Cấp 'chứng chỉ' A1, B1… là sai!

19/05/2016 08:03 GMT+7

Đơn vị giáo dục nào mà tuyên bố cấp các “chứng chỉ” ngoại ngữ A1, A2, B1... là làm sai vì trong hệ thống chứng chỉ ngoại ngữ hiện nay không có loại này.

Các "chứng chỉ" trên chỉ là những cấp độ ngoại ngữ và phải dùng các chứng chỉ tương đương khác để đo lường.
Các “chứng chỉ” do nhiều cơ sở đào tạo cấp
Trong khi đó, nhan nhản từ trường học đến ngoài xã hội, rất nhiều người nhầm lẫn hoặc cố tình lập lờ để kinh doanh loại “chứng chỉ” ngoại ngữ đang rất thời thượng này.
Nhà nhà mở lớp luyện thi
Với vài cú nhấp chuột, người đọc dễ dàng tìm kiếm thông tin về các lớp ôn luyện và thông tin lịch thi để lấy “chứng chỉ” ngoại ngữ A1, A2, B1, B2, C1 và C2. Trang web được cho là của văn phòng tuyển sinh Trung tâm GDTX Q.Thủ Đức TP.HCM (tại địa chỉ: hethongtuyensinh.edu.vn) rao thông tin các khóa luyện và tổ chức thi các “chứng chỉ” này với nhiều mức giá khác nhau. Trong đó, khóa học luyện thi C1 trong 80 tiết có học phí lên tới 22 triệu đồng.
Trên Facebook tại địa chỉ https://www.facebook.com/chungchi2016, thông tin đăng tải của Viện Nghiên cứu đào tạo và phát triển công nghệ cho biết tổ chức ôn và thi các “chứng chỉ” tiếng Anh A1, A2, B1, B2, C1, C2 khung tham chiếu châu Âu. Đơn vị này còn nhấn mạnh: “Tổ chức thi và cấp các chứng chỉ này theo đúng quy định được ban hành, được Bộ GD-ĐT và các trường ĐH công nhận?!”.
Việc có các đơn vị đứng ra tổ chức thi, cấp các chứng chỉ và gọi đó là “chứng chỉ” B1, B2... là không đúng bản chất vấn đề
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh
Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN
Trên website http://anhduonglanguage.com/,Trung tâm ngoại ngữ Ánh Dương (địa chỉ tại TP.Phan Thiết, Bình Thuận) cũng thông báo mở lớp luyện thi cấp tốc để lấy “chứng chỉ” A1, A2, B1 với mức giá từ 860.000 đến 1,8 triệu đồng/khóa…
Trong khi đó, đến nay Bộ GD-ĐT chỉ công nhận năng lực khảo thí của 10 cơ sở đào tạo đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ rà soát năng lực tiếng Anh cho giáo viên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của VN, tương ứng với khung năng lực ngoại ngữ châu Âu. Các cơ sở này gồm trường ĐH: Vinh, Sư phạm Hà Nội, Cần Thơ, Thái Nguyên, Sư phạm TP.HCM, Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), Hà Nội, Ngoại ngữ (ĐH Huế), Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Trung tâm SEAMEO RETRAC. Theo quy định, những đơn vị này cũng chỉ cấp cho người học chứng nhận đạt khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của VN.
Cấp độ chứ không phải chứng chỉ
Theo tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục (thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN), gọi “chứng chỉ” A1, A2, B1, B2, C1, C2 là cách hiểu không đúng về khung quy chiếu trình độ ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR).
CEFR là sáng kiến của Hội đồng châu Âu nhằm đưa ra hệ thống mô tả các mức trình độ ngoại ngữ có thể đạt được của người học từ lúc mới bắt đầu đến khi đạt được trình độ gần tương đương với người bản ngữ. Khung năng lực ngoại ngữ này được chia thành 6 mức trình độ cơ bản: mức sử dụng căn bản (gồm A1 và A2), sử dụng độc lập (B1 và B2), sử dụng thành thạo (C1 và C2).
