Cần tháo điểm nghẽn cơ chế đặc thù

Đình Phú
Đình Phú
30/04/2021 06:01 GMT+7

Mặc dù luôn dẫn đầu cả nước về thu ngân sách, nhưng TP.HCM luôn trong trạng thái thiếu hụt nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng cấp bách về đường giao thông.

Quá thiếu hụt nguồn vốn đầu tư

Từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 568/QĐ-TTg về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Theo ước tính của TP.HCM, khối lượng công việc thực hiện được theo Quyết định số 568/QĐ-TTg sau 9 năm chỉ đạt khoảng 25%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, trong đó có nguyên nhân quan trọng là quá thiếu hụt nguồn vốn đầu tư.
Thực tế, TP.HCM là địa phương có tỷ lệ nộp ngân sách, thu ngân sách về T.Ư cao nhất cả nước, song lại có mức chi ngân sách thấp nhất cả nước, và theo đánh giá của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM là không đảm bảo phát triển nhanh, bền vững. Tỷ lệ điều tiết giảm liên tục, từ 33% năm 2003 xuống còn 18% giai đoạn 2018 - 2020 (làm ra 100 đồng, chỉ được điều tiết giữ lại 18%). Đây là mức thấp nhất cả nước, không đủ nguồn lực tài chính để TP.HCM tái tạo và phát triển hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, thoát nước.
Theo Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, nếu nguồn lực đầu tư không được điều chỉnh hợp lý, kết quả tính toán sơ bộ cho thấy đến 2030, đóng góp của TP.HCM vào GDP cả nước sẽ quay về mức 21,5% như năm 2010.
Theo đó, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM luôn là một nhu cầu cấp thiết. Trong các cơ chế, chính sách đặc thù mà T.Ư dành riêng cho TP.HCM, có Nghị quyết 54/2017/QH14, hiệu lực thi hành từ ngày 15.1.2018. Nhưng nghịch lý là, dẫu đã có nhưng phát huy tác dụng lại chưa toàn diện trên thực tế, khi vẫn có “độ vênh” trong thực thi chính sách.
Trong Nghị quyết 54/2017/QH14, về phần quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, có thí điểm cơ chế đặc thù để tạo thêm nguồn lực vốn cho TP.HCM (tăng nguồn thu được giữ lại) để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội: Ngân sách TP được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau khi đã trừ kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc T.Ư quản lý trên địa bàn TP (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh); ngân sách TP được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND TP.HCM quản lý và số thu từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TP.HCM làm đại diện chủ sở hữu.
Tuy nhiên trên thực tế, sau 3 năm, cơ chế đặc thù đó vẫn chưa phát huy hiệu quả do có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Những kiến nghị

Ngày 29.4, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, TP.HCM vừa có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về danh mục doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa giai đoạn 2021 - 2025 và đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời giao Bộ TN-MT sớm ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết về lập và phê duyệt phương án sử dụng đất khi doanh nghiệp cổ phần hóa để UBND TP.HCM tổ chức thực hiện, huy động được nhiều nguồn vốn đầu tư, tạo nguồn thu cho ngân sách.
Bởi lẽ, TP.HCM đã ban hành kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thuộc TP. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về phê duyệt phương án sử dụng đất doanh nghiệp cổ phần hóa nên TP chưa có cơ sở thực hiện.
TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ủng hộ chủ trương và quan tâm, chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp TP.HCM và các cơ quan liên quan hoàn chỉnh Đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM (giai đoạn 2022 - 2025 là 23%, hiện là 18%), hoàn thiện tờ trình của Chính phủ trình cấp có thẩm quyền thông qua đề án trong năm 2021, nhằm tăng thu ngân sách chuyển cho T.Ư và tạo tiền đề để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.