Cần khách quan với lịch sử

20/10/2008 00:21 GMT+7

Sau hơn nửa thế kỷ tranh luận, phê phán, chỉ trích gay gắt các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, giới sử học đã tìm được tiếng nói đồng thuận, khách quan, trung thực trong việc nhìn nhận lịch sử triều Nguyễn nói riêng và diễn trình lịch sử Việt Nam nói chung.

Những nhận định mới

Trước đây, nhiều nhà sử học đồng loạt phê phán nặng nề vương triều Nguyễn, rằng "bọn sử thần nhà Nguyễn làm công việc biên soạn Đại Nam thực lục đã cố gắng rất nhiều để tô son vẽ phấn cho triều đại nhà Nguyễn... Nhưng bọn sử thần ấy vẫn không che giấu nổi các sự thật của lịch sử.

Dưới ngòi bút của họ, sự thật lịch sử vẫn phơi bày cho mọi người biết tội ác của bọn vua chúa phản động, không những đã cõng rắn cắn gà nhà mà chúng còn cố kìm hãm, đày đọa nhân dân Việt Nam trong một đời sống tăm tối đầy áp bức" (Lời giới thiệu Đại Nam thực lục, Viện Sử học, xuất bản năm 1961, tập I), hoặc tỏ thái độ gay gắt, thiếu bình tĩnh khi nhận xét: "vương triều Nguyễn tàn ác và ngu xuẩn", "tên chúa phong kiến bán nước số 1 là Nguyễn Ánh... Nguyễn Ánh cầu cứu các thế lực ngoại bang giúp hắn thỏa mãn sự phục thù giai cấp" (Lịch sử Việt Nam, tập II, Nxb KHXH, Hà Nội, 1985).

Thế nhưng, tại hội thảo khoa học quốc tế về chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn (thế kỷ XVI - XIX) tổ chức tại Thanh Hóa, ngày 18-19.10, với nguồn sử liệu toàn diện, phong phú và phương pháp tiếp cận khách quan, khoa học, cộng với độ lùi thời gian cần thiết, các nhà sử học đã công bố nhiều nhận định mới (so với trước đây). Chẳng hạn, bộ máy quan lại triều Nguyễn không thực sự hủ bại, thối nát, bởi các nguồn tài liệu đã chứng minh từ Gia Long (1802-1820) đến Minh Mạng (1820-1840), nhà Nguyễn đã thực hiện công cuộc cải cách hành chính theo xu hướng đơn giản, hợp lý, hiệu quả, chú trọng xây dựng đội ngũ quan lại có năng lực, đáp ứng yêu cầu của đất nước, và đặc biệt quan tâm đến chế độ lương bổng đảm bảo cuộc sống ổn định, khá giả cho đội ngũ quan lại nhằm hạn chế tệ tham nhũng. PGS - TS Vũ Văn Quân (khoa Lịch sử, ĐH KHXH-NV, Hà Nội) đã tỉ mỉ thống kê bảng lương của đội ngũ quan lại cấp trung ương từ Chánh nhất phẩm, Tòng nhất phẩm, Chánh nhị phẩm đến Chánh cửu phẩm, Tòng cửu phẩm, cấp địa phương từ Tổng đốc, Tuần phủ đến các lại mục và thổ lại mục để chứng minh.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi gay gắt - nguyên nhân mất nước dưới thời Nguyễn đã được PGS-TS Phạm Xanh (khoa Lịch sử, ĐH KHXH-NV, Hà Nội) giải đáp một cách công tâm trong Diễn trình sự mất nước dưới triều Nguyễn. Theo đó, sự mất nước dưới triều Nguyễn là cả một câu chuyện dài, mà hạt nhân của nó là phép biện chứng giữa cái không thể thành cái có thể, giữa cái không tất yếu thành tất yếu. Bởi, nếu truy tìm những nguyên nhân khách quan thì sự mất nước của triều Nguyễn là có thể, tức tất yếu (bối cảnh chủ nghĩa tư bản trên thế giới đang chuyển nhanh sang giai đoạn tột cùng - giai đoạn đế quốc chủ nghĩa). Song, cái có thể, cái tất yếu sẽ trở thành cái không thể, cái không tất yếu nếu như triều Nguyễn thống nhất ý chí, biết tổ chức kháng chiến và biết lợi dụng, biết khoét sâu những điểm yếu của đối phương (thực dân Pháp)...

