Cát nạo lên,
tiền đổ xuống

Tác giả: Đình Tuyển

Ở khắp ĐBSCL, xung đột giữa cư dân vùng sạt lở với doanh nghiệp khai thác cát luôn gay gắt. Xung đột càng lớn khi tình trạng thiếu hụt cát do thủy điện thượng nguồn chặn lại nhưng hàng triệu tấn cát vẫn được moi lên khỏi những “dòng sông đói”. Chính quyền địa phương bị mắc kẹt giữa lợi ích, nhu cầu xây dựng, phát triển và những thiệt hại không thể bù đắp do sạt lở.

Loạt bài này khai thác dữ liệu từ các tỉnh, thành ĐBSCL, Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT); cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT… để đo lường tác động của việc khai thác hơn một trăm triệu tấn cát trong một thập kỷ ở ĐBSCL. Đó là tác động với cộng đồng địa phương, môi trường; lợi nhuận và trục lợi từ ngành công nghiệp khai thác cát. Và cả nỗ lực của Chính phủ trong điều chỉnh ngành công nghiệp khai thác cát nhằm giảm thiểu thiệt hại.

XUNG ĐỘT CÁT

SẠT LỞ

Hàng trăm triệu tấn cát đã và đang được khai thác ở ĐBSCL bất kể hoạt động này bị xem là thủ phạm chính gây sạt lở gần 500km bờ sông, bờ biển, khiến ít nhất gần 20.000 hộ dân đang cần phải di dời.

Đối với ông Trần Văn Bi, 60 tuổi, ngụ xã Mỹ Hội Đông, H.Chợ Mới, An Giang, vụ sạt lở gần 5 năm trước trên sông Vàm Nao vẫn là nỗi ám ảnh không thể nguôi ngoai. Trong tích tắc, 14 căn nhà, trong đó có 2 căn của cha con ông Bi bị “nuốt chửng” xuống sông Vàm Nao, con sông dài gần 7km nối liền sông Tiền, sông Hậu; 106 hộ dân đã phải di dời khẩn cấp. Giờ đây, ông Bi vẫn nghĩ khai thác cát là thủ phạm. Ông không khỏi tức nghẹn mỗi lần nhìn những xáng cạp nhởn nhơ cạp cát dưới sông.

“Nuốt chửng” nhà dân

Nhớ lại vụ sạt lở kinh hoàng, ông Bi mắt đỏ hoe kể: “Lúc đó, nghe tiếng la hét thất thanh, tôi chạy về thì chỉ kịp nhìn nóc nhà mình đang chìm xuống dòng nước cuồn cuộn, đục ngầu. Rồi tôi như mất hồn không biết gì nữa”.

Ôm cậu con trai gần 5 tuổi vào lòng, chị Liêu Mỹ Trà My, con dâu ông Bi, hồi tưởng: “Lúc đó thằng nhóc này mới 1 tháng tuổi. Tôi đang bồng con trên tay thì nghe tiếng la quá trời, tôi cuống cuồng ôm con lao lên bờ. May là 2 đứa lớn đã đem về bên ngoại chứ cả 3 đứa nhỏ cùng ở nhà hôm đó thì sợ có chuyện lớn rồi”.

Hai căn nhà bị cuốn trôi của gia đình ông Bi trị giá khoảng 6 tỉ đồng cũng là toàn bộ tài sản tích lũy được sau 32 năm vất vả mưu sinh. Sau sạt lở, cha con ông Bi được địa phương hỗ trợ 2 nền nhà và khoảng 100 triệu đồng. Số tiền này trao thành nhiều đợt, mỗi đợt vài chục triệu đồng. Cuộc sống mất nhà, mất sinh kế kéo dài đằng đẵng. Đến năm 2020, tức gần 3 năm sau sạt lở, cuộc sống gia đình ông Bi tạm ổn thì dịch Covid-19 ập đến.

