Cầu Cần Thơ thông xe: Nối nhịp bờ vui

24/04/2010 07:29 GMT+7

(TNO) Hôm nay (24.4.2010), một ngày đáng nhớ đối với người dân miền châu thổ Cửu Long khi bắt đầu từ nay, hai bờ bắc nam của con sông Hậu chia cách hai tỉnh Vĩnh Long và Cần Thơ chính thức được nối nhịp bằng cây cầu Cần Thơ. Với cây cầu sừng sững vươn lên giữa miệt vườn sông nước Cửu Long, người dân Nam bộ ngày nay đã thỏa được giấc mơ bao đời để hướng đến một tương lai thịnh vượng, giàu đẹp.

Chính thức thông xe cầu Cần Thơ

Sáng nay, tại hai đầu của cầu Cần Thơ không khí đã chộn rộn từ sớm. Chưa đến 9 giờ sáng, người dân ở hai bên bờ Cần Thơ, Vĩnh Long đã tập trung rất đông bên chiếc cầu lịch sử. Không khí tại nút giao thông IC3 ngay cầu Quang Trung dẫn lên cầu Cần Thơ rất náo nhiệt khi hàng ngàn người dân đã có mặt chờ đợi giây phút lịch sử để vượt sông Hậu trên chính chiếc cầu này.

Đến dự lễ khánh thành cầu Cần Thơ có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước CHXHCN VN Đại tướng Lê Đức Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Hồ Đức Việt; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Đại tướng Lê Hồng Anh cùng đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba, cùng đại diện các Bộ, ban ngành từ T.Ư đến địa phương.

Tin bài liên quan
Thông xe cầu Cần Thơ ngay sau lễ khánh thành
Sắp khánh thành cầu Cần Thơ
Hợp long cầu Cần Thơ
Cầu Cần Thơ đã liền nhịp

Phát biểu khai mạc khánh thành cầu Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng điểm lại những nét chính của quá trình xây dựng cây cầu này. Sau gần 2.000 ngày thi công không mệt mỏi, cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á và là một trong 10 cây cầu dây văng dài nhất thế giới đã ra đời. Đặc biệt, để vượt cao độ 550m và tạo dáng thanh mảnh bắc qua sông Hậu, lần đầu tiên công nghệ mới làm hài hòa giữa thép và bê-tông đã được đưa vào triển khai thực hiện.

Cầu Cần Thơ ra đời thì bến phà Cần Thơ cũng khép lại vai trò lịch sử của mình. Trong dịp này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng gửi lời cám ơn đến những công nhân ở hai bờ bến Bắc, những người đã hoàn thành xuất sắc công việc đưa người sang sông, kết nối hai miền sông nước bao đời nay.

Ông Nariaki - đại diện nhóm tư vấn thiết kế giám sát Nhật Bản, bày tỏ sự cảm thông và gửi lời chia buồn sâu sắc đến với những gia đình, thân nhân của những người đã bị nạn trong quá trình xây dựng cầu Cần Thơ.

Thông xe cầu Hàm Luông

Chiều nay, cầu Hàm Luông - bắc qua sông Hàm Luông, trên quốc lộ 60, nối TP Bến Tre với huyện Mỏ Cày Bắc (tỉnh Bến Tre) cũng được thông xe. Cầu Hàm Luông với tổng chiều dài toàn bộ dự án là 8.216m; bề rộng mặt cầu 16m, có 4 làn xe, trọng tải 30 tấn, với tổng mức đầu tư 786,973 tỉ đồng. Cầu Hàm Luông sẽ rút ngắn thời gian đi lại thông thương giữa các tỉnh Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng...

Nói về vai trò và ý nghĩa của cầu Hàm Luông, ông Nguyễn Thái Xây - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng: “Cầu Hàm Luông tiếp nối việc xóa thế ốc đảo cho Bến Tre mà trực tiếp là cho cù lao Minh một vùng giàu tiềm năng kinh tế có gần một nửa dân số trên tổng số 1,3 triệu dân của toàn tỉnh. Việc cầu được đưa vào sử dụng kết nối với các đường tỉnh, đường huyện và hệ thống giao thông nông thôn, sẽ sớm kích thích và tạo điều kiện thuận lợi cho tốc độ phát triển kinh tế, xã hội của 4 huyện thuộc cù lao trên.

