày xưa thời phong kiến, ta còn lệ thuộc khá nhiều vào văn hóa Trung Hoa, thế nhưng khi đặt tên cho các cơ quan quản lý cấp cao của triều đình ông bà ta lại rất nôm na và gọn nhẹ: Bộ Binh, Bộ Học, Bộ Lại, Bộ Lễ, Bộ Hình, Bộ Nông…

Sau này để hoành tráng ta biến Bộ Học thành Bộ Giáo dục… có hơi dài hơn một tí nhưng cũng tạm ổn vì để cân đối với tên các bộ mà ngày xưa không có như Bộ Kinh tế, Bộ Tài chánh, Bộ Ngoại giao … Thế nhưng bây giờ lại gọi là Bộ Giáo dục và Đào tạo thì không thể nào lý giải nổi cho sự dài dòng đại hoành tráng này. Cái sự dạy và học nào lại không mang nội dung đào tạo mà phải trưng hết ra để làm khó dễ cho việc viết các văn bản.

Tương tự như vậy với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Có cần thiết phải dài dòng trưng hết chức năng và nhiệm vụ của bộ đó lên cái tên gọi hay không? Không ai ngây ngô gọi cái giường là cái-dùng-để-nằm-để-ngồi-và-để-ngủ.

Ngôn ngữ càng hiện đại càng tinh gọn. Không lẽ chúng ta lại đi ngược với sự phát triển? 

Trung Lương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.