|
Theo Thương vụ VN tại Hồng Kông, một công ty của VN ký hợp đồng mua thiết bị ánh sáng sân khấu với một công ty của Hồng Kông lần đầu thành công với giá trị nhỏ. Đến thương vụ giao dịch lần thứ 2 với giá trị lớn, đối tác phía Hồng Kông đề nghị chuyển trước 100% tiền hàng theo hình thức điện chuyển tiền theo số tài khoản cũ (số tài khoản giao dịch lần đầu). Tuy nhiên, công ty VN không chuyển được nên phía Hồng Kông đề nghị chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Sau khi chuyển tiền thành công, phía Hồng Kông nói là không nhận được tiền và phủ nhận việc yêu cầu chuyển vào tài khoản cá nhân.
Trong trường hợp khác, một công ty thương mại thủy sản của VN ký hợp đồng xuất khẩu thủy sản đông lạnh với một đối tác Hồng Kông, tổng giá trị hợp đồng lên tới 400.000 USD. Hàng đã giao, nhưng phía đối tác Hồng Kông cố tình trì hoãn thanh toán tiền hàng và chưa biết khi nào họ mới thanh toán cho phía VN...
Thương vụ VN tại Hồng Kông phân tích nguyên nhân các doanh nghiệp trong nước bị lừa đảo phần lớn do không trực tiếp gặp mặt mà chỉ giao dịch qua thư điện tử, điện thoại, fax nên không có khả năng kiểm tra được tính xác thực của địa chỉ, số điện thoại, khả năng tài chính của đối tác. Nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng phương thức thanh toán tiềm ẩn nhiều rủi ro là điện chuyển tiền, trả trước, đặt cọc, tạm ứng một tỷ lệ phần trăm khá cao trị giá lô hàng. Ngoài ra, một thủ đoạn gần đây các đối tượng hay áp dụng là sử dụng một email gần giống hoặc trùng với email của đối tác, yêu cầu công ty phía VN chuyển tiền vào một tài khoản khác. Thương vụ VN tại Hồng Kông đề nghị các doanh nghiệp trong nước nên kiểm tra tư cách pháp nhân và tình trạng tín dụng, khả năng giao hàng và uy tín của đối tác nước ngoài trước khi giao dịch ký kết hợp đồng. Thường xuyên cập nhật thông tin về đối tác đang làm ăn với mình cũng như thận trọng trong giao dịch với các đối tác mới.
Mai Phương
>> Bị đối tác Trung Quốc chơi xấu
>> Không có chuyện bán thương hiệu bia Huda cho đối tác Trung Quốc
Bình luận (0)