Ở một góc độ khác, cùng nằm trên một tuyến quốc lộ, cầu Hàm Luông góp phần cùng cầu Rạch Miễu khai thông quốc lộ 60 nối kết các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, rút ngắn thời gian đi lại của 3 tỉnh đến TP.HCM nên không chỉ tạo thuận lợi phát triển cho riêng Bến Tre mà cho cả 2 tỉnh còn lại. Tương lai, khi hình thành được cầu Cố Chiên (cũng nằm trên tuyến quốc lộ 60, nối Bến Tre và Trà Vinh), cả 3 tỉnh sẽ còn chủ động hơn trong việc nâng cao năng lực phát triển kinh tế, xã hội của mỗi tỉnh”.

Ông Nariaki cho biết cầu Cần Thơ là một trong những cây cầu dây văng đẹp nhất thế giới, nối liền hai bờ sông Hậu. Ông hi vọng và tin tưởng rằng cầu Cần Thơ sẽ góp phần to lớn trong sự phát triển của khu vực ĐBSCL.

Ông M.Tsuno - Trưởng đại diện các cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) ở VN đánh giá đây là công trình quan trọng nhất trong các dự án hợp tác vốn ODA giữa Nhật Bản và VN. Ông tin rằng trong tương lai sẽ cống hiến lâu dài cho sự nghiệp phát triển ở khu vực ĐBSCL và mối quan hệ tốt đẹp giữa VN và Nhật Bản. Thay mặt JICA, ông Tsuno cũng mong muốn sẽ tiếp tục hỗ trợ trong vai trò bảo trì và vận hành cầu Cần Thơ.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại VN Mitsuo Sakaba gửi lời cám ơn đến tất cả Bộ, ban ngành tại VN đã hợp tác và tạo điều kiện tối đa để các bên liên quan hoàn thành cầu Cần Thơ. Thay mặt dân nhân và Chính phủ Nhật Bản ông Sakaba bày tỏ mong ước những hương hồn của các nạn nhân trong vụ tai nạn cầu Cần Thơ sẽ được yên nghỉ. Với sự ra đời của cầu Cần Thơ, ông Sakaba hi vọng và mong muốn mối quan hệ chiến lược giữa VN và Nhật Bản sẽ được đẩy mạnh hơn nữa.

9 giờ 38, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lên phát biểu chính thức khánh thành cầu Cần Thơ. Thủ tướng nói: Trong niềm vui mừng chào đón ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta đã có mặt ở đây để khánh thành cầu Cần Thơ. Cây cầu này không chỉ có ý nghĩa to lớn về kinh tế mà còn có ý nghĩa về chính trị, văn hóa, quốc phòng cho ĐBSCL. Cây cầu này đã hiện thực hóa giấc mơ bao đời nay của nhân dân ĐBSCL và cả nước. Cầu Cần Thơ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế các tỉnh phía nam sông Hậu, nơi mà 16 triệu người dân đang sinh sống. Ý nghĩa của sự kiện này càng được nhân lên trong niềm vui chung thống nhất đất nước của những ngày tháng 4 lịch sử này.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chính thức khánh thành cầu Cần Thơ - Ảnh: Tiến Trình

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao những cán bộ, nhân viên làm việc tại bến phà Cần Thơ, những người sắp sửa kết thúc sứ mệnh lịch sử khi cây cầu Cần Thơ ra đời.

Thủ tướng nhấn mạnh cầu Cần Thơ là biểu hiện sinh động của tình hữu nghị, hợp tác của nhân dân Nhật Bản với VN. Những năm qua, Nhật Bản đã có những nguồn vốn vay ưu đãi giúp VN phát triển hạ tầng, giao thông vận tải. Thay mặt Chính phủ, nhân dân VN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời cám ơn chân thành đến Chính phủ và nhân dân Nhật Bản.

Thủ tướng hy vọng rằng với những công nghệ thu thập, học hỏi trong quá trình xây dựng cầu Cần Thơ sẽ là động lực để đội ngũ kỹ sư xây dựng VN vươn lên, tiếp tục góp phần trong công cuộc hiện đại hóa hạ tầng, giao thông của đất nước.