Đến nay, cuộc sống của nhiều gia đình trong số 106 hộ phải di dời vì sạt lở bờ sông Vàm Nao vẫn đầy bấp bênh. Sự chậm trễ trong sắp xếp tái định cư khiến nhiều hộ phải chờ đợi kéo dài, nhiều gia đình bỏ xứ đi nơi khác làm ăn. Có những người đã lâm bệnh chết vẫn không kịp tái định cư, như ông Nguyễn Văn Tiết và mẹ ruột là bà Lê Thị Chói.

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Mỹ Hội Đông, Nguyễn Văn Thì cho biết, hiện vẫn còn 25 hộ dân dù được hỗ trợ nền nhà nhưng họ không nhận mà trở về nơi ở cũ sinh sống... Một số hộ dân khác do hoàn cảnh khó khăn, đã bỏ nền nhà đi nơi khác mưu sinh. Xã chỉ còn biết yêu cầu các hộ dân cam kết nếu không di dời sẽ phải tự chịu trách nhiệm khi có sạt lở xảy ra.

“Tôi không thể dời đi vì ở nhà cũ gần chợ, tôi có thể bán nước, tạp hóa sống qua ngày. Vào khu dân cư tôi đâu biết làm gì để sống”, bà Tô Thị Kim Hồng, một trong 25 hộ dân không chịu di dời, nói.

Ông Trần Văn Bi, 60 tuổi, ngụ xã Mỹ Hội Đông, H.Chợ Mới, An Giang, vẫn còn ám ảnh khi nhớ lại vụ sạt lở
Bà Tô Thị Kim Hồng bất chấp nguy hiểm, ở lại căn nhà cũ thay vì vào khu tái định cư
Những căn nhà tan hoang khi chủ nhân phải di dời vì sạt lở
Những căn nhà tan hoang khi chủ nhân phải di dời vì sạt lở
Ông Trần Văn Bi và cháu nội gần 5 tuổi may mắn thoát nạn trong vụ sạt lở hơn 4 năm trước
Ông Trần Văn Bi, và khu vực trước đây là nhà của ông, sau sạt lở đã được cải tạo thành công viên
Khu vực sạt lở bờ sông Vàm Nao giờ đã được gia cố thằng bờ kè

Giải thích với người dân về nguyên nhân của vụ sạt lở ở Vàm Nao, chính quyền địa phương cho rằng là do hố xoáy dưới lòng sông, dòng chảy thay đổi. Nhưng với người dân như ông Bi, đó là do khai thác cát vì ông đã chứng kiến bãi cát bồi sau căn nhà cũ bị bào mòn cho đến khi biến mất. “Khai thác cát quá nhiều đã lấy hết cát khiến dòng nước chảy xiết, chảy xói vào bờ gây sạt lở”, ông Bi nói.

Cũng như ở Vàm Nao, nhiều năm qua, sạt lở xảy ra khắp ĐBSCL kéo theo mâu thuẫn nan giải giữa hoạt động khai thác cát và việc nhà nước phải chi số tiền khổng lồ để hỗ trợ các hộ dân bị sạt lở. Câu hỏi đặt ra là: khai thác cát có đáng không, ai hưởng lợi?

Hình dung cả quận Ninh Kiều

ngập 3,3m cát

BIỂU ĐỒ TRỮ LƯỢNG CÁT KHAI THÁC TẠI ĐBSCL

Số liệu từ báo cáo của Sở TN-MT một số tỉnh thành ĐBSCL cho thấy, lượng cát được phép khai thác ở khu vực này ở mức đáng kinh ngạc: tổng trữ lượng cát được phép khai thác của 5 tỉnh, thành gồm An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng từ năm 2014 đến năm 2024 là gần 95 triệu m3, tương đương 114 triệu tấn cát.

Hãy hình dung, nếu đem lượng cát trên chia cho 17 triệu dân ĐBSCL thì mỗi người sẽ được gần 7 tấn cát. Lượng cát trên cũng đủ vùi một diện tích tương đương Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ (rộng 2.900ha –PV) ngập trong 3,3m cát.

