Cạn rồi, đá quý Lục Yên!

06/04/2008 23:01 GMT+7

Kỳ I: Ruby bán cân Từng được coi là "thủ phủ đá quý" của Việt Nam một thời, đến nay vùng mỏ Lục Yên (Yên Bái) đang dần cạn kiệt tài nguyên bởi sự khai thác quá mức của con người.

Chợ đá quý

Nếu mới nhìn thoáng qua, hẳn ít người lại có thể nghĩ rằng khoảnh sân chừng năm chục mét vuông bên hông cửa hàng bách hóa thị trấn Yên Thế (thuộc huyện Lục Yên, cách thành phố Yên Bái khoảng 100 km), lọt thỏm giữa những gánh hàng rau quả, thịt cá lại là trung tâm của chợ đá quý được cả nước biết đến.

Ngoài tấm biển "Chợ đá quý Huyện Lục Yên" được treo trên cổng phía trục đường chính thì không có một dấu hiệu nào cho khách vãng lai biết được đây là nơi hằng ngày diễn ra các "thương vụ" của dân buôn đá. Chợ đá quý họp vào lúc hơn 7 giờ sáng và kết thúc sau khoảng 3 tiếng. Gọi là chợ nhưng đếm đi đếm lại chỉ thấy có hơn chục "quầy hàng" với độ ba, bốn chục người cả mua lẫn bán. Mỗi quầy hàng chỉ đơn giản là một bàn gỗ con, trên bày la liệt các loại đá quý. Hàng được giao dịch tại chợ đá khá đa dạng: từ những viên ruby giá vài triệu đồng đến những viên ruby "mắt tôm" (loại chỉ có thể dùng làm tranh) giá khoảng 1,8 triệu đồng/kg.

Có nhiều viên đá trông khá bình thường, tưởng như có thể nhặt được ở bất kỳ đâu, nhưng hỏi ra mới biết giá cũng đến vài triệu đồng. Khách lần đầu đến chợ đá dễ “chóng mặt” vì hàng chục loại đá đủ các màu hồng, xanh, tím... được bày thành từng vốc trên bàn. Chợ bán cả hai loại là đá đã gia công chế tác và đá thô nguyên dạng được khai thác từ các bãi. Đá đã gia công đa phần là đã qua mài giũa theo kiểu cabochon (mài nhẵn) hoặc facetted (mài cạnh) theo các hình khối thích hợp để làm mặt nhẫn, hoa tai...

Vật bất ly thân với người đi chợ đá quý là một chiếc đèn pin được lắp một loại bóng đèn đặc biệt để soi kiểm tra đá, mà theo chủ một sạp hàng tại chợ, có giá hơn nửa triệu đồng.

Điều đặc biệt là ở chợ đá, cảnh mua bán diễn ra khá nhẹ nhàng chứ không "chợ búa" một chút nào. Không hề có cảnh tranh giành hay níu kéo khách. Người bán kẻ mua đều nhẹ nhàng, thoải mái. Các loại đá được đặt ngay trên mặt bàn mà không cần phải che đậy hay bảo vệ gì. Tại chợ đá Lục Yên, khách có thể thoải mái lấy đá lên xem xét, mặc cả; không thích có thể sang hàng bên cạnh mua mà không sợ bị lườm nguýt, càu nhàu. Chị Nguyệt, chủ một sạp hàng tại chợ cho biết phần lớn những người mua bán ở chợ đã nhẵn mặt nhau, biết nhau đến cả chục năm nay nên mua bán rất nhẹ nhàng. "Chuyện giành khách là tối kỵ vì lơ mơ là dễ bị tẩy chay hết đường làm ăn. Ở chợ hầu như không có chuyện trộm cắp vì có người lạ là chúng tôi biết ngay. Trước cũng từng có vụ ăn cắp nhưng bị phát hiện và kẻ cắp lĩnh một trận nhừ tử nên bây giờ mua bán ở chợ an toàn lắm...", chị Nguyệt nói.

Qua rồi thời hoàng kim

Khoảng 8 giờ hơn chợ đã khá đông. Ở góc chợ khoảng 6, 7 phụ nữ đang túm tụm ngồi nói chuyện quanh hai chiếc bàn, trên có đặt chiếc cân đồng hồ. Tại quầy hàng này chỉ giao dịch duy nhất loại đá "mắt tôm" tính bằng ký. Chốc chốc có người mang hàng đến, hàng được đặt lên cân.

Đèn pin dùng để soi đá

Ngoài những thành viên có thâm niên đã nhẵn mặt nhau, nhiều lúc chợ đá quý cũng xuất hiện những vị khách vãng lai, đôi lúc có cả khách nước ngoài đến mua đá. Và đây chính là miếng mồi ngon cho những kẻ làm đá dỏm. Từ vài năm trở lại đây, tại chợ đá Lục Yên đã xuất hiện công nghệ đổi màu đá, tức là từ những viên đá kém phẩm chất qua quá trình xử lý kỹ thuật, thợ đá sẽ làm cho những viên đá này nhìn bên ngoài hệt như những viên đá đắt tiền. Nhiều người không sành đã bị lừa bởi chiêu này. "Thực ra ở chợ hầu hết đã buôn bán với nhau cả chục năm, lại toàn là người nhiều kinh nghiệm nên bình thường không hề có hàng dỏm. Nhưng khi có khách lạ, đặc biệt là khách nước ngoài là hàng dỏm được tuôn ra rất nhanh. Khách mua nếu ham đá to, đẹp mà lại rẻ tiền thì chắc chắn sẽ bị lừa", chị Dung, một người buôn bán tại chợ kể.

Theo anh Hiệp, một người đã có thâm niên theo nghề buôn bán đá gần hai chục năm, cho biết trong khoảng dăm năm trở lại đây, ở Lục Yên hầu như không xuất hiện những viên đá có giá trị lớn mà chỉ có những viên có giá "tầm trăm triệu" đổ lại. "Thực ra giá đá quý thì cũng vô cùng vì chẳng ai định giá được. Có viên, dân đào đãi tìm được đem bán ra các cửa hàng được vài chục triệu nhưng cũng viên đá đó được đẩy lại cho các "sếp đá" lớn với giá cả tỉ đồng cũng là chuyện bình thường", anh Hiệp cho biết.

Trên thực tế những viên đá được đem ra giao dịch tại chợ đá quý Lục Yên có giá cao nhất cũng chỉ vào khoảng 5 - 7 triệu đồng, những viên đá có giá hàng chục hay hàng trăm triệu đồng hầu như chỉ được người bán đem đến giao dịch tại các cửa hàng hoặc bán trực tiếp cho các "sếp đá" lớn và từ đó được đưa đi Hà Nội, Sài Gòn hoặc nước ngoài. Còn chợ đá quý Lục Yên chỉ được coi như nơi chủ yếu để gặp gỡ, trao đổi thông tin cho những vụ làm ăn ngầm mà chỉ khi hàng đi xuôi rồi người ta mới loáng thoáng biết chuyện.

"Thời hoàng kim của chợ đá quý Lục Yên cách đây đã lâu rồi, hồi những năm 90 thế kỷ trước, mỗi phiên chợ đá tập trung hàng trăm người mua bán tấp nập. Lúc ấy nhiều người đi chợ giắt lưng hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng là chuyện bình thường. Bây giờ thì như các chú thấy đấy, thưa thớt lắm rồi", anh Vinh, chủ một hiệu cơm bình dân ngay gần khu chợ đá quý nói.

(Còn tiếp)

Phóng sự của Trường Sơn - Cẩm Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.