Để đánh giá các cấp độ này, thế giới đã có bảng quy đổi tương đương giữa các chứng chỉ ngoại ngữ của các cơ quan khảo thí quốc tế sang hệ thống CEFR. Chẳng hạn, việc quy đổi các chứng chỉ Cambridge sang CEFR được quy định như sau: chứng chỉ CPE (tương đương cấp độ C2), CAE (C1), FCE (B2), PET (B1) và KET (A2).
Tiến sĩ Phương Anh khẳng định: “A1 - C2 là cấp độ (hay trình độ) tiếng Anh theo CEFR chứ không phải là chứng chỉ. Để đánh giá các cấp độ này người học cần có những loại chứng chỉ tiếng Anh do các tổ chức chuyên nghiệp thực hiện và đã được công nhận tương đương. Việc có các đơn vị đứng ra tổ chức thi, cấp các chứng chỉ và gọi đó là “chứng chỉ” B1, B2… là không đúng bản chất vấn đề”.
Các trường không công nhận
Theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, sinh viên tốt nghiệp ĐH phải đạt trình độ B1. Nhiều trường ĐH hiện đang áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh theo chuẩn này đều phủ nhận sự tồn tại của cái được gọi là “chứng chỉ” A1, B1… và không công nhận tương đương khi xét chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nói: “Để công nhận trình độ này, nếu sinh viên chưa có một trong các chứng chỉ Anh ngữ quốc tế theo chuẩn thì bắt buộc phải dự thi để lấy chứng chỉ VNU-EPT 4 kỹ năng do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Trường không công nhận các “chứng chỉ” thi từ bên ngoài”.
Tương tự, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết sau khi hoàn tất chương trình tiếng Anh theo quy định, sinh viên phải tham dự kỳ thi đánh giá chuẩn B1 do trung tâm ngoại ngữ trường tổ chức. Những sinh viên vượt qua kỳ thi này sẽ được chuyển vào danh sách đủ điều kiện xét tốt nghiệp, nếu muốn trường sẽ cấp cho sinh viên giấy xác nhận đạt chuẩn B1 chứ không cấp “chứng chỉ” B1. Tiến sĩ Lý nói thêm: “Trường chỉ công nhận tương đương với những sinh viên có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được các tổ chức được kiểm định cấp”.
Hầu hết cán bộ phụ trách đào tạo của các trường ĐH tại TP.HCM mà chúng tôi liên hệ đều cho biết không công nhận các “chứng chỉ” B1 được tổ chức và thi ở bên ngoài mà chỉ nhận các chứng chỉ quốc tế tương đương.
Các chứng chỉ tương đương
Ở trong nước, theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM, chứng chỉ VNU-EPT do Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng ĐH này tổ chức cũng được quy đổi tương đương sang CEFR. Trong đó, người học được công nhận tương đương trình độ B1.1 nếu đạt điểm VNU-EPT từ 151 - 175 điểm, đạt trình độ B1.2 nếu đạt VNU-EPT từ 176 - 200 điểm...
Theo quy định chung của ĐH này, một trong những điều kiện xét tốt nghiệp là sinh viên phải đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh B1.2 (trừ Trường ĐH Quốc tế). ĐH này cũng quy định chứng chỉ tiếng Anh tương đương được công nhận đạt chuẩn này gồm: chứng chỉ VNU-EPT 176 do ĐH Quốc gia TP.HCM cấp, chứng chỉ IELTS 4.0, TOEFL iBT 32 điểm, TOEIC 4 kỹ năng 316 nghe đọc và 181 nói viết, PET 80...
Sở GD-ĐT TP.HCM cũng quy định các chứng chỉ đánh giá thuộc hệ thống các kỳ thi tiếng Anh của Hội đồng khảo thí ĐH Cambridge tương đương như sau: Trình độ A0-Starters; A1-Movers; A2-Flyers; B1-PET; B2-FCE; B2+/C1- CAE/IELTS/TOEFL.
H.Ánh - B.Thanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.