Nghệ thuật múa đang về đâu?

23/09/2006 15:31 GMT+7

Trong sự hỗn độn của thị trường biểu diễn gần đây, nghệ thuật múa đã mất dần chỗ đứng. Nhiều diễn viên múa đành phải "chuyên tâm" minh họa cho ngôi sao ca sĩ cùng các bài hát "ruột" ăn khách, hợp thị hiếu số đông. Họ chỉ biết "sống nhờ" vào cái gọi là "nghệ thuật múa minh họa" dù không có bất cứ trường lớp nào đào tạo "chuyên ngành" này.

Đối diện với một thị trường đang dần quay lưng

Không khó khăn để nhận ra rằng nghệ thuật múa đang... lui vào dĩ vãng. Rất nhiều live show hoành tráng, chương trình ca nhạc, thời trang tiêu tốn tiền tỉ, được hàng chục ngàn người hâm mộ trong cả nước đón chào nồng nhiệt đã được tổ chức, nhưng để kiếm một tiết mục múa đạt chuẩn nghệ thuật, với sự dàn dựng công phu từ trang phục đến biên đạo, âm thanh ánh sáng... thì thật quá khó!

Có tận mắt chứng kiến một buổi tập của diễn viên múa mới thấy những giọt mồ hôi lao động nghệ thuật giờ sao... bèo bọt quá. Ngoài lương hằng tháng (theo bậc lương nhà nước), diễn viên múa thuộc biên chế các đoàn nghệ thuật sẽ nhận thêm 150 ngàn đồng cho mỗi suất diễn. Trung bình mỗi tháng có từ 3-5 show. Vì vậy họ phải làm thêm nhiều nghề. Nghệ sĩ múa Thảo Dung, hiện là giáo viên Trường múa TP.HCM nhớ lại: "Tôi từng thấy học trò của mình ra trường không tìm đâu được việc làm phải đi múa đám cưới, sinh nhật, hội nghị khách hàng. Nhìn các em mà muốn rơi nước mắt. Nhiều lúc thấy nghề sao bạc bẽo quá. Chúng tôi còn hoạt động chỉ vì quá yêu nghề, vì cái "nghiệp" thôi".

Thực trạng nghệ thuật múa là thế. Trong khi ở các chương trình tầm cỡ quốc gia hay sự kiện văn hóa mang tính giao lưu giữa Việt Nam và các nước, múa vẫn là một trong những tiết mục "đinh" để thế giới hiểu hơn về văn hóa, nghệ thuật Việt.

Tiết mục múa Những dòng chảy mới do nghệ sĩ Thế Dũng biên đạo

Tìm người theo nghề: ai nấy lắc đầu!

Theo nhận định của Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Đặng Hùng, Phó giám đốc Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, thì hiện nay nghệ thuật múa đã phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng so với những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, nhưng vẫn còn đó những nỗi ưu tư. "Tôi và Vương Linh là những người đầu tiên đưa tiết mục múa vào các chương trình ca nhạc với sự dàn dựng kỹ lưỡng. Chúng tôi cũng đã sáng tác và biên đạo một số vở múa kinh điển như Ngọc trai đỏ, Sự ân hận muộn màng, Chuyện tình non sông... biểu diễn cùng với Nhà hát giao hưởng TP.HCM. Nhìn lại sân khấu thị trường hiện nay thì đa số khán giả quen với hình ảnh các diễn viên múa minh họa cho ca sĩ và lầm tưởng đó là nghệ thuật múa đương đại của Việt Nam".

Anh cho biết thêm, để có được một tiết mục múa đạt chuẩn với thời lượng 5 đến 8 phút, phải đầu tư từ 50-60 triệu đồng, chưa tính tiền cát-sê cho diễn viên. Chi phí này bao gồm trang phục, âm nhạc (đặt hàng nhạc sĩ viết riêng cho tiết mục), biên đạo, đạo cụ, dàn nhạc... Kết quả là chỉ có những nhà hát của nhà nước, được bù lỗ bằng ngân sách mới có thể cho ra đời những tác phẩm múa đích thực. Trong khi đó, thị trường sẵn sàng quay lưng vì có mấy ông bầu, nhà sản xuất, ca sĩ thích "thử nghiệm" loại hình nghệ thuật này trên sân khấu khi biết chắc rằng thu không đủ bù chi?

Vì vậy đến nay chỉ còn một số đoàn nghệ thuật như Nhà hát ca múa nhạc trung ương, Nhà hát giao hưởng, Đoàn ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen... và một số đoàn nghệ thuật của các tỉnh hoạt động bằng ngân sách nhà nước là còn dàn dựng những tiết mục múa trong chương trình biểu diễn.

Góp thêm ý kiến với Đặng Hùng, nghệ sĩ múa Vương Linh cho biết: "Hiện chúng ta quá thiếu nhân lực cho nghề này từ giáo viên đến cả học viên. Rất nhiều bậc phụ huynh thích cho con em theo học múa từ nhỏ để có được cơ thể mềm mại, vừa biết cảm thụ âm nhạc, vừa có thêm kiến thức về mỹ thuật nhưng hỏi họ có muốn cho con em theo nghề này thì ai nấy đều lắc đầu. Đơn giản vì sự bấp bênh của thu nhập cũng như đãi ngộ của xã hội về nghề này rất thấp. Người ta sẵn sàng ca ngợi một giọng ca thị trường, nhàn nhạt, không cá tính, chỉ được cái tốt mã nhưng có mấy ai hiểu và chia sẻ những nhọc nhằn của đời nghệ sĩ múa".

Hiện nay những biên đạo múa có nghề đều phải tự lo thiết kế phục trang, sáng tác, biên đạo múa và cả đào tạo diễn viên trẻ. Không có bước chuyên nghiệp hóa, cộng thêm việc thu không đủ chi nên nhiều nghệ sĩ múa phải kiêm thêm các việc khác.

