Cảnh báo về hàng chục đề án "kiểu 112"

19/09/2007 00:26 GMT+7

Bản báo cáo được đưa ra ngày 15.6.2007 tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị (giai đoạn 2001-2005, về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước) do Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT phối hợp cùng Bộ Bưu chính - Viễn thông tổ chức tại Hà Nội, đã chỉ ra nhiều vấn đề nổi cộm, trong đó không chỉ có Đề án 112 mà còn hàng chục đề án, dự án trọng điểm, ngốn tiền tỉ của ngân sách nhưng hiệu quả chưa cao.

Đề án 112: Hơn 1.000 tỉ đồng đã được "ném qua cửa sổ"

Theo bản báo cáo, tổng kinh phí tập trung của Trung ương đã cấp là 685 tỉ đồng, nguồn kinh phí của địa phương là 400 tỉ đồng, tổng kinh phí dự toán là 3.700 tỉ đồng. Một số việc đã triển khai theo đề án: Đến cuối 2005, đã xây dựng 115 trung tâm tích hợp dữ liệu, 1.613 mạng LAN cấp sở, huyện, 2.451 máy chủ cùng các thiết bị đồng bộ, 26.990 máy trạm. Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo ứng dụng tin học cho 64.000 cán bộ công chức trong các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương...

Bản báo cáo tổng kết tỏ ra khá ưu ái với Đề án 112 khi đưa ra đánh giá: "Đề án đã xây dựng được hệ thống tổ chức triển khai sâu rộng tới các bộ ngành và địa phương, tạo được ảnh hưởng tích cực trong xã hội về tin học hóa; Xây dựng được cơ chế đặc thù, triển khai một số lượng công việc khá lớn trong đó có công tác đào tạo; Tạo ra được tính hệ thống so với các chương trình trước đây về CNTT".

Những cuộc họp không bao giờ đầy đủ

Theo Quyết định số 137 ngày 17.9.2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban điều hành Đề án Tin học hóa quản lý hành chính giai đoạn 2001-2005 (đề án 112), thành viên Ban điều hành đề án gồm: Trưởng ban: Ông Vũ Đình Thuần, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Các ủy viên: Ông Phan Quang Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Nguyễn Trọng Điều, Phó  Ban tổ chức cán bộ Chính phủ; ông Bùi Mạnh Hải, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường; Ủy viên thư ký: Ông Lương Cao Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tin học Văn phòng Chính phủ. Trong thời gian triển khai, một số thứ trưởng chuyển công tác, nhân sự Ban điều hành có những thay đổi.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia từng làm việc ở Ban điều hành, một số thứ trưởng thành viên Ban điều hành rất ít khi dự họp, thường cử cán bộ dưới quyền đi thay. "Hầu như tôi chưa bao giờ thấy đủ 4 ủy viên có mặt trong một cuộc họp để giải quyết các vấn đề của 112", vị cán bộ trên cho biết.

Tuy nhiên, bản báo cáo cũng đã chỉ ra hàng loạt những tồn tại của chương trình này: chức năng của Ban điều hành đề án không phù hợp, chồng lấn với chức năng chỉ đạo, quản lý nhà nước của các cơ quan khác. Là một đề án nhưng không có quan hệ hợp tác với Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT và Bộ Bưu chính - Viễn thông để được đánh giá, rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời. Nặng về cơ chế "xin - cho", tạo cho một số địa phương tâm lý ỷ lại về ngân sách và phương án triển khai, không tính đến hiệu quả đầu tư. Vai trò của các bộ, ngành trong việc tổ chức, hướng dẫn triển khai tin học hóa theo ngành dọc chưa được quan tâm đúng mức, để có thể tổ chức thành công hệ thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Mục tiêu của đề án đặt ra quá lớn so với khả năng của Ban điều hành, phương pháp tiếp cận còn thiếu tính hệ thống...

