Cẩn thận với bệnh không lây

11/08/2012 03:20 GMT+7

Ngoài các bệnh truyền nhiễm lây lan đáng ngại, thì các bệnh không lây được xem là “bệnh thời đại”, xảy ra ngày càng nhiều khi đời sống phát triển.

Các bệnh không lây như béo phì, đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa... xảy ra ngày càng nhiều, do đời sống về dinh dưỡng, vật chất được nâng lên, trong khi hoạt động thể lực ngày càng ít đi nhờ có sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại. Đặc biệt những bệnh này xảy ra ngày càng nhiều ở các nước mới phát triển, khi có sự thay đổi nhiều về chế độ dinh dưỡng.

Tại hội nghị dinh dưỡng mở rộng do Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM tổ chức hôm đầu tháng 8, các bác sĩ cho biết, có khoảng 20-25% người trưởng thành trên thế giới mắc hội chứng chuyển hóa. Được xác định có hội chứng chuyển hóa khi tồn tại ít nhất 3 trong số các yếu tố: béo bụng, tăng đường huyết lúc đói, tăng huyết áp. Hội chứng chuyển hóa nguy hiểm bởi nguy cơ gây ra biến chứng lên tim mạch (bệnh mạch vành; tai biến; nhồi máu cơ tim...). Còn béo phì thì gây ra nhiều hậu quả, dẫn đến mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường.

Tình trạng tích mỡ quá mức ở nội tạng có liên quan chặt chẽ đối với hội chứng chuyển hóa. Điều tra của Viện Dinh dưỡng ở nhóm người trong độ tuổi 25-64, thì tỷ lệ thừa cân, béo phì là 16,3%; tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa là 13,1%.

Phòng ngừa từ khi còn trẻ

Những người mắc hội chứng chuyển hóa, béo phì sẽ có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não gấp 3 lần, và nguy cơ đưa đến bệnh đái tháo đường gấp 5 lần so với người bình thường. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để phòng ngừa các dạng bệnh này, cần phòng từ khi còn trẻ. Tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng điều độ, hợp lý; có lối sống năng động, siêng vận động, chú trọng các hoạt động thể lực.

Chuyên gia dinh dưỡng đến từ Nhật, Giáo sư Shigeru Yamamoto, khuyên rằng chế độ ăn hằng ngày nên dùng đủ thực phẩm ở đáy tháp dinh dưỡng. Đó là rau quả, ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế thịt đỏ, đường, muối... Lối sống ít vận động, xu hướng ăn nhiều chất béo bão hòa, chất đường và các loại thực phẩm tinh chế ít chất xơ là nguy cơ dẫn đến béo phì, mắc các bệnh chuyển hóa.

Tập quán ăn uống của người Việt trong khẩu phần thường chứa nhiều tinh bột (chiếm 60-70% năng lượng là tinh bột), và cơm là thực phẩm phổ biến, có mặt trong hầu hết các bữa ăn. Các bác sĩ của Trung tâm dinh dưỡng TP khuyên, nên dùng gạo không chà trắng, còn giữ lớp cám, sẽ có tác dụng làm giảm chỉ số đường huyết; dùng đủ rau củ quả trong bữa ăn cũng giảm bớt sức tải đường huyết. 

Thanh Tùng

>> Nhỏ sợ mập, lớn béo phì
>> Mẹ béo phì, con chậm lớn
>> Dầu hạnh nhân giúp chữa béo phì và tiểu đường
>> Giảm "chuyện ấy" vì béo phì
>> Trẻ béo phì tăng rủi ro bệnh tim mạch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.