Nghịch lý là người dân sống ven sông không nhận được tiền mà hoạt động khai thác cát kiếm được nhưng họ là những người chịu nhiều rủi ro khi sạt lở xảy ra. Thực tế, những địa phương khai thác cát nhiều nhất ở ĐBSCL cũng chính là những nơi có số hộ dân bị sạt lở đe dọa nhiều nhất.

Gần 20.000 hộ dân

cần di dời

Tính đến năm 2020, các tỉnh, thành An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng có 76 mỏ khai thác cát với tổng diện tích các mỏ gần 3.800 ha. Diện tích này tương đương gần 5.400 mặt cỏ sân bóng đá Mỹ Đình (105m x 68m - PV). Những tỉnh khai thác cát nhiều nhất ở ĐBSCL là An Giang, gần 5,3 triệu m3/năm; Đồng Tháp 5,5 triệu m3/năm… Không phải ngẫu nhiên khi đây cũng là hai tỉnh có số hộ dân cần phải di dời bởi sạt lở nhiều nhất; trong đó An Giang cần di dời gần 5.300 hộ dân, Đồng Tháp là 6.400 hộ dân.

Thống kê của Chi cục Thủy lợi các tỉnh, thành An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau ghi nhận, trong 3 năm (2018 - 2020) đã có 1.808 ngôi nhà bị sạt lở nhấn chìm. Con số này tương đương 5 ngôi làng bị xóa sổ trên bản đồ. Thiệt hại về nhà cửa (chưa tính đất đai) ước tính hơn 200 tỉ đồng. Số tiền này có vẻ không quá lớn nhưng nó tương đương thu nhập của gần 4.000 người Việt Nam trong một năm.

BIỂU ĐỒ THIỆT HẠI DO SẠT LỞ
BIỂU ĐỒ SỐ HỘ DÂN CẦN PHẢI DI DỜI
BIỂU ĐỒ: SỐ TIỀN CÁC TỈNH CẦN ĐỀ DI DỜI DÂN

Chỉ tính riêng 5 địa phương là An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau có tổng cộng gần 20.000 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cần phải di dời. Số hộ dân này đủ để thành lập 57 ngôi làng (Căn cứ Thông tư 14/2018 của Bộ Nội vụ - PV). Tổng kinh phí 5 địa phương kiến nghị trung ương hỗ trợ để di dời gần 20.000 hộ dân là gần 5.000 tỉ đồng.

Đặc biệt, theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn, Bộ NN-PTNT cho thấy, chỉ riêng giai đoạn 2016-2020, có tới gần 470 km bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL bị sạt lở, trong đó có để khắc phục 375km sạt lở mức độ nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, Chính phủ đã phải chi gần 12 nghìn tỉ đồng. Tính ra, mỗi ki lô mét sạt lở tiêu tốn của nhà nước khoảng 32 tỉ đồng.

Vụ sạt lở cắt đứt hoàn toàn QL 91 tại H.Châu Phú, An Giang
Hàng chục ngàn tấn cát được đổ xuống để khắc phục điểm sạt lở sông Vàm Nao, H.Chợ Mới, An Giang
Vụ sạt lở cắt đứt hoàn toàn QL 91 tại H.Châu Phú, An Giang
Vụ sạt lở cắt đứt hoàn toàn QL 91 tại H.Châu Phú, An Giang
Khai thác cát nạo vét dòng chảy trên sông Hậu đoạn qua TP.Long Xuyên, An Giang
Hàng chục cần cẩu khai thác cát trên sông Hậu đoạn qua TP.Long Xuyên, An Giang
Một sà lan chở khẳm cát trên sông Hậu (An Giang)

"Chơi trò mèo chuột"

với lực lượng chức năng

Một sà lan đầy khẳm cát vội vã rời đi khi lực lượng chức năng TP.Cần Thơ kiểm tra hoạt động của mỏ khai thác cát trên sông Hậu

Tại ĐBSCL, những vụ bắt khai thác cát lậu, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra ở các địa phương nhưng còn rất hạn chế, thậm chí như “bắt cóc bỏ dĩa”. Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.Cần Thơ, nói với PV Thanh Niên: “Tình trạng các mỏ cát bán cát không xuất hóa đơn hay mua hóa đơn nhằm hợp thức hóa nguồn cát lậu để gian lận là một thực trạng rất khó quản lý”.

