Cẩn thận khi bạn dễ bị vết bầm tím, chớ chủ quan!

Uyên Lê
Uyên Lê
28/06/2021 10:08 GMT+7

Vết bầm tím xuất hiện khi có tác động nào đó làm tổn thương một mạch máu nhỏ, khiến máu tụ dưới da.

Dễ bị bầm tím có thể do yếu tố di truyền hoặc do bệnh lý nhỏ. Tuy nhiên, nó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng các cơ quan hoặc mạch máu của bạn đang có vấn đề. Vì vậy không nên chủ quan với các vết bầm, theo trang Medical News Today.
Nếu bạn có các dấu hiệu: vết bầm lan rộng khi chỉ bị thương nhẹ, có nhiều vết bầm mà không rõ nguyên nhân, vết bầm tím mất nhiều tuần để chữa lành, chảy máu lâu hơn 10 phút sau chấn thương, thì hãy xem thử một số nguyên nhân gây bầm sau:

Thuốc

Thuốc làm loãng máu như warfarin, heparin, aspirin cùng một số loại thuốc chống trầm cảm như citalopram (Celexa), fluoxetine (Prozac), hoặc thảo dược như nhân sâm, tỏi, gừng, cây cọ lùn, vỏ cây liễu… có thể làm suy yếu hoặc thay đổi hoạt động của mạch máu, làm trầm trọng thêm tình trạng viêm, bầm và nguy cơ chảy máu, theo trang Medical News Today.
Nếu có dùng những thuốc này, bạn cần trao đổi với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích của việc tiếp tục điều trị.

Nghiện rượu

Uống rượu nhiều gây hại cho gan

Ảnh: SHUTTERSTOCK

Nghiện rượu là nguyên nhân chính gây xơ gan. Khi bị xơ gan, gan có thể ngừng sản xuất các protein giúp đông máu. Hậu quả là người bệnh có thể bị chảy máu nhiều và dễ bị bầm tím. Họ cũng sẽ cảm thấy ngứa ngáy, mệt mỏi, bị sưng chân, nước tiểu sẫm màu, mắt hoặc da vàng.
Nếu có các triệu chứng trên, cần ngưng rượu ngay và gặp bác sĩ.

Rối loạn chảy máu

Nếu dễ bị bầm tím, có khả năng bạn đang mắc bệnh máu khó đông hoặc bệnh Von Willebrand (rối loạn chảy máu). Khi bị rối loạn chảy máu di truyền, người bệnh có thể bị xuất huyết nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Các triệu chứng của bệnh này xuất hiện ngay từ khi ta sinh ra, vì vậy cần chú ý các vết bầm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Thiếu hụt vitamin

Vitamin K giúp hình thành cục máu đông để cầm máu. Trẻ sơ sinh thường có lượng vitamin K rất thấp. Nếu không được tiêm vitamin K từ khi mới sinh, trẻ có thể dễ bị bầm tím hoặc chảy máu quá mức. Người lớn thiếu vitamin K cũng dễ bầm tím hơn.
Thiếu vitamin C cũng có thể gây ra chảy máu nướu răng, vết thương không lành và dễ bị bầm tím. Nếu bổ sung vitamin mà vẫn không khỏi, cần xem lại có bị rối loạn chuyển hóa hoặc rối loạn tiêu hóa khiến cơ thể khó hấp thụ chất dinh dưỡng không.

Viêm mạch máu

Bệnh viêm mạch máu làm tăng nguy cơ chảy máu, bầm tím ở người bệnh, khiến họ cảm thấy khó thở, tê tay chân, bị các vết loét và u trên da. Cách điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và vùng da bị ảnh hưởng, theo trang Medical News Today.

Ban xuất huyết ở người già (Senile purpura)

Tình trạng này thường xảy ra ở khoảng 10% những người trên 50 tuổi. Nó giống như vết bầm tím đỏ tía trên cánh tay và bàn tay. Đôi khi, nó còn khiến da tổn thương.
Người già cần bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời nhằm làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Những người bị ban xuất huyết do tuổi già phải cẩn thận và cố gắng bảo vệ da không bị thương. Bệnh này không có cách chữa khỏi, nhưng chúng ta có thể thay đổi lối sống để giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các tổn thương.

Ung thư

Các bệnh ung thư ảnh hưởng đến máu và tủy xương, chẳng hạn như bệnh bạch cầu, có thể gây bầm tím. Dù hiếm gặp nhưng chảy máu bất thường hay bầm tím có thể là dấu hiệu của ung thư, theo trang Medical News Today.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.