TNO

Cathay Pacific chia tay 'nữ hoàng bầu trời' Boeing 747

09/10/2016 12:57 GMT+7

(Tin Nóng) Một chuyến bay ngắn ở độ cao chỉ 610 m trên bầu trời Hồng Kông hôm 8.10 chính thức đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp bay của máy bay Boeing 747, mệnh danh Nữ hoàng của các bầu trời, với hãng Cathay Pacific.

(Tin Nóng) Một chuyến bay ngắn ở độ cao chỉ 610 m trên bầu trời Hồng Kông hôm 8.10 đã chính thức đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp bay của máy bay lớn Boeing 747, mệnh danh Nữ hoàng của các bầu trời (Queen of the Skies), với hãng Cathay Pacific.

Cathay Pacific B747-400 chuẩn bị hạ cánh Sân bay quốc tế Hồng Kông - Ảnh: Flickr

Đây thực sự là chuyến bay cuối cùng của B747 với Cathay Pacific. Để thực hiện chuyến bay đặc biệt mang số hiệu CX8747 bay trên cảng Victoria và sân bay cũ Kai Tak (đóng cửa từ năm 1998) này, khoảng 300 nhân viên của hãng đã mỗi người đóng góp 747 đôla Hồng Kông (khoảng 96 USD) tạo nguồn kinh phí cần thiết cho chuyến bay.

Trước đó, vào ngày 1.10.2016, Cathay Pacific đã khai thác chuyến bay thương mại cuối cùng bằng B747, từ Hồng Kông đến sân bay quốc tế Haneda, Tokyo. Sau thời điểm này, cả ba chiếc 747-400 còn lại của hãng sẽ không bay chở khách nữa.

Dòng máy bay 747 đã có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của Cathay Pacific nói riêng và của Hồng Kông nói chung. Hãng hàng không này (vừa mừng sinh nhật thứ 70 hồi cuối tháng 9.2016 qua) bắt đầu sử dụng 747 từ tháng 8.1979. Đó là một chiếc 747-200 với chuyến bay thương mại đầu tiên trong màu sắc của Cathay Pacific từ Hồng Kông đến Melbourne, Úc. Đầu năm 1980, sau khi nhận chiếc 747-200 thứ hai, hãng bắt đầu khai thác đường bay Hồng Kông-London (sân bay Gatwick).

Nhờ có máy bay 4 động cơ bay tầm xa liên lục địa, chở trên 400 hành khách mà hãng này đã vươn đến nhiều thành phố ở châu Âu, Bắc Mỹ và góp phần làm Hồng Kông trở thành một trục vận chuyển hàng không hàng đầu tại châu Á. Giới chuyên ngành nhận định rằng không có 747, Cathay Pacific đã không thể chuyển mình từ một hãng bay khu vực thành một hãng bay quốc tế hàng đầu. Hãng cũng khai thác cả những chiếc 747F vận chuyển hàng hóa. Cathay Pacific cho biết từ năm 1979 đến nay, đội máy bay 747 cộng chung đã thực hiện 3,1 triệu giờ bay trong 37 năm.

Thời sân bay Kai Tak còn hoạt động, nổi tiếng là một trong những sân bay “nguy hiểm” nhất thế giới vì đòi hỏi phi công phải thật vững vàng tay nghề, có thần kinh thép khi hạ cánh tránh va vào núi, hình ảnh máy bay cực lớn bay vào giữa những dãy nhà cao tầng là một hình ảnh tiêu biểu không chỉ của Cathay Pacific mà còn là hình ảnh của một Hồng Kông luôn náo nhiệt, sầm uất.

Ngày 6.7.1998, một chiếc 747-400 của Cathay Pacific cất cánh khỏi đường băng của sân bay Kai Tak bay đến London, chính thức kết thúc sự nghiệp 73 năm hoạt động của sân bay này. Một ngày sau, một chiếc 747-400 khác của Cathay Pacific từ New York bay đến đã hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Hồng Kông, chính thức “khánh thành” sân bay mới trên đảo nhân tạo Chek Lap Kok.

Đó cũng chính là khi Cathay Pacific trở thành hãng hàng không đầu tiên trên thế giới khai thác đường bay vòng lên gần Bắc cực (đường bay Polar Routing) khi bay châu Á-Bắc Mỹ, giảm được 3-4 tiếng bay và tiết kiệm nhiên liệu hơn nhiều so với đường bay có ghé Vancouver như hãng vẫn phải thực hiện trước đó.

Cathay Pacific B747-400 thời còn bay giữa các khu nhà cao tầng, hạ cánh xuống sân bay Kai Tak - Ảnh: HotSpotMedia

Còn bao nhiêu chiếc 747 còn bay?

Theo Trung tâm Hàng không CAPA, sau khi Cathay Pacific cho nghỉ bay các chiếc 747 chở khách thì toàn thế giới chỉ còn 204 chiếc 747-400 tiếp tục bay thương mại. Nếu không tính các chiếc 747 sử dụng ở các chuyến bay thuê bao thì cả thế giới chỉ còn 175 chiếc jumbo 747 thực hiện những chuyến bay lên lịch rõ ràng của các hãng British Airways (Anh), Lufthansa (Đức), KLM (Hà Lan), United Airlines (Mỹ), Delta Air Lines (Mỹ), Qantas Airways (Úc), China Airlines (Đài Loan), Korean Air, Thai Airways International (Thái Lan)... Theo kế hoạch, United sẽ chia tay với 747 vào cuối năm 2018 còn British Airways và Qantas vào năm 2020.

Riêng năm 2016 này, ngoài Cathay Pacific cho 747-400 nghỉ hưu thì hãng Air France cũng đã vĩnh biệt các chiếc jumbo chở hành khách lẫn các chiếc chở hàng từ hồi tháng 1.2016. Hãng bay lớn nhất châu Âu này đã có 46 năm khai thác các kiểu máy bay trong gia đình 747. Ngoài ra hãng Saudiar của Ả Rập Xê Út cũng đã ngừng khai thác 747-400 ở các tuyến bay dành cho tín đồ Hồi giáo đi hành hương Thánh địa Mecca. Tuy nhiên Cathay Pacific vẫn còn đội 20 chiếc chở hàng (gồm có 14 chiếc 747-8F, có chiếc mới nhận về từ Boeing hồi tháng 8.2016).

Máy bay Boeing 747 không hề xa lạ với nhiều người Việt, nhất là những người sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh vì Pan Am Airways là hãng đã đưa 747 đến Tân Sơn Nhất từ nửa đầu những năm 1970 của thế kỷ trước. Theo dòng thời gian, đã có nhiều hãng sử dụng 747 ở đường bay đến TP.HCM, từ Air France, KLM, Lufthansa qua Eva Air, Korean Air, Singapore Airlines đến United Airlines (khi mới bắt đầu khai thác tuyến Hồng Kông – TP.HCM cách nay 10 năm).

British Airways là hãng còn nhiều 747-400 nhất với 38 chiếc

Delta Air Lines hiện còn khai thác chiếc 747-400 “già” thứ nhì (sản xuất tháng 7.1988). Hồi tháng 7.2015, hãng này đã cho nghỉ hưu chiếc 747-400 “già” nhất  (tức chiếc 747-400 đầu tiên)

China Airlines (Đài Loan) đang sử dụng 4 chiếc 747-400 “trẻ” nhất (sản xuất trong khoảng thời gian từ tháng 10.2004 đến tháng 3.2005).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.