TNO

Canh khổ qua trong mâm cơm cúng giỗ

14/10/2013 09:47 GMT+7

Ví như cuộc đời con người, phải trải qua cay đắng mới tìm thấy những ngày an vui, hạnh phúc. Món canh có nhân thịt ngọt bên trong quả đắng như là tấm lòng tưởng nhớ tới những cực khổ, vất vả của người đã khuất.

Ví như cuộc đời con người, phải trải qua cay đắng mới tìm thấy những ngày an vui, hạnh phúc. Món canh có nhân thịt ngọt bên trong quả đắng như là tấm lòng tưởng nhớ tới những cực khổ, vất vả của người đã khuất.

>> Đa dạng món ngon với khổ qua
>> Cất công kiếm khổ qua rừng

 Canh khổ qua trong mâm cơm cúng giỗ 1
Khổ qua dồn thịt có lớp vỏ bên ngoài đắng đót, nhưng nhân bên trong thì mềm ngọt - Ảnh: Đinh Nga


Ở quê tôi, món không thể thiếu trong ngày giỗ ngoài con gà luộc, đĩa xôi còn có bát canh khổ qua dồn thịt. Quan niệm này đã hằn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người, nhất là bậc lớn tuổi. Bữa cỗ mời bà con, họ hàng mà thiếu bát canh khổ qua thì chắc chắn sẽ làm mếch lòng nhiều người. Có khi, có người còn nói ngay trong bữa ăn là “không phải ăn giỗ”.

Bát canh khổ qua trong ngày giỗ không chỉ là tấm lòng tưởng nhớ của con cháu hướng đến người đã khuất, mà hơn thế, đó còn là món ăn để bà con, họ hàng đánh giá sự hiền thảo, khéo léo của dâu con trong gia đình.

Chính vì thế, việc chuẩn bị món canh khổ qua luôn được các cô, các thím chăm chút kỹ lưỡng. Khổ qua phải lựa trái mới hái, có kích cỡ đồng đều. Sau đó cắt khổ qua thành những khúc bằng nhau, moi ruột rồi đem ngâm vào nước muối cho khổ qua bớt đắng, cũng là bớt đi những dư chất độc hại trong quá trình trồng trọt. Muốn khổ qua sau khi nấu được xanh, các cô, các thím còn phải bắc nồi nước sôi, canh lửa thật lớn, thả khổ qua vào chần sơ, sau đó vớt ra, thả ngay vào thau nước đá.

Phần nhân cũng được chẩn bị công phu không kém. Nhân được làm từ thịt nạc vai bằm nhuyễn trộn với cá thác lác quết dẻo, nấm mèo, hành tím, hạt tiêu và nêm muối, bột ngọt cho vừa miệng. Sau đó, nhồi chặt nhân vào trong khúc khổ qua đã chuẩn bị. Phần nhân phải được nhồi quá miệng khúc khổ qua, nắn cho vun vun quanh miệng trái.

Sau chuẩn bị xong, chỉ cần bắc một nồi nước sôi, thả từ từ từng trái khổ qua vào nấu đến khi chín mềm. Phải canh thời gian nấu thật khéo vì nếu nấu chưa đủ, lớp vỏ khổ qua sẽ còn cứng và khó ăn. Còn nếu nấu kỹ quá, lớp vỏ khổ qua sẽ bị mềm nhũn, vừa khó gắp lại vừa mất ngon. Canh khổ qua khi múc ra tô còn được rắc lên ít hành, ngò, hạt tiêu xay để tăng màu sắc và mùi thơm.

Ngày bé, tôi không thích ăn canh khổ qua vì chỉ thấy đắng ngắt. Tôi thường gỡ ăn phần nhân ngọt lừ, vừa dai, vừa beo béo, vừa giòn sựt sựt của nấm mèo. Còn phần vỏ, tôi bỏ qua chén ba, mẹ hoặc len lén bỏ đi.

Sau này lớn hơn, tôi dần tập ăn rồi thấy ghiền cái vị đắng trước, ngọt sau của canh khổ qua. Và tôi đã hiểu tại sao món canh này không thể thiếu trong ngày giỗ. Khổ qua dồn thịt có lớp vỏ bên ngoài đắng đót, nhưng nhân bên trong thì mềm ngọt.

Ví như cuộc đời con người, phải trải qua cay đắng  mới tìm thấy những ngày an vui, hạnh phúc. Món canh có nhân thịt ngọt bên trong quả đắng như là tấm lòng tưởng nhớ tới những cực khổ, vất vả của người đã khuất.

 

Đinh Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.