Cần đổi mới giải thưởng âm nhạc

01/12/2009 01:29 GMT+7

Thông thường thời điểm cuối năm, những người yêu ca nhạc và các ca sĩ hồi hộp chờ kết quả từng giải thưởng âm nhạc. Song 2 năm nay, mọi người lại tỏ ra hờ hững với các giải thưởng này...

Chẳng lẽ cứ mãi những khuôn mặt cũ!

Đó là một trong những nguyên nhân làm cho độ nóng của từng giải thưởng âm nhạc hạ nhiệt. Dù không tuyên bố nhưng các nhà tổ chức những giải thưởng như Bài hát Việt, Album vàng, Cống hiến, Mai vàng (mảng âm nhạc), Sao mai, Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Làn sóng xanh... luôn tỏ ra khó khăn khi nhắc đến danh sách ca sĩ được đề cử (một yếu tố vô cùng quan trọng góp phần làm nên “sức nặng” cho các giải thưởng) và lượng thí sinh đầu vào.

Về mặt thị trường, các ca sĩ nổi lên trong năm 2008, 2009 cũng khá nhộn nhịp, song nhìn lại không có gương mặt trẻ đủ sức kế thừa lớp đàn anh, đàn chị. Điều mà các nhà tổ chức bối rối nhất hiện nay chính là lượng fan của các ca sĩ trẻ như: Bảo Thy, Cao Thái Sơn, Đông Nhi, Ngô Kiến Huy, Minh Hằng, Wanbi Tuấn Anh, Khổng Tú Quỳnh... quá đỗi hùng hậu để đề cử cho họ. Để chọn ra một giọng hát trong số những gương mặt trên đủ sức thuyết phục mọi tầng lớp khán giả để trao giải, không phải là chuyện dễ! Nhưng chẳng lẽ bao nhiêu năm trời giải thưởng cứ mãi thuộc về Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Cẩm Ly, Hồ Quỳnh Hương, Hồ Ngọc Hà?

 Có loại giải thưởng chỉ nhằm để quảng bá cho một thương hiệu nào đó thì làm sao thuyết phục được khán giả?.

Nhạc sĩ Vũ Quốc Việt

Anh Hồng Phúc - Giám đốc Công ty tổ chức H.H.Pro, góp ý: “Theo tôi, không nên cố để tồn tại một vài giải thưởng âm nhạc mang tính thường niên. Bởi tình hình chung hiện nay chưa có gì mới nổi trội và chưa có ca sĩ xứng đáng kế thừa thì cớ gì cứ phải “ép” tìm cho được một người để trao giải? Là người trong cuộc, đôi khi tôi hiểu sự lấn cấn của ban tổ chức là phải giữ đúng format chương trình mỗi năm một lần hoặc mỗi tháng một lần (có khi do hợp đồng ký kết cùng nhà tài trợ) nên chuyện làm nóng giải thưởng rất khó. Nên chăng, hãy bình tâm và thử làm cuộc “cách mạng” thay đổi, như 2 năm một lần cho Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Làn sóng xanh, Cống hiến; hay 3 tháng cho một giải Album vàng, Bài hát Việt... thay vì mỗi tháng như hiện nay”.

Cần đổi mới cách tôn vinh

Nhắc đến việc giải thưởng âm nhạc thiếu sức hấp dẫn, nhạc sĩ Tôn Thất Lập nhận định: “Có rất nhiều nguyên nhân mà ban tổ chức cần nghiên cứu thêm như: chất lượng đầu vào thí sinh, cách tổ chức giải cần đổi mới để khán giả phải xem...”.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập nhấn mạnh: “Phần tôn vinh những người đoạt giải cũng rất quan trọng, nhưng một số đơn vị tổ chức chưa làm được việc này nên không khích lệ nhiều người tham gia. Cần tôn vinh các giải thưởng ấn tượng hơn để người nhận giải thấy giá trị của nó”.

Ngoài phần tôn vinh người nhận giải cũng cần nói thêm về giá trị giải thưởng của người được nhận. Có người cho rằng, nghệ sĩ đoạt giải, chỉ cần được tôn vinh giá trị tinh thần là họ đã mãn nguyện, nhưng không hẳn như vậy. Ngoài yếu tố tinh thần thì giá trị vật chất cũng rất quan trọng. Người được vinh danh bước lên sân khấu nhận giải với tấm bằng khen thật to nhưng giá trị thực của giải thì chỉ khoảng chục triệu đồng (không tính 2 giải Ngôi sao tiếng hát truyền hình và Sao mai) cho công sức và chặng đường vài tháng, có khi cả năm mà họ phải đầu tư cho tác phẩm thì làm sao thu hút chất xám, thu hút người tài?

Dạ Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.