Thủ tướng cũng bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông đến những mất mát của các thân nhân nạn nhân trong vụ tai nạn cầu Cần Thơ trong quá trình xây dựng. Thủ tướng nhắc nhở các Cơ quan ban ngành từ T.Ư đến địa phương không chỉ xem cầu Cần Thơ là một công trình xây dựng quan trọng mà đó còn là một cảnh quan du lịch đặc biệt cần phải giữ gìn và khai thác hợp lý.

Đúng 9 giờ 48, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ nước CHXHCN VN tuyên bố chính thức khánh thành cầu Cần Thơ.

Thời phút lịch sử đã điểm! Đúng 9 giờ 55 ngày 24.4.2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước CHXHCN VN Đại tướng Lê Đức Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Hồ Đức Việt; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Đại tướng Lê Hồng Anh cùng đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại VN Mitsuo Sakaba... chính thức cắt băng khánh thành cầu Cần Thơ ngay tại nút giao thông IC3 bên bờ Cần Thơ.


Cắt băng khánh thành cầu Cần Thơ


Cầu Cần Thơ là biểu hiện sinh động của tình hữu nghị, hợp tác của nhân dân Nhật Bản với VN - Ảnh: Tiến Trình


Từng đoàn xe vượt sông Hậu trên cầu Cần Thơ - Ảnh: Hồng Hạnh

Ngay sau lễ khánh thành cầu Cần Thơ, hàng ngàn người dân ở hai bên sông Hậu đã nối tiếp nhau cùng bước bộ hành lên cầu và tận hưởng niềm vui sướng, hạnh phúc bao đời nay họ hằng mơ ước.

Dự kiến trong chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đi chuyến phà cuối cùng trên sông Hậu.

Đến đầu giờ chiều nay, từng đoàn xe đã nối đuôi nhau qua cầu Cần Thơ. Thiết kế cầu cho phép chạy với vận tốc tối đa là 80 km/giờ nhưng đoàn xe qua cầu di chuyển khá chậm, dường như người dân đang muốn đi thật chậm để nhìn thật lâu và tận hưởng cảm giác vượt sông Hậu bằng cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á.

Dọc theo hai làn bộ hành, nhiều người dân Vĩnh Long, Cần Thơ đã thả bộ thật chậm, vừa đi, vừa ngắm cảnh sông nước, chụp ảnh.

Dù lượng xe cộ khá lớn nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, ùn tắc không xảy ra, từng đoàn xe, đoàn người lần lượt nối đuôi nhau đi qua cầu trong niềm hạnh phúc đôi bờ được nối liền.


Xe và người nối đuôi nhau qua cầu Cần Thơ - Ảnh: Tiến Trình

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cầu Cần Thơ ra đời như thế nào?

Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư tại quyết định số 61/QĐ-TTG ngày 17.1.2000, với tổng mức đầu tư 295 triệu USD. Nguồn vốn: Vốn vay ưu đãi đặc biệt của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Chủ đầu tư: Bộ Giao thông Vận tải. Đại diện Chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận. Tư vấn thiết kế và giám sát thi công: Liên danh Công ty Nippon Koei và Công ty Chodai. Tổng Công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) và Công ty tư vấn thiết kế phía Nam của Bộ GTVT (TEDI South) cộng tác với Liên danh tư vấn trên để cung ứng nhân lực.

Dự án được chia thành 3 gói thầu xây lắp và 1 gói thầu tư vấn giám sát. Cụ thể: Gói thầu số 1 (thi công phần đường dẫn bờ Vĩnh Long dài 5,41km: Liên danh Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long + Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 + Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Bộ GTVT); Gói thầu số 2 (thi công toàn bộ cầu chính và cầu dẫn): Liên danh của 3 nhà thầu Nhật Bản Taisei-Kajima-Nippon Steel, sau đây gọi tắt (TKN); Gói thầu số 3 (thi công phần đường dẫn phía Cần Thơ dài 7,69km) Tổng Công ty Xây dựng công trình Trung Quốc (CSCEC).

Dự án được khởi công ngày 25.09.2004, dự kiến thông xe vào tháng 12.2008. Nhưng sự cố sập nhịp dẫn thuộc gói thầu số 2, cùng với sự thi công chậm trễ của các nhà thầu ở các gói thầu số 1 và 3 đã làm cho dự án bị chậm mất 1 năm 4 tháng.

