Hồi tháng 1.2010, Washington thông qua đơn hàng vũ khí bán cho Đài Loan khiến quan hệ quân sự Mỹ - Trung căng thẳng trong một thời gian dài.
Nâng cấp như mới
Những thông tin về đơn hàng vũ khí do Mỹ bán cho Đài Loan đang dần được tiết lộ, theo Reuters, với giá trị ước tính lên đến 5,85 tỉ USD. Trước đó, tờ The Washington Times cho biết giá trị đơn hàng là 4,2 tỉ USD.
Đúng như các dự đoán trước đây, Mỹ sẽ không bán 66 máy bay chiến đấu hiện đại F-16 C/D theo đề nghị của Đài Loan, mà chỉ nâng cấp 146 chiếc F-16 A/B hiện có của đảo này. Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao ẩn danh của Mỹ nói ngày 19.9 rằng việc nâng cấp sẽ giúp Đài Loan có hơn 140 máy bay chiến đấu F-16 A/B hiện đại ngang với F-16 C/D. Đơn hàng của Mỹ bán cho Đài Loan gồm các loại vũ khí và hệ thống radar hiện đại để nâng cấp máy bay F-16 A/B có khả năng tác chiến tương đương F-16 C/D. Trong thực tế, hệ thống radar định vị và vũ khí chính là những yếu tố quan trọng nhất đối với máy bay chiến đấu, cho nên nhận định vừa nói là đáng tin.
Hơn thế nữa, quan chức trên còn phân tích rằng phương án nâng cấp giúp Đài Loan có được sức mạnh không quân như ý muốn nhưng lại tiết kiệm đáng kể. Theo đó, chương trình nâng cấp máy bay F-16 A/B chỉ tốn 5,85 tỉ USD trong khi mua mới 66 máy bay F-16 C/D thì Đài Loan phải chi ra 8,3 tỉ. Ngoài ra, tờ The Wall Street Journal cho biết một số nhà phân tích tại Mỹ nhận định quyết định trên không đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không bán F-16 C/D nếu Đài Loan tiếp tục đề nghị.
Khẩu chiến
Mặc dù thất vọng về việc Mỹ chỉ nâng cấp chứ không bán máy bay mới, nhưng Dương Niệm Tổ, nhân vật số 2 của lực lượng phòng vệ Đài Loan, cho biết sẽ không chỉ trích quyết định của Mỹ nếu những thông tin trên là đúng, theo Taipei Times. Ông Dương cũng tái khẳng định quyết tâm của đảo này trong việc đẩy mạnh sức mạnh quân sự.
Một số nhà phân tích nhận xét quyết định của Mỹ có thể khiến các đồng minh của nước này tại Đông Nam Á lo ngại rằng Mỹ đang e dè trước ảnh hưởng ngày một lớn của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, Philippines và Indonesia cho biết không e ngại điều đó. Tờ The Wall Street Journal dẫn lời Edwin Lacierda, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III, nói: “Chúng tôi không phiền lòng về quyết định của Mỹ”. Còn phát ngôn viên của Tổng thống Indonesia thì nói không nhìn nhận quyết định của Mỹ như một sự thoái lui trong những cam kết của nước này đối với khu vực châu Á.
Đối với Trung Quốc, thỏa thuận Mỹ - Đài Loan thực sự là một quả đắng. Ngày 22.9, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh chỉ trích Mỹ về kế hoạch nâng cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Đài Loan và cho rằng hành động trên của Mỹ đã làm tổn hại nghiêm trọng tới quan hệ quân sự hai nước Trung - Mỹ. Ngày 21.9, Trung Quốc đã triệu kiến Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Gary Locke để phản đối, theo Tân Hoa xã. Ông Gary Locke vốn người gốc Hoa, mới nhậm chức đại sứ vào ngày 14.8, từng được Bắc Kinh kỳ vọng sẽ tạo cảm giác thân thiện hơn trong quan hệ giữa hai nước.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tại buổi họp báo ngày 19.9 cũng tuyên bố Bắc Kinh cương quyết phản đối việc Mỹ nâng cấp máy bay chiến đấu cho Đài Loan và kêu gọi Mỹ phải chấm dứt ngay việc bán vũ khí cho Đài Loan, theo mạng China.com.
Báo chí Trung Quốc cũng đua nhau phê phán Mỹ. Tờ Nhân Dân nhật báo ngày 22.9 nặng lời chỉ trích Mỹ là “âm mưu nâng cấp máy bay chiến đấu cho Đài Loan để khống chế Trung Quốc”, “có ý đồ vĩnh viễn không để đại lục và Đài Loan được thống nhất”. Tân Hoa xã cùng ngày cũng chỉ trích Washington đã nhiều lần vi phạm cam kết chung giữa hai nước, vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và nghi ngờ rằng liệu Mỹ còn có “tín dụng chính trị” hay không. Đồng thời văn phòng Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc cũng cảnh báo Đài Loan không nên tạo ra những đối kháng không cần thiết với đại lục.
Phản ứng từ phía Trung Quốc rất quyết liệt và cấp tập nhưng sẽ khó làm đảo ngược quyết định của Mỹ. Thương vụ vũ khí trên, vì thế, một lần nữa xới thêm bất đồng giữa hai cường quốc này.
Ngô Minh Trí - Ngọc Bi
Bình luận (0)