Cảnh báo sau vụ tai nạn thảm khốc ở đèo Đại Ninh

17/03/2009 10:17 GMT+7

(TNO) Con đường Đại Ninh, nơi chiếc xe khách 86H-2329 rớt xuống vực sâu, làm chết 10 người và bị thương 15 người hôm 13.3 là con đường từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT), trong đó có nhiều vụ dẫn đến chết người.

Lời cảnh báo không thừa

Do tính chất địa lý rất hiểm trở, đường Đại Ninh có hàng chục khúc cua gấp rất nguy hiểm, nguy hiểm hơn hẳn so với đèo Ngoạn Mục (Ninh Thuận). Sau khi Nhà máy thủy điện Đại Ninh hoàn thành thì mặt đường xấu hơn. Một mặt, bởi nó tiếp tục được khai thác cho việc vận chuyển các thiết bị máy móc của Nhà máy thủy điện Bắc Bình (ngay dưới thủy điện Đại Ninh); mặt khác con đường này thực sự góp phần phát triển dân sinh kinh tế trong vùng, nên có rất nhiều xe cộ đi qua. Tuy nhiên, với nhiều đoạn cua nguy hiểm mà trên đường không hề có gương chiếu đường cho lái xe quan sát, không có đường lánh nạn ở các chân đèo, cũng không có tà-vẹt làm gờ hành lang an toàn bên những vực thẳm. Đã vậy, khi trời mưa, đá ở bên bờ ta-luy rất hay lăn xuống mặt đường.

Thượng tá Nguyễn Văn Lâm - Trưởng Công an huyện Bắc Bình (Bình Thuận), cho biết đã có rất nhiều vụ TNGT xảy ra trên cung đường này, làm chết hàng chục người trong vài năm trở lại đây. Thậm chí ngay cả các lái xe chuyên nghiệp của nhà máy Thủy điện Đại Ninh cũng từng gặp nhiều tai nạn khi lưu thông trên đường.

Chiều 16.3, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Huỳnh Tấn Thành cho biết, từ cuối tháng 1.2009, tỉnh đã có công văn đề nghị Chính phủ cho bàn giao con đường Đại Ninh để tỉnh quản lí, nâng cấp và đưa vào khai thác phục vụ phát triển dân sinh kinh tế của địa phương. 
 
"Do từ Bình Thuận lên Đà Lạt bằng đường Đại Ninh có thể rút ngắn vài giờ, nên không chỉ các tour du lịch lữ hành chọn, mà ngay cả các vị cán bộ lãnh đạo cũng chọn đường này đi cho gần. Nhưng không thể biết trước điều gì sẽ xảy ra khi con đường có nhiều đoạn hiểm trở như thế" - ông Lâm cảnh báo.

Con đường do đơn vị nào quản lý?

Trên thực tế, đường Đại Ninh hiện nay hầu như không được đơn vị nào duy tu bảo dưỡng một cách cơ bản, vì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa chính thức bàn giao cho tỉnh Bình Thuận. Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (ngày 7.3, tại TP Phan Thiết) ông Dương Quang Thành - Phó Tổng giám đốc EVN đã từ chối lời đề nghị của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận muốn EVN đầu tư kinh phí nâng cấp, sửa chữa con đường này.

Lẽ đương nhiên, con đường đã hoàn thành sứ mệnh của nó là phục vụ việc xây dựng Nhà máy thủy điện Đại Ninh, nay trở thành con đường phục vụ dân sinh kinh tế của Bình Thuận - Lâm Đồng mà kêu gọi EVN bỏ hàng trăm tỉ vào đây là điều… khó. "Nhưng “danh chính ngôn thuận”, "chủ" của con đường này vẫn là EVN. Nếu EVN không còn sử dụng nữa phải bàn giao để địa phương quản lí và sửa chữa" - một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận cho biết.

Trước đó, ngày 19.12.2008, tại hội thảo về tháo gỡ khó khăn của ngành du lịch Bình Thuận, ông Igor - Tổng Giám đốc hãng lữ hành quốc tế Lanta - An Travel của Nga (hãng tổ chức tour đi Đà Lạt cho các khách Nga gặp nạn hôm 13.3) đã chính thức phát biểu đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận phải có hướng sửa chữa nâng cấp con đường Đại Ninh vì du khách của hãng này phàn nàn là nó quá tệ. Nhưng lời đề nghị của ông Igor vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng, vì các lý do nêu trên.

Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.