Những ghi nhận "ưu ái" và chỉ trích nhẹ nhàng kiểu "ba sôi hai lạnh" đối với Đề án 112 mà bản báo cáo đã đề cập không đi vào bản chất của vấn đề. Chỉ có một cuộc mổ xẻ tận gốc mới có thể rút ra được những bài học có giá trị.

Hơn 9.000 tỉ vẫn... tụt hậu?

Cũng theo bản báo cáo trên, có tổng số 14 dự án trọng điểm, đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng để đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công việc quản lý điều hành bộ, ngành nhưng kết quả thì hầu như không dự án nào đạt được như mong muốn.

Dự án được đầu tư nhiều nhất là dự án Hiện đại hóa hệ thống ngân hàng, đã đầu tư 9.755 tỉ đồng, dù đã đạt được một số kết quả, nhưng theo đánh giá tại báo cáo: "Trình độ ứng dụng CNTT trong ngân hàng còn cách xa và có nguy cơ tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tốc độ phát triển và ứng dụng CNTT còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu về hội nhập quốc tế. Chưa có kiến trúc công nghệ thông tin thống nhất cho ngành ngân hàng làm cơ sở cho phát triển đồng bộ giữa các ngân hàng".

Liên quan đến Đề án 112: Đình chỉ chức vụ hai cán bộ Nhà xuất bản Tư pháp

Hôm qua (18.9), ông Nguyễn Duy Lãm, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, lãnh đạo Bộ Tư pháp vừa có quyết định đình sinh hoạt Đảng, đình chỉ chức vụ, đình chỉ công tác đối với Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp Nguyễn Đức Giao và Phó phòng Kế hoạch-Xuất bản Bùi Duy Hùng. Ông Giao và ông Hùng đã bị khởi tố bị can, bắt tạm giam vì những hành vi vi phạm pháp luật trong việc in ấn tài liệu triển khai Đề án 112. Một số nguồn tin cho biết, ông Giao và ông Hùng sau khi ký được hợp đồng in ấn hàng trăm ngàn bộ tài liệu, giáo trình phục vụ Đề án 112 đã "bán" lại hợp đồng cho bên B' để kiếm tiền chênh lệch.

K.T.L

Tổng kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin trong toàn ngành Tài chính (gồm cả các đơn vị ngành Hải quan) là 530 tỉ đồng với 8 dự án nhỏ nhưng: "Các ứng dụng CNTT mới chỉ dừng ở mức thấp hỗ trợ tác nghiệp thay thế một phần các lao động thủ công mà chưa giúp tái cơ cấu lại quy trình nghiệp vụ. Đội ngũ cán bộ tin học, nhất là ở các địa phương còn yếu kém về số lượng và chất lượng, cả về CNTT và nghiệp vụ tài chính. Các ứng dụng tác nghiệp chưa có khả năng kết xuất tự động số liệu".

Dự án Tổ chức triển khai phát triển thương mại điện tử, mới giải ngân được 10 tỉ đồng và kết quả, theo báo cáo: các sàn giao dịch thương mại điện tử tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng vẫn chưa hoàn thành như dự kiến. 

Ngoài ra còn gần chục dự án khác, hoặc chưa triển khai, hoặc   đang trong giai đoạn làm dự án, và những dự án đã triển khai, dù đầu tư vài tỉ hay vài trăm tỉ thì kết quả đạt được vẫn chưa có gì nổi bật trong khi những hạn chế, tồn tại còn quá nhiều.

Tuy đánh giá của bản báo cáo về các đề án nói trên còn quá sơ sài, nhưng cũng đủ để cảnh báo những vấn đề cần tiếp tục làm rõ. Cùng với việc  "đại phẫu" Đề án 112, đã đến lúc tiến hành một cuộc tổng rà soát tất cả các đề án khác để phát huy những công việc nghiêm túc, có hiệu quả và chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời những sai lầm. Làm được như vậy mới tránh những "112" tái diễn.

Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.