Cần lên án thái độ vô can của lực lượng chức năng

05/03/2018 08:27 GMT+7

Các 'hung thần' thường xuyên nghênh ngang, nhưng tại sao CSGT lại 'không thấy', tại sao 'chui lọt được lỗ kim'...

“Điểm mặt” xe bồn không phép ngang nhiên chạy vào nội đô TP.HCM
Trước thực trạng xe bồn, xe tải “chạy lụi” vào nội thành TP.HCM trái quy định, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND TP.HCM) Cao Thanh Bình cho rằng vấn đề mấu chốt và quan trọng ở đây là trách nhiệm và cái tâm của đơn vị quản lý. Ai cũng thấy và bị ám ảnh đến mức rợn tóc gáy bởi các “hung thần” thường xuyên nghênh ngang, nhưng tại sao CSGT lại “không thấy”, tại sao “chui lọt được lỗ kim” năm này qua tháng nọ, trong khi các chốt CSGT bố trí khá dày đặc trên đường, chưa kể việc phát hiện các “hung thần” này thật sự không khó?
Theo ông Bình, Nghị định 46 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, giao toàn quyền cho CSGT chịu trách nhiệm chính trong việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đảm bảo an toàn giao thông. Nếu CSGT làm nghiêm, làm hết trách nhiệm thì vi phạm không thể tràn lan, trắng trợn đến mức như vậy. Chính vì thế, cần phải lên án thái độ vô can đối với lực lượng chức năng trong việc quản lý.
Theo luật sư Trần Hải Đức (Đoàn luật sư TP.HCM), luật quy định rất rõ trách nhiệm, phạm vi xử lý vi phạm của cơ quan chức năng liên quan. “Các vụ tai nạn thương tâm này hoàn toàn ngăn ngừa được, nếu các lực lượng thực thi pháp luật như CSGT, thanh tra giao thông làm đúng quy định, không tiêu cực thì các xe tải nặng không thể lưu thông vào khu vực nội đô trong giờ cao điểm để gây tai nạn. Đã hứa thì phải làm, để xảy ra xe vi phạm lưu thông khu vực nội đô gây tai nạn ở khu vực nào thì phải chịu trách nhiệm”, LS Đức nhấn mạnh.
[VIDEO] Nữ sinh 18 tuổi bị xe bồn cán chết giữa trung tâm Sài Gòn
Tháng 1.2018, liên quan việc xe bồn không phép chạy vào trung tâm TP.HCM, ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, từng trả lời Báo Thanh Niên rằng lực lượng thanh tra giao thông thuộc sở này không được quyền dừng xe bồn mà thẩm quyền xử lý thuộc về CSGT. Quy trình xử lý là khi sở nhận thông tin phản ánh từ người dân sẽ lập tức chuyển thông tin đến đội CSGT gần nhất để xử lý.
Tuy nhiên, việc này vẫn còn nhiều khó khăn vì phải phụ thuộc vào điều kiện, thời điểm người dân phát hiện vụ việc. Nghĩa là, nếu thời điểm người dân phát hiện và phản ánh, nhưng lực lượng CSGT không có mặt ở đó, hoặc ở xa nơi phản ánh thì… chịu thua.
Về việc xử lý xe bồn qua camera hoặc giám sát hành trình thì ông Hưng cho rằng chỉ được “một phần nào đó” vì camera chỉ lắp đặt ở một số khu vực, tuyến đường nhất định chứ không xuyên suốt.
“Với thiết bị giám sát hành trình thì mình chỉ lắp đặt đối với một số loại do đơn vị mình quản lý như xe buýt, chứ xe bồn, xe tải của các doanh nghiệp thì mình không giám sát được”, ông Hưng nói.
[VIDEO] Tai nạn với xe bồn trong nội thành, một phụ nữ khuyết tật nhập viện
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.