Cảnh giác khi mua hàng qua tivi!

05/04/2010 23:50 GMT+7

Không ít người tiêu dùng đang bị thiệt hại vì mua phải hàng kém chất lượng nhưng giá trên trời, chỉ vì quá tin vào các hình ảnh giới thiệu hấp dẫn trên tivi (TV). Nghe đọc bài

Uống vào là nôn

Chị P.T.T, ngụ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội sau khi xem quảng cáo trên chương trình TV shopping đã mua 2 loại thực phẩm chức năng là Beauty Spirulina (loại  tảo  được giới thiệu là của Nhật) và Collagen dermadivine (do Mỹ sản xuất). Chị sử dụng hai loại sản phẩm này theo hướng dẫn của người bán hàng cũng như tờ gấp đi kèm sản phẩm. Tuy nhiên, “sau khi uống một lúc thì tôi bị nôn sạch, sức lực kiệt quệ, giống như bị ngộ độc”,  chị T. kể lại. 3-4 ngày sau đó, chị T. luôn trong tình trạng suy kiệt phải đến phòng khám để điều trị nhưng vẫn không đỡ.

Bực mình vì tốn một khoản tiền lớn, trên 1 triệu đồng để mua sức khỏe nhưng lại bị phản tác dụng, chị T. đã liên lạc với TV shopping cũng như đơn vị phân phối sản phẩm để đòi quyền lợi. Tuy nhiên, phía “nhà đài” thì cho rằng họ chỉ quảng cáo, còn trách nhiệm chính thuộc các đơn vị phân phối sản phẩm. Còn ông Hoàng Xuân Vĩnh, Giám đốc Công ty TNHH thương mại & thiết bị y tế (nhà phân phối sản phẩm Collagen dermadivine) trả lời: “Có thể do nhiều nguyên nhân, không hẳn là do dùng sản phẩm của công ty”. Còn bà Kim Thị, đại diện Công ty TNHH thương mại & phát triển công nghệ Thiên Hoàng (nhà phân phối sản phẩm Beauty Spirulina) thì nói rằng, kể cả khi có kết quả khám của bác sĩ cũng phải có sự phân tích một cách khoa học mới có thể kết luận được là lỗi của ai.

Theo TS Nguyễn Viết Lượng, Viện Bỏng quốc gia, không ít sản phẩm liên quan đến sức khỏe người sử dụng vẫn được quảng cáo xóa sẹo, xóa vết rạn da; kem bôi giúp mọc tóc... nhưng hầu như người tiêu dùng không hề được biết về những kiểm chứng lâm sàng về mức độ, hiệu quả thực tế của sản phẩm đó. Việc mua về dùng không tốt thì bỏ đi, rất khó đòi bồi thường. Còn nếu không may dị ứng, nhà cung cấp sẽ đổ lỗi cho da mẫn cảm. Trong khi đó, chất lượng mỹ phẩm do nhà sản xuất, kinh doanh công bố với cơ quan quản lý (nếu có), nhưng hầu như không có cơ quan nào đứng ra để kiểm chứng những công dụng được công bố đó.  


Bộ lau nhà của anh N.H.Hải giá gần 800.000đ nhưng xài được có vài lần là hỏng - Ảnh: Thiên Ý

Vừa lau nhà đã gãy

Xem chương trình bán hàng trên một kênh truyền hình, chị Nguyễn Lan Phương (nhà ở đường Trần Phú, Q.5, TP.HCM) ưng ý với bộ chổi lau nhà “thông minh”, dù giá không hề rẻ chút nào, gần 500.000 đồng/bộ (đã được giảm giá). Bộ cây lau nhà này nhãn hiệu Perfect (model: PF 518) gồm một cây chổi trông rất yếu ớt, bàn chổi có thể xoay 360 độ, khi đặt chổi vào trục xoay trong thùng đựng nước, đạp chân vào bàn đạp, bàn đạp sẽ làm trục xoay chuyển động nặng nhẹ tùy theo người đạp và vắt sạch nước. “Về cơ bản, bộ chổi lau này rất tiện ích, nhưng nó không bền chút nào. Dùng được 3 ngày thì bàn đạp tuột sên nên không thể quay được trục xoay. Do chưa kịp mua cây lau nhà mới, tôi cố dùng cây lau của bộ này, nhưng mấy ngày sau thì cây cũng gãy thành hai đoạn”, chị Phương kể. Không biết mang đi sửa ở đâu hay bảo hành như thế nào, chị Phương đành phải dùng lại cây lau truyền thống cho chắc ăn và “chừa” luôn chuyện mua hàng qua truyền hình.

Anh N.N.Hải ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cũng đặt mua theo số điện thoại trong quảng cáo trên TV dụng cụ lau nhà không cần vắt nước bằng tay hiệu 360 độ. Chỉ sau vài lần sử dụng, chiếc cần đạp của dụng cụ này đã gãy rời. Nhân viên công ty bán hàng có đến nhà bảo hành nhưng sau đó sản phẩm này tiếp tục hư ngay vị trí cũ. Chán nản, anh Hải đành vứt món đồ trị giá gần 800.000 đồng này vào một xó.

Anh T.Q.T, ở Q.12 (TP.HCM) kể: “Cuối năm 2009 tôi có mua sản phẩm máy hút bụi hiệu Dirt Bullet. Theo quảng cáo thì Dirt Bullet là máy hút bụt xách tay gọn nhẹ, có dây đeo để mang vác đi tất cả mọi nơi, có thể làm vệ sinh đến tận các khe kẽ nhỏ nhất, rồi hút và thổi được cho tất cả các loại sàn, đá hoa, gỗ, thảm, xi măng... Quảng cáo nhiều chức năng hữu ích như thế nhưng tôi mang về vừa xài lần đầu tiên đã thấy âm thanh ồn như... máy cưa. Hoạt động khoảng 5 phút là máy đã nóng hực lên, không thể nào đeo trên người như trong quảng cáo. Vậy là chỉ sau vài lần sử dụng, chiếc máy hút bụi này đã được cho vào nhà kho”.

