Thất bại của đội tuyển VN trước Thái Lan không chỉ là cái thua về đẳng cấp giữa 2 làng bóng mà thực tế đó còn là cái thua về cách làm bóng đá của VN so với Thái Lan. Dù người Thái cũng có lúc sa sút như những năm cuối thập niên trước nhưng họ chấp nhận làm lại bằng sự đầu tư căn cơ, kiên định mục tiêu, không chạy theo thành tích trước mắt mà làm quyết liệt, có định hướng rõ ràng...
Nhờ vậy chỉ sau vài năm, bóng đá Thái Lan đã có ngay lứa kế thừa mới, năng động, sáng tạo không thua gì số cũ. Thậm chí, mới đây truyền hình còn cho chiếu đi chiếu lại lối đá phối hợp bật nhả liên tục theo kiểu tiqui-taka của người Thái như bàn thắng vào lưới Malaysia ở chung kết AFF Cup năm rồi và bàn thứ 3 vào lưới tuyển VN mới đây còn đẹp hơn cả tranh vẽ.
So sánh như vậy để thấy Thái Lan có những bước đi vững vàng vì họ có những nhà hoạch định chiến lược bài bản, còn bóng đá VN lại thiếu vai trò của người đầu tàu như thế. Thật không hiểu nổi hơn chục năm nay, nhiều người đã góp ý bóng đá VN phải có giám đốc kỹ thuật, phải có một bộ máy chuyên gia có tầm nhìn vẽ ra lộ trình giống như một tổng công trình sư để xây một ngôi nhà, một công trình, nhưng giống như “nước đổ lá khoai’ vì nói chẳng ai nghe. VFF thì hết sức cố thủ, bịt tai với những gì mà họ cho là đúng, mặc kệ dư luận, từ chuyện chọn đội đá SEA Games đến chuyện Miura, từ chuyện ôm đồm nhiều việc đến bỏ bê khoán trắng cho VPF để V-League nhuốm mùi bạo lực, bóng đá tình nghĩa xuất hiện nhan nhản mà chẳng có biện pháp gì hữu hiệu. Ngoài ra, công tác đào tạo trẻ và định hướng thống nhất cách làm thế nào cũng không cụ thể, khiến cho bóng đá VN luôn thiếu ổn định. Bản thân VFF còn cố chứng minh một loạt các đội U và bóng đá nữ vào VCK châu Á như vậy là thành công thì còn chê bai gì. Dù nỗ lực đó rất đáng khen nhưng không phải là bản chất thực của làng bóng khi ai cũng thấy đó chỉ là phần ngọn thành tích còn cái gốc vẫn lung lay, dễ vỡ bất cứ lúc nào.
Đến nỗi một người trong nội bộ VFF và cũng luôn đau đáu với bóng đá nước nhà như bầu Đức cũng phải lên tiếng chỉ trích cách làm của chính bộ máy mình đang cộng tác. Hội đồng huấn luyện quốc gia với chuyên gia Nguyễn Sỹ Hiển cũng phải lên tiếng than phiền về chuyện Miura vì ai cũng thấy VFF thuê nhầm người. Rồi tiền FIFA rót xuống cũng đổ vào các công trình nhưng không được giám sát kỹ nên mới đưa vào hoạt động đã hư hại, hiệu quả sử dụng thấp... Tất cả cho thấy VFF có những việc làm quá hờ hững và nhiều lúc tắc trách, bộ máy mỏng lại không có người đủ tầm để hoạch định chiến lược nên hết cái sẩy lại nảy cái ung.
Bao giờ có được tổng công trình sư thì khi đó mới hy vọng bóng đá VN đuổi kịp Thái Lan chứ chưa nói đến chuyện vươn ra tầm châu lục.
Bình luận (0)