Ngày 29.11, Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, đơn vị và Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) đã ký kết hợp đồng tư vấn thu xếp vốn cho dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (ở H.Bình Sơn, Quảng Ngãi), dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Theo đó, PVcomBank sẽ tư vấn, hỗ trợ cho BSR thu xếp nguồn vốn vay với tỷ lệ 40% so với tổng mức đầu tư của dự án (khoảng 526 triệu USD) từ nhiều nguồn vốn vay khác nhau trên thị trường tài chính trong nước và quốc tế.
BSR được ưu tiên nguồn vốn vay tín dụng hỗ trợ xuất khẩu (ECA) từ các tổ chức tín dụng quốc tế, còn các tổ chức tín dụng trong nước tài trợ nguồn vốn vay thương mại để đáp ứng theo tiến độ triển khai tổng thể của dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Hiện công ty đã hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng cùng các hạng mục phụ trợ liên quan và đang triển khai thiết kế kỹ thuật tổng thể. Riêng việc lựa chọn tổng thầu dự kiến sẽ tiến hành trong năm 2025.
Trước đó, vào ngày 5.5.2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 482/QĐ-TTg về việc chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Sau khi được nâng cấp, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ nâng công suất từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày.
Tổng kinh phí đầu tư dự án này khoảng 31.235 tỉ đồng (tương đương 1,257 tỉ USD). Nguồn vốn đầu tư thực hiện theo cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay 40/60 và nhà đầu tư được xem xét điều chỉnh cơ cấu vốn vay phù hợp với thực tế khả năng cân đối nguồn và đem lại hiệu quả cao hơn. Cụ thể, nguồn vốn của chủ sở hữu là 12.494 tỉ đồng (tương đương 503 triệu USD) và nguồn vốn vay là 18.741 tỉ đồng (tương đương 754 triệu USD).
Cũng theo quyết định số 482/QĐ-TTg, quy mô sử dụng đất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khoảng 51,67 ha, gồm: 41,01 ha mở rộng thêm và 10,66 ha đất dự phòng hiện có bên trong nhà máy, không sử dụng mặt biển.
Khi đưa vào hoạt động, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ bổ sung 5 phân xưởng công nghệ bản quyền mới gồm: Phân xưởng xử lý xăng bằng hydro (GHDT), phân xưởng xử lý diesel bằng hydro; phân xưởng Alkyl hóa, phân xưởng sản xuất hydro (HGU) và phân xưởng thu hồi lưu huỳnh (SRU3/4).
Theo quyết định nói trên, dự án mở rộng, nâng cấp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dự kiến sẽ triển khai trong 37 tháng và đưa vào vận hành trong quý 1 năm 2028.
Sau khi dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoàn thành, BSR sẽ nâng tổng công suất sản xuất, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào để đảm bảo duy trì nguồn cung ổn định, lâu dài, trở thành hạt nhân của Trung tâm Năng lượng và lọc hóa dầu quốc gia tại khu vực miền Trung, đồng thời được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt là khu vực Trung bộ.
Bình luận (0)