Bão số 2 đã tan: 2 người chết, 3 người bị thương

Thu Hằng
Thu Hằng
04/07/2019 11:19 GMT+7

Sáng 4.7, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần. Ban đầu ghi nhận đã có 2 người chết, 3 người bị thương do bão.

Theo Ban chỉ đạo T.Ư  về Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, rạng sáng nay, 4.7, bão số 2 đã đổ bộ vào đất liền gây gió cấp 5-6, giật cấp 7-8; từ Quảng Ninh đến Nam Định, ven biển Hòn Dấu (Hải Phòng) gió cấp 8 - 9, giật cấp 11. Bão tiếp tục đi vào đất liền, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần.
Do ảnh hưởng của bão số 2, từ 2 - 4.7, các tỉnh bắc Trung bộ có mưa lớn, với tổng lượng từ 100-300 mm, đặc biệt là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong đó, một số trạm mưa lớn như: Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 313 mm, Nghĩa Khánh (Nghệ An) 216 mm, Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) 215 mm. Dự báo trong ngày và đêm nay, khu vực Bắc bộ có tổng lượng mưa phổ biến từ 50-150 mm/24 giờ, có nơi trên 150 mm/24 giờ.
Thiệt hại ban đầu do bão số 2 gây ra do mưa lớn đã khiến 2 người bị chết, 3 người bị thương khi tham gia giao thông  qua cầu Yên Hòa, bị sập rạng sáng ngày 4.7, tại xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

Ảnh hưởng bão số 2, mố cầu Yên Hòa sụt lún làm 2 người chết

Trung tâm dự báo khí tượng và thủy văn T.Ư cho biết, trong ngày hôm nay, ở Thanh Hóa và khu vực tây bắc Nghệ An có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 40-80 mm/12 giờ, có nơi trên 100 mm/12 giờ); từ đêm nay mưa giảm.
Các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, khu vực đồng bằng Bắc bộ và đông Bắc có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 50-150 mm/24 giờ, có nơi trên 150 mm/24 giờ); vùng núi Bắc bộ có mưa to (lượng mưa phổ biến 50-100 mm/ 24 giờ, có nơi trên 150 mm/24 giờ).
Khu vực Hà Nội có mưa vừa đến mưa to và dông. Trong mưa dông có gió giật mạnh.

Nguy cơ xảy ra lũ quét

Dự báo, sau mưa bão vẫn còn gió mạnh, sóng lớn ven biển và có thể còn diễn biến phức tạp. Trong sáng nay, Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung duy trì kiểm soát, chưa cho tàu thuyền ra khơi và quản lý, hướng dẫn khách du lịch, tránh hiện tượng hiếu kỳ gây mất an toàn.
Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ đập, đặc biệt là các công trình xung yếu, bị sự cố và đang thi công; chủ động phương án chống ngập úng tại các khu đô thị.
Tiến hành tiêu nước đệm tại những khu vực có nguy cơ ngập úng; kiểm tra rà soát hệ thống kênh mương, sẵn sàng vận hành thử hệ thống tiêu lớn.
Đối với các tỉnh miền núi, Ban chỉ đạo yêu cầu chủ động tích nước, đồng thời sẵn sàng các phương án điều tiết đảm bảo an toàn hồ chứa, hạ du; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình đang thi công.
Đồng thời, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tại các hầm lò, khu vực khai thác khoáng sản, bãi xả thải. Sẵn sàng phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu vực dân cư có nguy cơ cao và các cung đường thường xuyên bị ngập sâu, sạt lở...
Dự báo trên các sông suối khu vực Bắc bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-3 m, trên thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An), biên độ lũ lên từ 2-5 m. Mực nước đỉnh lũ trên các sông còn dưới báo động 1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An, đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.