Thậm chí, theo ông Tr. V. Đ. (ngụ tỉnh Hậu Giang) điều khiển xà lan chở cát, từng bị Công an TP.Cần Thơ tạm giữ do chở cát không rõ nguồn gốc, nhiều mỏ cát chỉ xuất hóa đơn khi người mua yêu cầu. Nhưng mỗi mét khối cát xuất hóa đơn sẽ thu thêm 15.000 đồng. Chẳng hạn mua cát không lấy hóa đơn giá 40.000 đồng/m3, nếu lấy hóa đơn sẽ là 55.000 đồng/m3.

Trên thực tế, không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn không đúng số lượng là chiêu trò của các mỏ khai thác cát nhằm trốn thuế và gian lận trữ lượng khai thác. Lý do là mỗi mỏ cát khi xin cấp phép khai thác thường bị khống chế về trữ lượng, phải ghi vào sổ nhật ký khai thác… Để gian lận, các mỏ cát sẽ xuất hóa đơn ít hơn so với trữ lượng bán ra từ đó khai thác nhiều hơn mức cho phép.

Một ghe chở cát vội vã dời đi khi lực lượng chức năng ở Cần Thơ đến kiểm tra một khai thác cát trên sông Hậu
Một ghe chở cát vội vã dời đi khi lực lượng chức năng ở Cần Thơ đến kiểm tra một khai thác cát trên sông Hậu
Một xáng cạp ở An Giang múc những gầu cát cuối cùng trong ngày
Một xà lan biển hiệu Hậu Giang đang vận chuyển cát từ An Giang về hướng hạ nguồn sông Hậu
Một xà lan biển hiệu Hậu Giang đang vận chuyển cát từ An Giang về hướng hạ nguồn sông Hậu
Ngay cả những mỏ cát được cấp phép khai thác nạo vét vẫn có không ít chiêu trò để trục lợi, chẳng hạn như nạo được cát thì móc lên, nạo phải bùn lại nhả xuống sông

Phó giám đốc Sở TN-MT TP.Cần Thơ Nguyễn Chí Kiên cũng cho hay, hiện nay còn có nhiều vụ vi phạm khai thác lấn qua địa phận giáp ranh giữa các địa phương gây khó cho việc kiểm tra, xử lý. Chưa kể khai thác cát lậu thường hoạt động vào ban đêm mà muốn xử lý vi phạm cơ quan chức năng phải bắt được quả tang. “Đây là điều hết sức khó khăn. Chẳng hạn phát hiện xáng cạp từ Vĩnh Long lấn sang khai thác lậu phía TP.Cần Thơ, nhưng khi cơ quan chức năng tới hiện trường thì xáng cạp đã chạy về phía Vĩnh Long, lúc đó rất khó để xử lý”, ông Kiên nói.

Dù vậy, trong năm 2020, lực lượng Cảnh sát đường thủy, Công an TP.Cần Thơ đã kiểm tra 27 hoạt động khai thác cát. Qua đó phát hiện nhiều sai phạm, thậm chí có 2 mỏ cát phải đóng cửa và 3 người liên quan bị khởi tố hình sự. Ở An Giang, 9 tháng đầu năm 2021, Cảnh sát đường thủy đã bắt 6 vụ khai thác cát trái phép, chuyển cơ quan công an xử lý. Cơ quan này cũng lập biên bản 128 vụ vi phạm liên quan đến khai thác, buôn bán, vận chuyển cát, thu giữ gần 8.200m3 cát.

