Cảnh "kêu trời" ở Bệnh viện Phụ sản trung ương

17/07/2006 23:25 GMT+7

Đối với bất cứ ai, việc phải nhập viện để khám chữa bệnh luôn là điều "cực chẳng đã". Hầu như người bệnh nào cũng cảm thấy "sợ" khi nhắc đến bệnh viện. Bệnh nhân đã chẳng sung sướng gì mà người nhà cũng khổ lây. Tình cảnh của bệnh nhân ở Bệnh viện Phụ sản trung ương là một ví dụ...

Quá tải !

Đến khoa Sản I, Bệnh viện Phụ sản trung ương vào những ngày Hà Nội bắt đầu nắng nóng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh 4 "bà bầu" nằm chung một chiếc giường rộng 1,2m, dài 1,6m! Hãy thử tưởng tượng, 2 người bình thường nằm trên 1 chiếc giường cá nhân đã chật đến mức nào, huống hồ là 4 phụ nữ bụng mang dạ chửa (?!). Không phải tất cả các giường được kê tại đây đều nằm 4 người, nhưng hầu như tất cả phải gồng mình "chịu đựng" sức nặng của ít nhất là 3 người phụ nữ sắp có niềm vui làm mẹ.

Anh Nguyễn Văn Tường (quê Thường Tín, Hà Tây) với khuôn mặt rầu rĩ cho chúng tôi biết: "Các anh xem, thế này thì đàn ông khỏe mạnh còn chả chịu nổi, nữa là đàn bà mang chửa. Tôi ở đây chăm vợ được mười một ngày rồi, khổ vô cùng. Nhưng thương vợ, thương con nên cũng phải gắng thôi. Cứ nhìn cảnh vợ mình phải chịu khổ thế này mà đau đến thắt lòng. Lúc mới vào còn đỡ, chứ mấy hôm nay đông, không biết phải nằm 4 người 1 giường đến bao giờ. Kê giường gấp ở đây thì người ta không cho. Mấy hôm tới trời mà nóng nữa thì không hiểu còn khổ đến mức nào!".

Không chỉ có khoa Sản I diễn ra tình trạng quá tải mà hầu như ở các khoa khác đều chịu chung tình cảnh này. Rất ít bệnh nhân được nằm một mình một giường mà thường phải nằm chung 2 - 3 người trở lên. Mặc dù quy định thu 11 ngàn đồng/giường/ngày nhưng theo chúng tôi được biết, với 4 bệnh nhân/giường, bệnh viện vẫn thu đủ 40 ngàn đồng/giường/ngày.

"Muốn thoải mái thì sang khu điều trị tự nguyện" - một bác sĩ (chúng tôi xin phép không nêu tên) đã gắt gỏng như thế khi có một số bệnh nhân ta thán về tình trạng quá tải của bệnh viện. Theo thông tin chúng tôi nắm được thì khu điều trị tự nguyện của bệnh viện này là một loại hình dịch vụ tương tự các phòng khám, chữa bệnh tư nhân và giá cả tất nhiên cũng rất "trời ơi". Chi phí cho việc lưu trú và khám chữa bệnh ở đây trung bình không dưới 400 ngàn đồng/ngày. Với mức giá này, liệu những bệnh nhân như vợ của anh Tường và những bệnh nhân nghèo khác, vốn chỉ có nghề làm ruộng để sống, phải bán bao nhiêu tấn thóc mới có tiền chữa cho khỏi bệnh?

Cũng do quá tải mà rất nhiều khi, các bác sĩ, y tá trực tiếp điều trị đã có những thái độ và lời nói thiếu kiềm chế, gây hoang mang cho bệnh nhân như quát tháo, hách dịch, thiếu trách nhiệm với người bệnh.


Nơi chờ đợi cho người nhà bệnh nhân cũng quá tải (ảnh: Ngọc Trung)

Người bệnh khổ, người nhà cũng khổ

Đã vào viện, có người bệnh nào mà không khổ? Không những phải chịu đau đớn, mệt mỏi về thể xác (mổ xẻ, tiêm, xét nghiệm...) mà còn canh cánh một nỗi lo: tốn kém. Người nhà đi chăm nom bệnh nhân cũng khổ không kém khi bước chân vào viện. Họ có thể không đau đớn như bệnh nhân nhưng chắc chắn mệt mỏi hơn rất nhiều. Rồi còn hàng trăm thứ phải lo: lo cho sức khỏe người bệnh, lo cho đứa con sắp chào đời, lo tiền nong để chữa bệnh cho người thân. Bác Vũ Thị Thanh (quê Đặng Xá, n Thi, Hưng Yên), người lên trông con gái mổ trước khi sinh đã gần nửa tháng nay chỉ tay vào chiếc cặp lồng cơm lèo tèo vài thứ thức ăn rẻ tiền: "Chú xem, mười lăm ngàn đồng mà có khác gì ăn cơm tù đâu. Chen lấn xô đẩy, chìa cặp lồng ra như đi xin ấy. Chúng tôi ở quê lên, suốt ngày chỉ quanh quẩn từ cổng bệnh viên lên đến đây, biết đường nào vào đường nào đâu mà tìm mua cơm. Nói thật, sang đường cũng chẳng dám sang". Anh Hà Thanh Hải (công nhân nghỉ mất sức, vào viện chăm vợ gần hai tháng) tâm sự rất thật: "Đã vào đây thì sờ đến cái gì cũng mất tiền. Nhiều hôm người ta đuổi xuống (vì hết giờ thăm bệnh nhân theo quy định - PV), biết đi đâu ngoài việc xuống uống nước chè dưới cổng. Mà uống nhiều thì... phải đi toa - lét (!). Đi toa - lét lại phải mất 500 đồng. Đấy, cái nhỏ nhất như thế còn phải nói đến tiền, kể gì đến những việc lớn khác". Chúng tôi thầm hiểu những "việc lớn" mà anh Hải muốn nói đến và không khỏi xót xa cho những người nghèo vào viện. Cứ nhìn cái cảnh hàng chục người chen nhau trải chiếu ra sảnh để nằm, ngồi, xung quanh lỉnh kỉnh nào đồ dùng, nào thức ăn... mà không khỏi chạnh lòng.

