Canh bạc lúa

06/10/2011 08:36 GMT+7

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư, đến nay ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long đã có gần 5.000 ha lúa bị ngập do vỡ đê và hàng chục ngàn hecta lúa đang bị uy hiếp.

 Chi phí và công sức mà người dân bỏ ra để đầu tư cho số diện tích lúa bị thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ đồng. Thêm vào đó, Nhà nước cũng đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để gia cố hệ thống đê bao, thủy lợi. Đó chỉ là 2 nguồn đầu tư lớn và dễ thấy nhất để sản xuất lúa vụ 3. Như vậy, nếu tính đúng, tính đủ thì chi phí đầu tư cho sản xuất lúa vụ 3 lớn hơn rất nhiều so với các vụ khác, nhưng ẩn chứa rất nhiều rủi ro.

 Người ta sẽ dễ dàng giải thích rằng năm nay, sở dĩ lúa bị thiệt hại nhiều là do lũ lớn gây vỡ đê. Nhưng xem ra, đó chỉ là một phần nhỏ của vấn đề. Điểm cốt yếu nằm ở chỗ năm nay diện tích lúa vụ 3 tăng khoảng 20% so với năm rồi, tương đương 100.000 ha. Phần diện tích được mở rộng này nằm ở những khu vực nguy hiểm, trước nay chưa làm lúa vụ 3 lần nào. Như vậy, chuyện tăng diện tích lúa thu đông năm nay ở ĐBSCL mang tính chất “5 ăn, 5 thua” với tự nhiên,  bất chấp cảnh báo sẽ có lũ lớn ngay từ đầu mùa.

Tại sao lại có “canh bạc” này? Thứ nhất, giá lúa trên thị trường đang ở mức rất cao, nông dân có thể thu lãi gần 2 triệu đồng/công/vụ, nên họ “đánh liều làm đại”. Hồi đầu mùa lũ, lãnh đạo ngành nông nghiệp ở 2 địa phương đầu nguồn sông Tiền là thị xã Tân Châu (An Giang) và H.Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã thừa nhận thực tế trên. Đại diện ngành nông nghiệp thị xã Tân Châu còn cho biết, năm nay mặc dù được dự báo lũ lớn nhưng địa phương và người dân vẫn quyết định gia cố đê bao, mở rộng diện tích lúa vụ 3 ở cả những khu vực đến thời hạn xả lũ theo chu kỳ 3 năm 8 vụ. Còn ở H.Hồng Ngự, nông dân xuống giống được gần 4.000 ha, tăng gấp 3 lần so với năm trước. Chuyện địa phương đồng tình cho người dân sản xuất lúa vụ 3, thậm chí là “vận động” nông dân còn có nguyên nhân từ việc chịu áp lực từ chủ trương tăng sản lượng lúa thêm 1 triệu tấn lúa của ngành nông nghiệp. 

Trong khi theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, năng suất lúa ở nước ta hiện đã “đụng trần” và diện tích làm lúa vụ 3 “ăn chắc” cũng đã “chạm nóc”. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu tăng sản lượng lúa thêm 1 triệu tấn chỉ còn cách mở rộng diện tích ra những khu vực có nguy cơ cao. Đó là cách làm theo kiểu “cầu may”: lũ đừng lớn! 

Một số người bảo, hàng ngàn hecta lúa bị nước lũ nhấn chìm âu cũng là chuyện “lúa tự hại lúa”. Những người lạc quan hơn thì cho rằng, đây cũng là dịp may để lúa không phải “mỏi chân” chạy theo thành tích “năm sau cao hơn năm trước” và tạo cơ hội cho đất và cả nông dân được nghỉ ngơi.

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.