Chênh lệch

hàng trăm triệu đô la

xuất khẩu

BIỂU ĐỒ XUẤT KHẨU CÁT CỦA VN TỪ 2011-2020

Rất khó ước tính lượng cát xuất khẩu có nguồn gốc từ Việt Nam nhưng theo thống kê từ Liên Hợp Quốc, có chênh lệch rất lớn giữa báo cáo xuất khẩu cát của Việt Nam và báo cáo nhập khẩu mặt hàng này từ các nước. Tra cứu trên kho lưu trữ thống kê thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc (UN Comtrade Database) có thể thấy, trong 10 năm từ 2011-2020, báo cáo từ Việt Nam thu về từ xuất khẩu cát (Mã HS 2505, các loại cát tự nhiên, có nhuộm và không nhuộm..) là 212 triệu USD (gần 4.900 tỉ đồng). Thế nhưng, các nước báo cáo nhập khẩu cát từ Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 trị giá gần 705 triệu USD (gần 16.000 tỉ đồng), chênh lệch tới 3,3 lần.

Mất cân đối nhiều nhất là các năm 2013, Việt Nam báo cáo xuất khẩu cát gần 30 triệu USD nhưng thế giới báo cáo nhập khẩu cát từ Việt Nam hơn 127 triệu USD. Năm 2014, báo cáo xuất khẩu cát từ Việt Nam chỉ 30,25 triệu USD nhưng con số giá trị nhập khẩu của các nước lên tới gần 152 triệu USD. Đến các năm 2018, 2019, 2020, giá trị xuất khẩu cát của Việt Nam giảm mạnh và chênh lệch thống kê xuất, nhập khẩu cát cũng thu hẹp lại. Điều này có thể lý giải khi tháng 5.2018, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 602/TTg-CN về một số giải pháp tăng cường quản lý đối với tài nguyên cát, trong đó dừng xuất khẩu cát thô.

Cát từ ĐBSCL từng xuất khẩu rất nhiều, trong ảnh một xà lan siêu trọng của Singapore “ăn” cát ở một mỏ khai thác trên sông Hậu, Cần Thơ tháng 4.2009

Giải thích về chênh lệch giữa báo cáo của Việt Nam và thống kê của Liên Hợp Quốc, Tổng cục Thống kê Việt Nam từng cho rằng, về lý thuyết, xuất khẩu của nước A sẽ phải tương ứng với nhập khẩu của nước B từ nước A. Tuy vậy, trường hợp tương ứng là rất hiếm do sự khác biệt về thời điểm, phạm vi, trị giá thống kê và nước đối tác. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hoạt động gia công, mua đi bán lại hàng hóa giữa các nước phát triển mạnh thì chênh lệch số liệu ngày càng lớn. Một nguyên nhân phổ biến nữa là doanh nghiệp Việt Nam bán sản phẩm cho nước thứ 3, nước thứ 3 bán cho đối tác khác, nhưng xuất xứ hàng hóa vẫn được ghi nhận là Việt Nam.

Năm 2017, báo chí đã từng phanh phui vụ việc doanh nghiệp khai thác cát các dự án nạo vét ký hợp đồng xuất khẩu cát cho đối tác Singapore với giá hợp đồng là 4,6 USD/m3 loại cát biển nhiễm mặn. Nhưng giá cát doanh nghiệp khai báo với cơ quan hải quan khi xuất đi Singapore chỉ là 1,3 USD/m3.

Riêng tại ĐBSCL, nói với PV Thanh Niên, một cán bộ Cục Hải quan TP.Cần Thơ cho biết, trước những năm 2010, cát từ khu vực này xuất khẩu có năm lên đến hàng chục triệu mét khối. Nhưng sau năm 2010, tình trạng cát từ ĐBSCL tuồn ra nước ngoài không còn khi Chính phủ có những giải pháp thắt chặt quản lý khai thác cát cũng như xuất khẩu loại tài nguyên này.

****
Loạt bài này được hỗ trợ bởi khóa đào tạo Mekong Data Journalism Fellowship do Mạng lưới Báo chí Trái đất của Internews và Trung tâm Đông Tây phối hợp tổ chức. Quá trình phân tích dữ liệu được thực hiện trong Excel.

Bạn đọc có thể truy cập vào các bảng dữ liệu trong đường liên kết sau:
Google Spreadsheets Xem Kỳ 2

Báo Thanh Niên

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top