Cảnh sát khu vực kể chuyện - Kỳ 2: Phá 'án vặt' không dễ

14/02/2014 09:00 GMT+7

5 năm nhận công tác tại Công an P.Hòa Thuận (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), trung úy Nguyễn Thành Hồng (28 tuổi) đúc kết rằng muốn trở thành một CSKV giỏi phải biết lắng nghe, tôn trọng và quan trọng nhất là khi dân cần phải có mặt ngay.

5 năm nhận công tác tại Công an P.Hòa Thuận (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), trung úy Nguyễn Thành Hồng (28 tuổi) đúc kết rằng muốn trở thành một CSKV giỏi phải biết lắng nghe, tôn trọng và quan trọng nhất là khi dân cần phải có mặt ngay.

>> Cảnh sát khu vực kể chuyện: ‘Quan tòa’ khu phố 

 Trung úy Nguyễn Thành Hồng
Trung úy Nguyễn Thành Hồng tiếp xúc với một thanh niên thuộc diện quản lý tại địa bàn - Ảnh: Hoàng Sơn

“Mang tiếng” là một đơn vị hành chính thuộc thành phố nhưng nói cho đúng thì P.Hòa Thuận là địa bàn “nửa quê nửa phố”. Vì vậy, thực tế đời sống người dân phát sinh nhiều vụ việc mà khi kể ra nhiều người phải bật cười. Nhưng giải quyết những vụ việc đó để làm sao người ta không thể “cười” thì quả là một “bài toán” mà người giải là anh CSKV phải có bản lĩnh, khéo léo và giải quyết thấu tình đạt lý.

“Kỳ án” con vịt

Trò chuyện với chúng tôi, trung úy Nguyễn Thành Hồng nhớ lại: “Một ngày giữa năm 2011, tôi nhận được tin báo, một nhà dân bị trộm đột nhập lấy mất một con vịt đã nhốt kín trong lồng. Người báo tin là một phụ nữ mua hai con vịt về để làm giỗ, thế nên khi mất đi một con bà này rất bức xúc”. Xuống hiện trường kiểm tra, anh được khổ chủ báo lại rằng, trước khi nhốt hai con vịt vào nhà dưới đã cẩn thận đánh dấu bằng cách cắt đuôi cả hai con. Tuy nhiên, dấu vết để lại cũng như những thông tin liên quan đến vụ mất trộm này quá ít ỏi khiến anh Hồng phải đau đầu.

“Điều tra không ra thì cũng ngại với dân nhưng để tìm tên trộm là điều không dễ. Khi vụ việc dường như bế tắc thì tôi được một người con trong gia đình này cho biết, vào buổi chiều mất vịt, người hàng xóm nhà cạnh bên có nhờ bắt một con vịt chạy lạc…”, anh Hồng cho biết. Từ “đầu mối” này, anh tìm cách kiểm tra con vịt của nhà hàng xóm thì phát hiện, con vịt này chính là “tang vật” của vụ trộm. Dấu hiệu rõ ràng là ở phần đuôi bị cắt. Anh tiếp tục mời ông P.V.T - người có con vịt chạy “lạc” lên hỏi. Ban đầu ông T. quanh co chối cãi nhưng bằng chứng quá rõ nên cuối cùng ông này phải cúi đầu thừa nhận đã gây ra vụ trộm.

“Ông ấy thuộc thành phần trộm cắp vặt. Khi không thể chối cãi thì ông ấy khai thật là đã bắt trộm được vịt nhưng sợ hàng xóm biết nên đã tìm cách hợp thức hóa sở hữu con vịt này. Để tang vật vụ trộm danh chính ngôn thuận trở thành tài sản của mình, ông đã thả con vịt ra, lùa qua sân người bị mất rồi nhờ chính con cái trong gia đình này bắt giúp”, anh Hồng chia sẻ.

“Dân tin mới gọi”

Cũng không ít “kỳ án” trung úy Hồng trực tiếp điều tra rơi vào vòng bế tắc vì chứng cứ quá mong manh. Nhưng chỉ cần một tin báo, một chút manh mối do người dân cung cấp, anh đã tìm ra thủ phạm. Bài học thấm thía nhất mà trung úy Hồng có được chính là CSKV phải biết dựa vào dân, gần gũi để hiểu tâm tư của dân thì việc phá án sẽ trở nên thuận lợi hơn. 