Những nghệ sĩ như Vương Linh, Đặng Hùng, Thảo Dung, Mỹ Duyên, Tố Như... được nhiều người biết đến và đã tốt nghiệp các lò đào tạo lừng danh thế giới như trường múa hàn lâm Vaganova ở Leningrad, Đại học ballet cổ điển tại Nga... còn phải rất vất vả với nghề mới có chỗ đứng thì thử hỏi các diễn viên múa được đào tạo trong nước sẽ nhọc nhằn đến mức nào.

Vở Một thoáng Việt Nam do các nghệ sĩ múa đoàn Bông Sen biểu diễn

Và những tia hy vọng

NSƯT Đặng Hùng nhìn nhận với thành phố 8 triệu dân, có nhịp sống sôi động như TP.HCM mà thiếu hụt đội ngũ nghệ sĩ và tiết mục múa trên các sân khấu biểu diễn thì nhiều chương trình ca nhạc sẽ trở nên vô vị. Hai anh chị Đặng Hùng - Vương Linh đã thành lập đoàn múa Những ngôi sao nhỏ quy tụ các em thiếu nhi từ 6 đến 12 tuổi và phần nào tạo nên hơi thở mới cho nghệ thuật múa. "Cái khó là làm sao dàn dựng được những tiết mục vừa đậm kỹ thuật múa phương Tây với biên đạo, âm nhạc, ánh sáng, trang phục... mang hơi thở đương đại vừa giữ được nét riêng của Việt Nam. Chúng ta không thể bê nguyên xi múa ballet của phương Tây lên sân khấu vì chắc chắn sẽ không thể địch lại Nga, Pháp, Ý... Ngược lại, nếu cứ đưa ra những tiết mục với tiết tấu, biên đạo cũ, âm nhạc cũ, khán giả sẽ nhàm chán".

Tìm hiểu về hệ thống đào tạo, thầy Hà Thế Dũng - Hiệu phó Trường Múa TP.HCM cho biết thêm: "Trường hiện có gần 400 thí sinh đang theo học hệ trung cấp. Chúng tôi trang bị cho các em kiến thức, kỹ thuật múa ballet, múa hiện đại, dân gian, dân tộc. Ngoài ra còn có cả khoa lý luận âm nhạc, nhạc lý, ký xướng âm, lý luận múa do 32 giáo viên đảm nhiệm. Tuy nhiên, do yêu cầu diễn viên múa của các đoàn nghệ thuật quá ít nên đa số sinh viên tốt nghiệp đều về hoạt động tại các nhà văn hóa quận huyện, tham gia các vũ đoàn múa minh họa".

NSƯT Đặng Hùng cho rằng để khán giả quan tâm hơn đến múa, những người hoạt động trong lĩnh vực này cần thay đổi cách dàn dựng, tổ chức. Múa như thế nào để hấp dẫn khán giả. Nghệ thuật múa phải mang hơi thở cuộc sống. Và để đáp ứng nhu cầu đó, Sở VHTT TP.HCM đã đồng ý cho Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen đưa 10 diễn viên múa sang Trung Quốc tu nghiệp 6 năm. Ngoài ra, còn cử thêm 6 diễn viên khác học về nhạc cụ dân tộc cũng tại Trung Quốc. Nhà hát giao hưởng TP.HCM đề nghị Sở VHTT cho phép đào tạo chuyên ngành múa để bổ sung đội ngũ diễn viên...

Những cơ hội như trong chương trình giao lưu văn hóa Tháng Mozart tại Việt Nam, hai vở opera nhạc vũ kịch Cây sáo thần và Trường học tình yêu do Đại sứ quán Áo và Thụy Điển hợp tác dàn dựng cùng Nhạc viện Hà Nội với hàng trăm diễn viên cũng giúp cho các diễn viên Việt Nam được tiếp cận với kỹ thuật múa hiện đại kết hợp khả năng thể hiện thanh nhạc.

Nhưng có lẽ những hoạt động ấy vẫn còn quá ít để khán giả có thể háo hức đến với nghệ thuật múa đương đại của Việt Nam. Hy vọng những tia sáng ấy sẽ được nhân lên nhiều lần.

* Nghệ sĩ Vương Linh: Từ nhỏ cháu Linh Nga không thích múa vì thấy bố mẹ quá cực với nghề mà thu nhập chẳng là bao. Tuy nhiên khi lớn lên, có lẽ mang gen của gia đình nên cháu vẫn theo nghề. Mấy tháng hè vừa rồi, cháu từ Trung Quốc về nước, diễn liên tục nhưng cát-sê cũng chỉ 2-3 triệu đồng trong khi nhận vài show quảng cáo thôi cũng đã có vài ngàn đô la. Dù vậy chúng tôi vẫn xác định với cháu rằng múa là nghề nghiệp chính bây giờ và mãi sau này.

* Diễn viên múa Thảo Dung: Điều cốt lõi hiện nay vẫn là làm sao để diễn viên múa có thu nhập đủ sống, từ đó họ mới an tâm làm nghề. Thử hỏi với cát-sê 150-200 ngàn đồng cho một đêm diễn mà đôi khi cả tháng chỉ được vài show thì làm sao diễn viên múa đủ sống? Tập biến tấu một tiết mục 2-3 phút thôi đã mất gần một tháng. Ít ai biết được những giọt mồ hôi vất vả của nghệ sĩ múa. Chỉ có những người quá yêu nghề mới trụ được. Tôi lo rằng cứ cái đà này sẽ thiếu hụt thế hệ kế thừa đủ đẳng cấp về nghề.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.