Cần làm sạch lưỡi thế nào để loại bỏ hết vi khuẩn?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
26/03/2018 15:02 GMT+7

Không ít người dù có thói quen đánh răng nhưng lại không vệ sinh răng miệng đầy đủ. Điều họ thường xuyên không làm là vệ sinh lưỡi. Chính điều này đã góp phần gây hôi miệng dù có đánh răng đầy đủ.

Trong khoang miệng con người có thể tồn tại hàng triệu vi khuẩn. Tuy nhiên, hầu hết chúng lại không gây hại cho sức khỏe, MSN dẫn lời tiến sĩ Lisa Simon tại Trường Nha khoa Harvard (Mỹ).
Rất nhiều vi khuẩn ở lưỡi và nhiều nơi khác trong khoang miệng có thể sống mà không cần hấp thụ ô xy. Tuy nhiên, chúng lại sản sinh ra một thứ khác là lưu huỳnh, chất khí có mùi như rác thải và tác nhân chính gây hôi miệng.
Mùi hôi đặc biệt nặng sau khi ăn. Vì khi đó, các vi khuẩn có thể ăn các mảnh vụn thức ăn còn sót lại trong miệng và giải phóng khí lưu huỳnh. Ngoài ra, miệng khô, chẳng hạn khi vừa ngủ dậy, cũng khiến mùi hôi miệng nặng hơn.
Các vi khuẩn gây hôi miệng thường không gây bệnh nhưng không có nghĩa là chúng hoàn toàn vô hại. Đôi khi, những vi khuẩn này gây ra các bệnh nhiễm trùng như sưng nướu, viêm nha chu. Những bệnh này thường kèm theo hơi thở hôi, tiến sĩ Philip Tierno, chuyên gia sinh học và miễn dịch lâm sàng tại Trung tâm Y tế Đại học New York (Mỹ).
Do đó, làm sạch lưỡi khi đánh răng sẽ giúp hạn chế tối đa vi khuẩn tồn tại ở lưỡi và khoang miệng. Các chuyên gia khuyến cáo cần dùng bàn chải đánh răng chà sạch lưỡi sau khi đánh răng. Trong trường hợp mọi người không muốn chà xát bàn chải lên lưỡi thì có thể sử dụng nước súc miệng để thay thế.
Hãy rửa thật sạch bàn chải sau khi vệ sinh lưỡi. Nếu cẩn thận, hãy ngâm phần lông bàn chải vào nước súc miệng để hạn chế tối đa vi khuẩn lưu lại trên đó. Bàn chải nên được thay mới cứ mỗi 3 đến 4 tháng một lần, theo MSN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.