Cận tết, người trẻ thêm nỗi lo giá thịt heo

26/12/2019 15:33 GMT+7

Tết đang cận kề với nhiều lo toan, những người trẻ, người lao động nay phải đối mặt thêm một nỗi lo mới mang tên giá thịt heo.

Có ảnh hưởng nhưng đành chấp nhận
Những ngày qua, giá thịt heo tiếp tục tăng đột biến đã ảnh hưởng không nhỏ đến những người trẻ, sinh viên và người lao động.
Trương Quang Hiển, làm việc tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), cho biết dễ dàng nhận thấy ảnh hưởng của việc tăng giá thịt heo là buổi sáng đi mua ổ bánh mì. Trước kia chỉ 15.000 đồng/ổ nhưng nay đã là 20.000 - 22.000 đồng/ổ. “Các quán cơm mình hay ăn cũng tăng, nhìn chung các món ăn khác cũng đã có sự thay đổi giá nhất định”, Quang Hiển nói.
Lê Mai, sinh viên Trường ĐH FPT cho biết bản thân và các bạn ở trọ thường hay ăn ngoài thì nhận thấy giá cơm đã tăng từ từ 3.000 - 5.000 đồng/phần. “Không chỉ cơm bình dân mà các món khác như bún, phở, hủ tiếu đều đồng loạt tăng giá tương tự. Sinh viên những ngày cận tết tốn kém nhiều thứ như vé tàu xe, nhà trọ nay phải kham thêm vật giá leo thang cũng khiến cho tụi em có những khó khăn nhất định”, Mai chia sẻ.
“Vì mình hằng ngày đều ăn thịt nên việc heo tăng giá đột biến đã ảnh hưởng đến nhóm mình. Tụi mình đi làm và sống chung với nhau nên khi thịt heo tăng giá thì mỗi người lại phải ngồi chia lại các khoản chi cho đồ ăn và dù muốn hay không thì nó cũng ảnh hưởng đến chi tiêu hằng ngày của chúng mình”, Nguyễn Xuân Phương (23 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa tại Roto Studio, TP.HCM) cho biết.
Hầu hết các quán cơm đều tăng giá
Theo ghi nhận của chúng tôi, do ảnh hưởng bởi giá thịt heo nên hầu hết các quán cơm đều tăng giá. 
Chị Lan Anh, chủ quán cơm Huế, đường Bắc Hải, quận Tân Bình, TP.HCM, chia sẻ quán cơm chị đã tăng thêm 3.000 đồng cho mỗi phần, bởi vì giá thịt heo tăng và các quán xung quanh đều đồng loạt tăng giá.
“Mình không tăng không được, vì giá nhập thịt heo vào đã cao hơn trước. Hiện khách vẫn chấp nhận giá nhưng nếu còn tăng nữa thì thật sự khó khăn cho việc buôn bán những ngày cận tết. Tốt nhất là giá thịt heo nên bình ổn trở lại”, chị Lan Anh trần tình.
Bên cạnh đó, vẫn có quán cơm chấp nhận lời ít, không tăng giá để giữ khách. Chị Hồng Yến, chủ quán cơm số 81 đường Thành Thái, quận Tân Bình, TP.HCM, cho biết: “Khách của mình đa số là người lao động, những người chạy xe ôm, Grab, nếu tăng giá lên hoặc ít phần đồ ăn lại thì tội cho họ quá, vì họ mưu sinh rất vất vả. Thôi mình có thể lời ít hơn một chút cũng không sao nhưng vẫn giữ được khách, đảm bảo phần đồ ăn bởi vì ở đây toàn khách quen cả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.