Nhức nhối nạn mất cắp

Nếu nói đến khâu an ninh trật tự, ít bệnh viện tuyến trên nào dám vỗ ngực rằng đã đảm bảo tuyệt đối an toàn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, ngoại trừ các bệnh viện cao cấp. Tại nhiều bệnh viện như Việt Đức, Xanh Pôn, Bạch Mai..., việc các đối tượng xấu lợi dụng nơi đông người để trà trộn lừa đảo, trộm cắp tài sản của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân là chuyện xảy ra như cơm bữa. Đương nhiên, Bệnh viện Phụ sản trung ương cũng không phải là ngoại lệ. Theo thông tin mà chúng tôi xác minh được, hầu như không ngày nào là không xảy ra tình trạng mất cắp tiền bạc, tư trang và hành lý của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Sở dĩ tệ nạn này vẫn cứ ngang nhiên diễn ra hết ngày này qua ngày khác là do bệnh viện không thể kiểm soát nổi lượng người ra vào hằng ngày. Lực lượng bảo vệ vốn đã mỏng lại không được trang bị những phương tiện làm việc cần thiết, chỉ có tay không. Hơn nữa, rất khó để phân biệt giữa kẻ gian và người ngay. Mặt khác, nạn mất cắp còn đất để hoành hành cũng còn do bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nhiều khi lơ là và rất mất cảnh giác. Đơn cử như trường hợp của anh Trần Quang Vinh (Lạng Giang, Bắc Giang) vào thăm nuôi vợ từ trung tuần tháng 4. Vì quá tin tưởng nên anh đã để cho một đối tượng ngủ cùng chiếu. Đối tượng này sau đó đã dùng thuốc gây mê và rạch túi, lấy đi toàn bộ tiền bạc và hành lý của anh Vinh, báo hại anh phải gọi điện về quê cho người mang gấp tiền lên để mổ cho vợ ngay trong sáng hôm sau.

Bài toán chưa có lời giải

Trả lời về tình trạng quá tải của bệnh viện, ông Lê Hoàng(ảnh) , Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp cho biết, theo quy định thì Bệnh viện chỉ được phép kê 450 giường nhưng do quá đông bệnh nhân nên đã xin phép Bộ Y tế và được chấp thuận kê thêm 20 giường nữa, nâng tổng số giường lên 470 chiếc. Tuy nhiên, con số này cũng chỉ là "muối bỏ bể" so với số lượng bệnh nhân vào điều trị tại đây đang ngày một tăng...

Định đem những thắc mắc và bức xúc của nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân lên gặp lãnh đạo bệnh viện, nhưng chúng tôi không thể gặp được ai vì thời điểm chúng tôi thực hiện phóng sự này, Ban giám đốc đã đi công tác xa, chỉ còn một vị ở nhà là ông Nguyễn Văn Hinh. Tuy nhiên, sau năm lần bảy lượt gõ cửa, chúng tôi cũng không thể tiếp cận được vị phó giám đốc này, có lẽ là do ông quá bận (!?). Vậy là chúng tôi buộc phải gõ cửa Phòng Kế hoạch - Tổng hợp của bệnh viện.

Nói về thái độ trong giờ làm việc của đội ngũ các bác sĩ và y tá tại đây, ông Lê Hoàng khẳng định: "Nói là trong sáng hoàn toàn thì tôi không dám, nhưng chúng tôi rất kiên quyết trong vấn đề này. Bệnh viện chúng tôi đã từng cảnh cáo, hạ tầng công tác 4 người, thuyên chuyển công tác cả một kíp trực do những cá nhân này đã nhũng nhiễu, gây phiền hà cho bệnh nhân. Khi được hỏi về việc đảm bảo an ninh trật tự trong bệnh viện, ông Hoàng giãi bày: "Công việc này quả thực rất khó, vì chúng tôi không có đủ người. Mặc dù đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ nhưng hiệu quả đạt được không đáng là bao. Buổi tối nào đấy, các anh cứ đến đây, tôi sẽ dẫn các anh đi thực mục sở thị, các anh sẽ thấy hết cái khó của chúng tôi".

Đúng là cũng nên thông cảm với những cái khó của bệnh viện như lời của ông Hoàng, nhưng chẳng lẽ không có cách nào để bệnh nhân và người nhà thăm nuôi vào đây bớt khổ? Nếu cứ để những tình trạng nêu trên diễn ra, bệnh nhân chỉ còn biết kêu trời!

T.N.T

T.N.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.