PGS-TS Vũ Văn Quân (khoa Lịch sử, ĐH KHXH-NV) nhận định nhà Nguyễn thừa hưởng những thành quả, nỗ lực phấn đấu suốt mấy trăm năm của nhiều thế hệ người Việt Nam, cai trị đất nước với một lãnh thổ rộng lớn nhất. Cho dù trong cuộc chiến chống lại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh có nhờ vả người phương Tây, người Xiêm và sau này, Tự Đức để đất nước rơi vào tay thực dân Pháp, nhưng về khách quan, các vua đầu triều Nguyễn vẫn là những người ít nhiều có tinh thần dân tộc. Điều này thể hiện rõ trong ý thức về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không chỉ trên đất liền mà còn đối với các hải đảo, nhất là với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Tránh từ cực đoan này sang cực đoan khác

Không phải bây giờ - khi tổ chức hội thảo về thời kỳ chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn - vấn đề nhận thức lại lịch sử mới được đặt ra. Thực tế, những năm gần đây, cùng với sự thay đổi bối cảnh chính trị - xã hội, giới sử học Việt Nam dần thoát khỏi khuynh hướng giáo điều, máy móc, công thức, "chính trị hóa lịch sử". Bằng chứng là đã có nhiều công trình chuyên luận, đề tài luận án mổ xẻ lại lịch sử triều Nguyễn. Gần đây nhất, giáo trình Tiến trình lịch sử Việt Nam (PGS-TS Nguyễn Quang Ngọc chủ biên) đang được giảng dạy tại khoa Lịch sử (ĐH KHXH-&NV Hà Nội) có thể coi là công trình nghiên cứu mới nhất và khách quan nhất (tính đến thời điểm hiện nay) về các vấn đề "nhạy cảm" như nhà nước Chămpa, Phù Nam, Chân Lạp và triều Nguyễn. Và cũng không phải trong lịch sử Việt Nam từ cổ trung đại đến cận hiện đại, chỉ thời kỳ chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn mới tồn tại những "khoảng mờ", "khoảng tối", mà vẫn còn rất nhiều vấn đề cần nhận thức lại về các triều đại nhà Hồ, nhà Mạc, về các nhân vật lịch sử.

Tuy nhiên, để có sự thống nhất về nhận thức, tạo cơ sở khoa học (và có thể cả cơ sở pháp lý) cho việc sửa lại những nhận định sai lầm trong sách giáo khoa và cho các chiến lược, quyết sách về bảo tồn di sản lịch sử văn hóa thì lại cần đến một hội thảo. Song, cũng cần tránh việc nhảy từ cực đoan này sang cực đoan khác. Nói như PGS-TS Phạm Xanh (Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử cận đại, khoa Lịch sử, ĐH KHXH-NV Hà Nội), cần có một thái độ sòng phẳng với "công" và "tội" của lịch sử. Mặt khác, cũng cần thận trọng, bởi "tiếp cận đến chân lý là một quá trình, bởi chân lý, sự thật lịch sử bao giờ cũng đi trước nhận thức của nhà sử học. Rất có thể vài chục năm sau, những kiến thức, nhận định bây giờ, tại hội thảo này, đã trở thành lạc hậu, nhưng ở thời điểm này thì đó là những nhận định tương đối khách quan hơn cả", PGS-TS Phạm Xanh nói.

 

Ảnh: N.Minh

Kết luận hội thảo, GS Phan Huy Lê (ảnh) đánh giá: Với hơn 90 tham luận, các nhà khoa học và sử học đã đi đến một sự đồng thuận về quan điểm nhận thức giai đoạn lịch sử này theo hướng khách quan - trung thực và công bằng, nó làm thay đổi quan điểm, nhận thức trước đây của giới sử học về các chúa Nguyễn và các vương triều Nguyễn. Đó là sự công nhận khách quan về công lao của các chúa Nguyễn trong việc mở mang bờ cõi, xác lập nên bản đồ hiện đại của nước ta. Vương triều Nguyễn đã thống nhất được đất nước sau nhiều thế kỷ bị chia cắt với sự kế thừa những thành quả của phong trào Tây Sơn và chính quyền Tây Sơn, xây dựng một quốc gia tập quyền và quy củ. Vương triều này cũng đã để lại nhiều di sản văn hoá đồ sộ, trải dài suốt từ Bắc đến Nam... (Ngọc Minh ghi)

Y.Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.