Cần nâng cao chất lượng nhà nước pháp quyền

26/03/2011 02:14 GMT+7

Phát biểu thảo luận tại hội trường chiều 25.3 về Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Chủ tịch nước, Chính phủ (CP), nhiều ĐBQH đề nghị CP trong nhiệm kỳ tới cần khắc phục tình trạng cán bộ nặng “tư duy cai trị”, góp phần làm cho chính quyền thêm xa dân.

Góc nhìn khác về lạm phát

ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) phát biểu mở đầu phiên thảo luận cho rằng lạm phát cao chính là bạn đồng hành của đầu tư công dàn trải, lãng phí, “làm tổn thương đến lợi ích của đại đa số dân cư và cả những doanh nhân làm ăn chân chính”, ĐB Việt đề nghị: “Phải làm rõ việc lạm phát cao vừa qua có mang lại lợi ích cho nhóm thiểu số nào đó không và nhóm này có tác động gì đến việc điều hành các chính sách kinh tế ở tầm vĩ mô không?...”. Chính sách an sinh xã hội thực hiện như vừa qua rất đáng được ghi nhận nhưng “điều dân chúng mong mỏi nhất là CP quản lý, điều hành như thế nào để chỉ số giá tiêu dùng trong nước tăng hợp lý, không vượt quá mức trung bình so với các nước trong khu vực, đây là một trong những chính sách căn cơ tạo niềm tin trong dân chúng”, ông phản ánh.

Thủ tướng nên chọn lọc lại đội ngũ quan chức của mình để sao cho xứng đáng với trách nhiệm là đầy tớ của dân như Bác Hồ hằng mong muốn - ĐB Nguyễn Lân Dũng

Nhận thức đầy đủ về dân vận

Đánh giá nhiệm kỳ qua, CP đã rất quan tâm tạo nhiều chuyển biến trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN “của dân, do dân, vì dân” và trên thực tế đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả nổi bật, điển hình mới đây nhất là nỗ lực đưa các lao động VN tại Libya về nước, song ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) vẫn đề nghị cần đánh giá sâu thêm việc thực hiện chủ trương nhà nước pháp quyền hiện nay mà ông cho là “vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót”.

 Ông Hùng đơn cử: Nhận thức của một bộ phận cán bộ trong bộ máy hành chính, hành pháp của chúng ta về trách nhiệm công tác dân vận chưa đầy đủ, chưa đúng. “Nhiều cán bộ trong bộ máy quan niệm công tác dân vận là của Đảng, của MTTQ và các đoàn thể, phía chính quyền chủ yếu là mệnh lệnh, nhiều khi cũng áp đặt. Cho nên trong một bộ phận cán bộ, thậm chí cả cán bộ lãnh đạo còn nặng về tư duy tạm gọi là “tư duy cai trị”, thiếu thuyết phục, thiếu vận động, dẫn đến hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhiều khi không cao, đôi khi làm cho khoảng cách giữa chính quyền và người dân xa thêm”, ông Hùng nhấn mạnh. Ông đề nghị: “Phải nhận diện cho rõ, chấn chỉnh xu hướng này, nếu không sẽ làm giảm hiệu quả, hiệu lực của bộ máy, vừa làm cho chính chính quyền thêm xa dân”.

 

 Từ trái qua: các ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) và Trần Hồng Việt (Hậu Giang) - Ảnh: Ngọc Thắng

Phát biểu ngay sau đó, ĐB Nguyễn Lân Dũng cũng đề nghị: Thủ tướng nên chọn lọc lại đội ngũ quan chức của mình để sao cho xứng đáng với trách nhiệm là đầy tớ của dân như Bác Hồ hằng mong muốn.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thì cho rằng, Luật Tổ chức CP đã quy định rõ 11 nhiệm vụ, quyền hạn của CP và 9 nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng, nếu căn cứ vào những quy định này sẽ thấy còn rất nhiều việc cần phải đưa ra đánh giá kiểm điểm, nhưng trong Báo cáo không có hoặc rất dễ bị lẫn giữa vai trò của CP cũng như vai trò của Thủ tướng. ĐB Khánh đơn cử: “Thủ tướng có quyền ra các biện pháp để cải tiến lề lối làm việc, đề cao kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong bộ máy quản lý nhà nước và trong cán bộ công chức, tuy nhiên, thực tế vấn đề này để lại nhiều băn khoăn cho ĐBQH cũng như cử tri cả nước, đặc biệt là việc xem xét bãi bỏ những quyết định và những Thông tư của Bộ trưởng hoặc cơ quan ngang Bộ hoặc quyết định của UBND, Chủ tịch UBND trái pháp luật, trái Hiến pháp chưa được thực hiện thường xuyên”.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.