Anh kể: “Khi mới về nhận công tác, tôi tiếp nhận điều tra một vụ trộm mà hiện trường hầu như không có dấu vết của đạo chích. Hiện trường là một phòng ngủ, cửa sổ mở toang. Tuy nhiên, số tiền 8,8 triệu đồng của bà P. để trong túi áo lại không cánh mà bay. Kiểm tra xung quanh, tôi thấy không có sự xáo trộn”. Vụ việc không có bước tiến triển gì mới thì anh được thông tin do một cháu bé cung cấp: Hôm xảy ra vụ trộm, bà C., bạn thân của bà P. có cầm một thân cây sắn dài, đi đâu không rõ. Kiểm tra hiện trường lần nữa, anh Hồng phát hiện vườn sắn sau nhà bà P. bị giẫm đạp. Tiếp tục lấy lời khai và xâu nối các sự việc, anh xác định bà C. là người đã trộm tiền nên mời lên hỏi. Bà C. loanh quanh nhưng cuối cùng phải thừa nhận đã lấy trộm tiền vì hết lý lẽ chối cãi. “Bà này khai, trước khi dùng cây sắn để khoèo chiếc áo lấy số tiền, bà đã sang nhà bà P. chơi rồi mặc thử chiếc áo. Khi đút tay vào túi thì sờ trúng cục tiền nên phát sinh lòng tham. Sau đó, bà C. về nhà chờ cơ hội. Khi biết bà P. đi ra ngoài, bà C. liền lẻn ra cửa sổ khoèo áo để trộm tiền. Nếu không có thông tin từ người dân thì vụ này rất khó giải quyết”, anh Hồng nhận định.

Cũng nhờ người dân chủ động báo tin mà mới đây, trung úy Hồng đã bắt được một tên trộm trâu chuyên nghiệp. Số là, ông L.Q.H, một người chuyên buôn bán trâu bò đang ngồi ở bãi chợ tập trung tại địa phương thì có một thanh niên lạ mặt đến bán một con trâu chỉ với giá 10 triệu đồng. Nghi con trâu là tài sản trộm cắp vì thông thường con trâu được bán phải trên 15 triệu đồng nên ông H. tìm cách giữ chân tên này. Một mặt ông H. ngã giá, mặt khác “mật báo” cho anh Hồng. Khi anh Hồng xuất hiện trong bộ sắc phục, tên này vì quá khiếp sợ định bỏ chạy nhưng không thoát.

“Mỗi lần xuống địa bàn, nếu không có ai ngoắc tay vào cung cấp tin tức thì tôi ghé vào nhà dân để hỏi han, chia sẻ những câu chuyện nhẹ nhàng trong cuộc sống. Cứ mỗi lần như vậy, tôi thường bảo với mọi người có chuyện, hãy gọi cho tôi. Dân tin mình mới gọi, và khi được gọi thì phải có mặt để dân tin…”, anh Hồng đúc kết. (Còn tiếp)

Án “quá khó”

Cũng có lần, một người dân bị kẻ lạ phóng uế trước hiên nhà, quá bực tức người này đã báo công an xuống giải quyết. Chuyện là, hai gia đình cạnh nhau xảy ra mâu thuẫn. Khi cả nhà này đi vắng thì người nhà bên kia nhảy rào sang đại tiện luôn dưới hiên nhà. Vụ việc trái khoáy ở chỗ là chủ nhà nhận phải “của nợ” yêu cầu công an làm rõ, tìm được người phóng uế mới thôi. “Bà ấy nói đã là công an thì phải làm rõ vụ việc, rồi còn đòi đem tang vật về để giám định là của ai, rồi bắt bằng được thủ phạm chịu tội. Tôi thuyết phục, giải thích đến gãy cả lưỡi bà này mới nguôi giận, không truy cứu nữa”, anh Hồng kể.

Hoàng Sơn

>> Nét cọ... phá án
>> Công nghệ phá án trong tương lai
>> Phá án nhờ son môi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.