Cần lưu ý gì khi đi trekking và chọn nơi cắm trại vào ngày mưa?

06/05/2021 19:14 GMT+7

Vấn đề trekking (đi bộ leo núi) an toàn trong mùa mưa thu hút sự chú ý của nhiều bạn trẻ sau vụ một người leo núi tử vong trong lúc chinh phục đỉnh Pu Si Lung ở tỉnh Lai Châu hôm 2.5.

Trekking (đi bộ leo núi) và cắm trại vào mùa mưa sẽ có nhiều rủi ro, như té ngã, hạ thân nhiệt… đôi khi gây nguy hiểm tính mạng. Các bạn trẻ đam mê trekking cần lưu ý điều gì?

“Tuyệt đối không dùng rượu bia khi đi trekking”

Là chàng trai nổi tiếng vì đi bộ xuyên Việt với 100.000 đồng, anh Hồ Nhật Hà (34 tuổi, tỉnh Phú Yên) chia sẻ một số kinh nghiệm về dẫn đoàn đi trekking cắm trại.
Anh Hà cho biết leo núi vào mùa mưa tiềm ẩn nhiều rủi ro, giữ thân nhiệt ở mức ổn định là chuyện không dễ. “Khi ngâm cơ thể trong môi trường lạnh giá, nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới 36,8 độ C, những phản ứng như run bần bật, nhịp tim tăng, thở gấp… Đây là dấu hiệu hạ thân nhiệt”, anh nói. Trường hợp người leo núi (trekker) sinh năm 1987 tử vong ở đỉnh Pu Si Lung được cho là do kiệt sức và hạ thân nhiệt.

Bạn trẻ yêu thích đi bộ leo núi 

Nhật Hà

“Nếu thân nhiệt giảm mạnh sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của người leo núi và họ dần mất ý thức dẫn đến tử vong. Do đó, để trekking an toàn trong ngày mưa, trekker bắt buộc phải giữ ấm cơ thể”, anh Hà nói.
Để tránh hạ thân nhiệt, anh Hà lưu ý: “Nhanh chóng cởi bỏ quần áo ướt và thay ngay quần áo khô, nên làm ấm cơ thể phía trong trước như phần cổ, nách…Giữ lòng bàn chân, tay, hai tai khô ráo. Dùng chăn cứu sinh hoặc áo mưa nylon quấn quanh người để tránh ướt mưa và giúp làm ấm cơ thể”.

Nhật Hà với hành trình đi bộ xuyên Việt cùng cây đàn guitar

C.T.V

Đường leo núi ngày mưa thường trơn trượt, đòi hỏi người leo phải tập trung cao độ, mang giày chuyên dụng và đi theo người dẫn đoàn. “Đừng thử thách bản thân trước mưa bão mà phải luôn đặt an toàn tính mạng lên trên cùng. Nhiều người cho rằng việc sử dụng rượu bia sẽ làm ấm cơ thể trong các chuyến trekking. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh là tuyệt đối không dùng rượu bia, cà phê khi trekking vì dễ gây giãn mạch máu, cơ thể mất nhiệt nhanh hơn”, anh Hà nói.

Nhật Hà trong chuyến chinh phục đỉnh Tà Đùng

Nhật Hà

Tránh dựng lều gần sông hồ

Vị trí cắm trại cũng quyết định đến độ an toàn vì tìm được vị trí khô ráo là không dễ trong những ngày mưa. Chị Nguyễn Thục Trinh (29 tuổi), chủ dịch vụ cắm trại Đi bụi Camping, lưu ý vị trí lều trại nên được đặt ở khoảng đất cao ráo, cách xa sông hồ hay suối để tránh mưa lớn gây ngập.
“Nếu bạn có ý định cắm trại gần núi thì có khả năng nước mưa sẽ chảy từ đồi xuống. Nếu có những trận mưa lớn thì điều này sẽ cực kỳ nguy hiểm. Hãy quan sát, xem dự báo thời tiết và luôn bình tĩnh để xử lý tình huống”, Chị Trinh chia sẻ.
Bên cạnh đó, chị Trinh lưu ý người leo núi nên sử dụng lều chuyên dụng để tránh thấm mưa, việc giữ cho bên trong lều khô ráo mới giúp nhiệt độ cơ thể người leo núi ổn định. “Dựng lều nên tránh nơi quá rậm rạp ẩm ướt, vừa hạn chế khí lạnh, vừa tránh được côn trùng như rắn rết”, Chị Trinh nói.
Đồng quan điểm đó, anh Hà cho rằng khi tìm chỗ trú mưa hay ngủ qua đêm, trekker cần tạo chỗ trú cách mặt đất một khoảng để hơi lạnh từ đất không ngấm vào cơ thể. “Dùng tấm bạt cách nhiệt để lót bên dưới chỗ nằm, nếu không có thì dùng các loại lá khô, tận dụng các vật dụng để bảo vệ thân nhiệt ổn định”, anh nói.

Tùy loại đất đá mà dùng lều bung hay lều dựng

Nhật Hà

Mặt khác, Chị Trinh lưu ý nếu xung quanh là đá thì lều bung sẽ phù hợp hơn lều tự dựng và trekker khi đốt lửa làm ấm cơ thể nên quan sát và tránh đốt lửa trên đá tổ ong vì rất dễ nổ.
“Trang bị thêm khăn lau để giữ lều luôn khô thoáng, túi sưởi cầm tay và quan sát bạn đi cùng để hỗ trợ nhau khi cần thiết. Mang túi y tế sơ cứu dự phòng để xử lý trong tình huống khẩn cấp, trang bị thêm kiến thức sơ cứu cho bản thân trước mỗi chuyến trekking”, theo anh Hà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.