Cảnh giác với những tổ chức lừa đảo ở châu Phi

19/06/2010 22:50 GMT+7

Bộ Công thương - thông qua các thương vụ VN ở nước ngoài - gần đây đã lật tẩy các chiêu “đáng nể” của nhiều tổ chức lừa đảo ở châu Phi nhằm vào các doanh nghiệp (DN) VN.

Những loại phí “ma”

Tháng 5 vừa qua, Công ty TNHH Thanh Niên VN (Hà Nội) phấn khởi khi nhận được đơn đặt hàng của một đối tác tại Togo có tên là Federal Trade Commission (FTC), đặt mua số lượng bột mì trị giá 12 triệu USD. FTC gửi thư điện tử mời đại diện công ty qua Togo để ký hợp đồng và nộp khoản phí 12.300 USD. Nghi ngờ trước khoản phí vô lý này, công ty đã gửi thư đề nghị Bộ Công thương giúp kiểm tra. Qua kiểm tra thì được Phòng Thương mại - Công nghiệp Togo thông báo ở nước này không hề có bất kỳ tổ chức hay DN nào mang tên, địa chỉ như vậy. Đến đây thì mọi chuyện đã rõ. Phía Togo đề nghị DN VN nên chấm dứt giao dịch với FTC trong mọi trường hợp.

Đó chỉ là một trong nhiều chiêu lừa đảo thương mại quốc tế. Thủ đoạn na ná như nhau: đối tác nước ngoài đề nghị ký hợp đồng xuất khẩu hàng hóa với DN VN và trong quá trình giao dịch, họ yêu cầu trả trước một khoản tiền như phí nhập khẩu, phí giao dịch, phí đăng ký cấp giấy phép nhập khẩu, phí trúng thầu… Chẳng hạn như Công ty xúc tiến đầu tư và thương mại Phong Phú (TP.HCM) nhận được đơn đặt hàng của một đối tác ở Cameroon với người đại diện tên là Ets Kasarachi. Người này đề nghị Phong Phú nộp lệ phí 1.000 euro để xin giấy phép nhập khẩu từ Bộ Phát triển công nghiệp và thương mại Cameroon. Thế nhưng, bộ này đã khẳng định ở Cameroon không có quy định DN xuất khẩu phải trả tiền cho việc bán hàng vào thị trường này.

Cũng với chiêu tương tự, một đối tác là Sarah John Investment Corp ở Togo đã định lừa Công ty CP Viglacera Việt Trì. Họ đặt mua gốm sứ vệ sinh nhưng yêu cầu Viglacera phải nộp 3.500 USD phí xin giấy phép xuất khẩu vào Togo. Sau khi xác minh, Viglacera Việt Trì đã phát hiện ngoại trừ những mặt hàng bị cấm hoặc hạn chế nhập khẩu, Togo không có quy định nào buộc DN xuất khẩu phải xin giấy phép và nộp phí.

Giả luôn tổ chức của chính phủ

Những tay lừa đảo thượng hạng ở châu Phi còn giả luôn các tổ chức uy tín của chính phủ. Một số DN VN gần đây được Niger Delta Development Commission (NDDC) ở Nigeria thông báo thắng thầu cung cấp quần áo, mũ, thực phẩm, dược phẩm… có giá trị lên tới hàng chục triệu USD. NDDC mời các DN VN qua ký giấy tờ và trả tiền để hợp pháp hóa các loại giấy tờ, đóng lệ phí mua hồ sơ thầu. Các giao dịch đều thông qua internet. Tuy nhiên, NDDC trên thực tế lại là Ủy ban Phát triển vùng châu thổ sông Niger, một cơ quan ngang bộ có chức năng quản lý nhà nước, thực thi chính sách cho vùng sản xuất dầu mỏ của Nigeria. Cơ quan này không có chức năng tổ chức đấu thầu cũng như không ký kết hợp đồng thương mại. Thương vụ VN tại Nigeria khẳng định tất cả hợp đồng thương mại và chứng từ mà đối tác gửi cho DN VN là giả.

Châu Phi được DN VN xem là thị trường xuất khẩu mới và tiềm năng cho một số sản phẩm nông sản thế mạnh của VN. Cho nên, thời gian qua nhiều DN đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tại đây và lọt vào tầm ngắm của những kẻ lừa đảo. Nhằm tránh rủi ro trong làm ăn với đối tác châu Phi, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi - Tây Á - Nam Á (Bộ Công thương) lưu ý DN các điểm sau:

Thứ nhất, nhiều nước Tây Phi nói tiếng Pháp và văn bản chính thức đều soạn thảo bằng tiếng Pháp. Cho nên, nếu văn bản hành chính bằng tiếng Anh thì có thể đó là dấu hiệu đầu tiên để nhận biết lừa đảo.

Thứ hai, thủ đoạn lừa đảo qua internet rất phổ biến ở châu Phi, giấy tờ giả thường lấy danh nghĩa là cơ quan, tổ chức của chính phủ để chào hàng giá trị lớn.

Thứ ba, DN xuất khẩu nên chọn phương thức thanh toán xác nhận tín dụng thư hoặc đảm bảo của ngân hàng. Luật của các nước Tây Phi nói tiếng Pháp có nhiều điểm giống với quy định về ngân hàng của Pháp. Điều kiện thanh toán trả trước 30 - 50%, phần còn lại thanh toán trong vòng 15 - 30 ngày sau khi xuất hàng rồi mới xuất vận đơn gốc là không nên áp dụng. Vì đã có trường hợp chính hãng vận tải của châu Phi và đối tác liên kết với nhau lấy hàng ra mà không cần vận đơn tàu (B/L), DN mất trắng 50 - 70% số tiền còn lại.

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.