Dây giác mọc quấn quanh những lùm cây ven sông rạch miền Tây Nam bộ quê tôi. Trái giác tròn, hơi dẹp, nhỏ và dính nhau thành từng chùm. Khi còn non, trái nhỏ như hạt đậu xanh. Càng lớn, trái càng có màu xanh đậm đà và bóng bẩy. Trái chín lại có màu đen thẫm, bên trong tím lịm như mực mồng tơi. Trái giác non có vị chua chát, càng lớn vị thay đổi từ chua thanh đến chua ngọt. Bởi vậy, ai ưa vị canh chua thế nào thì canh trái giác lứa đó mà hái về nấu.
|
Ba tôi thích nấu canh với trái giác “già”, nghĩa là trái đã đến độ sắp chín nhưng màu vẫn còn xanh. Ba nói những trái như vầy làm cho nồi canh chua chua thanh ngon hết ý. Ba hái nhiều chùm trái giác về rồi lặt từng trái một, sau đó rửa sạch và bắt tay vào nấu canh. Để nồi canh chua ngon, trái giác phải được tung hứng cùng với cá rô phi, rau muống đồng, ngò om thơm lựng và một số gia vị.
Ba bắc nồi nước lên nấu cho thật sôi rồi thả trái giác vào nấu đến khi trái mềm rệu rã thì lược lấy trái cho ra tô. Sau đó, ba cho một ít nước sôi vào tô, dầm vừa tay cho trái giác nhuyễn từ từ, cho thêm một ít nước sôi nữa hòa vào phần đã dầm để lọc lấy nước trút lại vào nồi canh đang nấu. Lược nước chua xong là cho cá đã làm sạch vào nồi. Trong lúc này, ba tôi sẽ nêm nếm cho nồi canh vừa ăn với các gia vị: ớt, bột ngọt, nước mắm và ít đường. Đợi cá chín, cho tiếp rau vào. Nồi canh vừa ăn, cá và rau chín đều thì ba nhấc nồi khỏi bếp lửa. Rau ngò om được rửa sạch và cắt nhỏ sẽ cho vào nồi canh sau cùng, để mùi thơm của rau dậy hơn. Vậy là có nồi canh chua ngon như ý.
Ba tôi nói, ai thích ăn canh chua trái giác tím thì lúc hái trái sẽ chọn thêm một ít trái chín, nhưng hương vị chủ đạo vẫn phải chọn trái giác “già” mới ngon. Chỉ cần thêm một đến hai chùm trái chín mùi, nồi canh đã có màu tím rất đẹp. Trái giác mát lành, có thể đi hái chứ không tốn tiền mua, vì thế người dân quê luôn ưng bụng mỗi khi nấu nồi canh chua cho bữa cơm gia đình.
Hà Linh
>> Món canh giải nhiệt
>> Nhớ món canh dưa
>> Món canh 2.400 năm
Bình luận (0)