Cây lau nhà, máy hút bụi thì quá tệ, còn dao thì cũng không khá hơn. Chị T.Loan, ngụ ở Q.5 (TP.HCM) nghe bùi tai với mẩu quảng cáo bèn quyết định đặt mua. Đúng là dao cắt được thực phẩm đông lạnh theo đúng quảng cáo, nhưng khi cắt thịt tươi thì còn tệ hơn dao thường. Dụng cụ này cũng cắt, băm được nhiều thứ, nhưng không hề đơn giản như trong quảng cáo, mỗi lần cắt là mỗi lần chùi rửa rất mất công. Chị L. cho biết: “Nói chương trình này quảng cáo sai sự thật thì cũng không hẳn, nhưng trên tivi chỉ nhấn mạnh các tính năng tiện lợi còn các nhược điểm thì không hề nói đến, chính vì vậy mà người tiêu dùng luôn “vỡ mộng” khi tận tay sử dụng”.

Bà Đào Thị Cúc - chuyên viên Văn phòng phía Nam, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - cho biết: “Trường hợp người tiêu dùng mua hàng qua tivi đã bức xúc, phản ánh đến hội rất nhiều. Ngay sáng ngày 5.4, một phụ nữ ở Q.Gò Vấp gọi điện lên phản ánh việc chị mua bộ áo quần qua quảng cáo trên tivi, với giá 3,6 triệu nhưng chất lượng không như quảng cáo. Tuy nhiên, chị lại không có bất kỳ giấy tờ như hóa đơn, giấy bảo hành, ngay cả công ty bán sản phẩm đó ở đâu chị cũng không nhớ. Trường hợp này thì chịu thua rồi. Trước đó có một chị ở Thủ Đức mua bộ dao inox, máy hút bụi... hoặc trường hợp một chị tin vào quảng cáo mà mua mực in, rốt cuộc mua nhầm sản phẩm dỏm. Rất nhiều trường hợp như vậy. Rõ ràng là nhiều người quá cả tin, nhẹ dạ nên mua hàng kiểu này. Các doanh nghiệp bán hàng kiểu này nghiên cứu rất kỹ, nhắm vào đối tượng là phụ nữ, với các sản phẩm nội trợ, làm đẹp”.

Ông Trần Hữu Linh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương): “Chúng tôi sẽ thanh tra”

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đang phối hợp với Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông tiến hành kiểm tra sự tuân thủ các quy định của Nhà nước về thương mại điện tử của các trang web, chúng tôi sẽ thanh tra cả các trang web và các kênh bán hàng trên truyền hình. Nếu quả thật có sự mập mờ, quảng cáo quá mức như báo chí nêu sẽ bị xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam: “Độc quyền nên bán đắt”

Sở dĩ các kênh bán hàng trên truyền hình hấp dẫn, nhiều người mua vì đã đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng như: hàng độc, nhiều tiện ích... Đây là hình thức kinh doanh tốt, rất phát triển tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, ở Việt Nam những người làm kinh doanh trên lĩnh vực này chưa chú trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Về giá thành, đúng là một số mặt hàng có đắt hơn trên thị trường là vì yếu tố hàng “độc” nên dễ dẫn tới độc quyền, bán với giá đắt. Thêm vào đó, giá quảng cáo trên truyền hình rất đắt, nhưng ngày nào cũng quảng cáo ở rất nhiều kênh, nhiều đài, mỗi sản phẩm ngắn cũng 5-7 phút, dài cả chục phút. Chính chi phí quảng cáo đã góp phần không nhỏ đội giá thành sản phẩm lên nhiều lần. Tôi cho rằng, các nhà quản lý và nhà đài nên tăng cường kiểm soát chất lượng, giá thành hàng hóa. Đối với nhà kinh doanh, bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh doanh, cần phải quan tâm đến chế độ hậu mãi, phản hồi của người tiêu dùng.

Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương): “Quyền lợi người tiêu dùng dễ bị xâm phạm”

Kiểu kinh doanh, quảng bá của các kênh truyền hình bán hàng hiện nay rất dễ dẫn đến xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh. Luật Cạnh tranh đã quy định rõ điều đó. Thứ nhất, quảng cáo không đúng, hành vi chỉ dẫn nhập nhèm làm người tiêu dùng nhầm lẫn... là biểu hiện của cạnh tranh không lành mạnh và sẽ bị xử lý. Thứ hai, Luật Bảo vệ người tiêu dùng đang trình Quốc hội nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, trong đó nếu cung cấp thông tin chất lượng, xuất xứ, bảo hành... không chính xác và trung thực cũng sẽ bị xử lý. Thứ ba, người tiêu dùng trong trường hợp bị thiệt hại, nên khiếu nại ngay đến các cơ quan chức năng của Nhà nước như Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh... Dựa vào đó, các cơ quan này sẽ tham gia giải quyết quyền lợi cho người tiêu dùng.

Chúng tôi đang yêu cầu Ban Giám sát quản lý cạnh tranh của Cục Quản lý cạnh tranh rà soát lại các kênh truyền hình bán hàng đang bùng nổ hiện nay. Nếu xét thấy có dấu hiệu vi phạm cạnh tranh và xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng thì sẽ làm việc trực tiếp với đơn vị đưa thông tin lên truyền hình để chấn chỉnh.

N.Trần Tâm - T.Hằng (ghi)

Thái Sơn - Liên Châu - Q.Thuần - N.Trần Tâm - Hoàng Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.