Cần cuộc cách mạng về tư duy của cán bộ thuế

07/04/2015 05:29 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nhận định như vậy tại Hội nghị trực tuyến về triển khai cải cách thủ tục thuế diễn ra vào ngày 6.4.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nhận định như vậy tại Hội nghị trực tuyến về triển khai cải cách thủ tục thuế diễn ra vào ngày 6.4. 

Cần cuộc cách mạng về tư duy của cán bộ thuếNgười dân xếp hàng làm thủ tục thuế tại Chi cục Thuế Q.Ba Đình, Hà Nội - Ảnh: Anh Vũ
Ông đã yêu cầu cán bộ thuế phải nhìn thẳng vào thủ tục hành chính đang xếp ở hàng “đội sổ” trong ASEAN để cắt giảm, cải cách, tạo thuận lợi, thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp (DN).
Phải canh gác thật kỹ
Hội nghị trên có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tài chính và 63 cục thuế các tỉnh, thành phố. Trước đó không lâu, Ngân hàng Thế giới (WB) đã có thống kê cụ thể thời gian nộp thuế trung bình của các nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm. Trong đó Indonesia là 259 giờ, Thái Lan 264 giờ, Philippines 193 giờ, Malaysia 133 giờ, Brunei 96 giờ, Singapore 82 giờ. VN đội sổ với thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội năm 2013 là 876 giờ, trong đó riêng thuế là 537 giờ. Nhắc lại con số này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, ngành thuế thay vì xấu hổ là phải cảm ơn WB về điều đó.
Thực tế, sau khi WB công bố số liệu trên, ngành thuế đã cải cách một loạt thủ tục, tới nay WB xác nhận số giờ làm thủ tục thuế đã giảm từ 537 xuống còn 370 giờ. Tuy nhiên, theo ông Dũng đây mới là tính toán trên giấy tờ, lý thuyết, còn để chính sách đi vào cuộc sống thực sự cần phải có một cuộc cách mạng tư duy mới ngay chính các cán bộ thuế. Trước hết, tất cả thủ tục đã cắt giảm không được đẻ thêm thủ tục mới. “Ông Tuấn (Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn - NV) phải canh gác thật kỹ, để đẻ ra thủ tục mới thì chết dở”, Bộ trưởng yêu cầu.
Liên quan đến công tác hoàn thuế, người đứng đầu ngành tài chính khẳng định vẫn còn có nhiều hạn chế, bất cập. Đặc biệt, từ cuối năm 2013 thu ngân sách khó khăn, tại Tây nguyên và Tây Nam bộ đã xảy ra tình trạng có DN lợi dụng chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Đơn cử tại Đồng Nai đã phát hiện và xử lý vi phạm tại một DN với số tiền hơn 1.000 tỉ đồng; số tiền tương tự cũng được phát hiện tại một DN khác ở Lâm Đồng. Hai DN này, theo ông Dũng đã bị khởi tố. Tới đây, còn vài chục DN khác cũng bị xử lý.
Còn tồn nhiều hồ sơ chưa hoàn thuế
Bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, nhận khuyết điểm của cơ quan mình về thiếu sót trong công tác hoàn thuế khi để tồn tại nhiều hồ sơ hoàn thuế. Một số trường hợp giải quyết chậm gây phản ứng, khiếu nại của người nộp thuế. Tới đây, theo bà Nga, Cục Thuế TP.HCM sẽ quán triệt các công chức không được đặt ra bất cứ một thủ tục, một quy trình, giấy tờ gì ngoài các văn bản đã quy định. Cam kết không gây thêm phiền hà và phiền nhiễu gì cho người nộp thuế.
Ông Hà Huy Hải, Cục trưởng Cục Thuế TP.Hà Nội, cho biết trong năm 2014 đã ban hành 1.721 lệnh hoàn với số tiền thuế 9.800 tỉ đồng. Trong 2 tháng đầu năm 2015 đã ban hành 365 lệnh hoàn 2.165 tỉ đồng. Tuy nhiên, Cục Thuế Hà Nội cũng đang tồn 37 hồ sơ, chưa hoàn thuế lại cho các DN.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị trước mắt phải xây dựng được thông tư về quản lý rủi ro, xây dựng cơ sở dữ liệu cho 488.000 DN với 47 chỉ tiêu. Qua đó, xác định DN nào cần phải kiểm tra, DN nào tốt rồi nhanh chóng hoàn thuế. Từng lãnh đạo, cán bộ ngành thuế phải nâng cao nhận thức. Mới đây, qua chấm điểm 63 cục trưởng cục thuế có 3 người loại C, 30 loại B và 30 loại A. Tới đây, chương trình cắt giảm thủ tục hành chính phải định lượng thành các tiêu chí để chấm điểm nhiệm vụ chính trị của từng lãnh đạo.
Nhiều địa phương “ngâm” tiền hoàn thuế
Theo báo cáo năm 2014, toàn ngành thuế đã tiếp nhận mới 22.074 hồ sơ hoàn thuế, với tổng số tiền đề nghị hoàn là 98.970,2 tỉ đồng.
Một số cục thuế có hồ sơ giải quyết hoàn thuế chậm so với thời hạn quy định gồm An Giang 46 hồ sơ, Cà Mau 112 hồ sơ, Đắk Nông 12 hồ sơ, Đồng Nai 159 hồ sơ, Hà Nội 37 hồ sơ, Hải Dương 103 hồ sơ, TP.HCM 157 hồ sơ.
Kết quả hoàn thuế trước, kiểm tra sau 15.795 hồ sơ với số thuế hoàn là 67.358 tỉ đồng, chiếm 77,9% số tiền thuế hoàn; Kiểm tra trước, hoàn thuế sau 4.851 hồ sơ với số tiền thuế hoàn 19.141 tỉ đồng, chiếm 22,1% tổng số số tiền thuế hoàn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.