Sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ là hoàn toàn có thể hiểu được khi nhìn vào thực trạng cung vốn trên thị trường hiện nay. Chưa đầy 5 tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2023, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn hết sức ì ạch, chỉ đạt 4,3%, trong khi chỉ tiêu định hướng cả năm là khoảng 14-15%.
Kết quả này cho thấy doanh nghiệp (DN), người dân vẫn không tiếp cận được vốn từ hệ thống ngân hàng (NH), trong khi các kênh trái phiếu DN, chứng khoán đều khó khăn. Vốn được coi là mạch máu của nền kinh tế, không có máu thì đừng nói đến thể trạng kinh doanh khỏe mạnh, đừng nói đến phát triển, mở rộng. Trong bối cảnh đó, từ đầu tháng 9 tới, Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) còn tăng thêm 4 đối tượng không được vay vốn tín dụng... một cách thiếu hợp lý. Nếu không sửa đổi kịp thời thì cánh cửa cung vốn cho nền kinh tế đã hẹp sẽ càng hẹp hơn. Thế nên, việc Thủ tướng hỏa tốc yêu cầu NHNN nghiên cứu sửa đổi Thông tư 06 là hết sức cần thiết; đúng và trúng với tâm nguyện của người dân, DN; đồng bộ với chủ trương thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đến tay người dân, DN để tạo ra tăng trưởng cho nền kinh tế.
Nhưng sửa đổi Thông tư 06 hay giảm lãi vay thôi cũng chưa đủ để thúc đẩy tín dụng chảy ra nền kinh tế nếu ngân hàng vẫn dựng hàng rào điều kiện tiếp cận tín dụng với người dân và DN. Cung - cầu vốn không thể gặp nhau suốt thời gian qua cũng vì điều này. Theo phản ánh của DN, lãi vay cũng đã giảm phần nào nhưng nhiều yêu cầu, điều kiện vay và cả giá trị tài sản thế chấp còn ngặt nghèo hơn trước khiến họ "trượt từ vòng hồ sơ". Công bằng mà nói, yêu cầu của các nhà băng không sai. Cái chưa đúng là sự cứng nhắc trong thời điểm áp dụng.
Chúng ta đều biết, tính đến hiện tại, DN, người dân và nền kinh tế đã trải qua gần 4 năm khó khăn liên tiếp. Rất nhiều DN nhỏ, siêu nhỏ đã phải rời thị trường; DN "nhỡ nhỡ" cũng rơi rụng khắp nơi. Đến lúc này thì ngay cả các "ông lớn" cũng nguy kịch. Nên ngay từ đầu năm, Chính phủ cũng xác định đầu tư công là chủ lực để thúc đẩy nền kinh tế. Bối cảnh đặc biệt mà điều kiện vay còn siết chặt hơn lúc bình thường thì làm sao DN có cơ hội tiếp cận vốn?
Ở chiều ngược lại, nền kinh tế đang tạo ra nhiều lợi thế, cơ hội cho người dân, DN. Trong gần 2 năm qua, đặc biệt là từ đầu năm tới nay hạ tầng giao thông của chúng ta đã được cải thiện mạnh mẽ, nhiều tuyến cao tốc được hoàn thành; nhiều công trình trọng điểm được khởi công; nhiều rào cản pháp lý được tháo gỡ; nhiều thị trường xuất khẩu mới được mở ra; nhiều đoàn DN nước ngoài được mời đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào VN... Nếu vốn không được khơi thông thì khả năng biến cơ hội thành kết quả cụ thể của người dân, DN sẽ bị thu hẹp. Chưa kể nguy cơ rơi vào tay các công ty nước ngoài vốn luôn tìm cơ hội thâu tóm DN nội tiềm năng nhưng đói vốn.
Nhìn trên tổng quan đó sẽ thấy nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và DN mà Thủ tướng yêu cầu là hết sức cấp bách.
Bình luận (0)