7 giờ 55 ngày 26.9.2007, khi công nhân bắt đầu ca làm việc tại 2 nhịp trên các trụ neo từ trụ P13 đến trụ P15 cầu chính thuộc gói thầu số 2, dự án xây dựng cầu Cần Thơ thì sự cố đột nhiên xảy ra. Toàn bộ hệ thống đà giáo, ván khuôn chống đỡ phần kết cấu dầm hộp bê-tông cốt thép đã bị sập đổ và khối lượng bê-tông dầm đã thi công từ những ngày trước khoảng 2.000m3 đã bị phá hủy hoàn toàn (hai nhịp sụp đổ, mỗi nhịp dài 40m, nặng khoảng 3.000 tấn). 55 người đã tử nạn trong sự cố thảm khốc này.

Cầu Cần Thơ đã nối thông phần còn lại của vựa lúa ĐBSCL với cả nước, tạo động lực mới cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của toàn vùng nói riêng và cả khu vực miền Nam nói chung. Đối với TP. Cần Thơ, cây cầu sẽ tạo một nét mới mạnh mẽ, hiện đại tô điểm cho cảnh quan của Tây Đô. Tây Đô đẹp hơn và người dân Tây Đô có thêm một niềm tự hào khi nói tới cầu Cần Thơ. Người dân ĐBSCL cũng tự hào khi có 3 cầu dây văng lớn và đẹp là: Mỹ Thuận, Rạch Miễu và Cần Thơ.

Cầu Cần Thơ là cây cầu đánh dấu sự hoàn tất hệ thống cầu đường trên tuyến QL1, từ Lạng Sơn đến Cà Mau (không kể đoạn Cà Mau - Năm Căn còn có cầu Đầm Cùng đang được xây dựng). QL1 là trục giao thông huyết mạch và quan trọng nhất, chạy xuyên suốt từ Bắc vào Nam, nối kết cả 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Thanh Niên Online xin điểm qua những giai đoạn từ khi khởi công xây dựng cây cầu lịch sử này cho đến lúc nó nên hình, nên vóc.

 

Người dân Nam bộ háo hức tham dự lễ khởi công xây dựng cầu Cần Thơ vào ngày 25.09.2004.

Đúng 10 giờ 30 ngày 25.09.2004, Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là ông Phan Văn Khải đã phát lệnh khởi công dự án cầu Cần Thơ. Tiếng búa máy vang lên giữa miền sông nước như muốn thông báo một tin vui mà người dân ĐBSCL đã mong đợi từ lâu.

Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu tại lễ khởi công cũng đã chia sẻ niềm vui với tất cả mọi người: "Đến dự lễ khởi công cầu Cần Thơ, trong lòng mỗi người dân chúng ta chắc chắn đều rất phấn khởi, vì đây là sự kiện, là ngày hội mà các Đảng bộ và nhân dân ở khu vực ĐBSCL mong đợi từ lâu. Đây là cây cầu có ý nghĩa lịch sử đối với đất nước chúng ta. Làm xong cầu Cần Thơ tức là toàn bộ tuyến QL1 từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau sẽ không còn bến phà nào nữa. Chúng ta đã làm xong cầu Mỹ Thuận; nay lại đến lượt xây dựng cầu Cần Thơ - chiếc cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á, sẽ tô điểm cho ĐBSCL thêm tươi đẹp".

Những mũi khoan đầu tiên xây dựng cầu Cần Thơ. Sau ngày khởi công, công trường xây dựng cây cầu dây văng dài nhất khu vực Đông Nam Á trở nên nhộn nhịp, hối hả để dần hình thành nên cây cầu mơ ước của người dân miền sông nước Cửu Long.

Thi công cọc khoan nhồi

Nhộn nhịp trên công trường

Các chuyên gia Nhật Bản tại công trường

Hệ thống cột đỡ và hai tòa tháp dần dần hình thành





Ngày 1.08.2007, Công ty Liên doanh TNK Nhật Bản (Taisei - Kajima - Nippon) đơn vị thi công gói thầu số 2 cầu chính và cầu dẫn cầu Cần Thơ đã tổ chức sự kiện căng cáp dây văng đầu tiên tại trụ tháp bờ Bắc (địa phận tỉnh Vĩnh Long).

Ông Kenichi Nakajima, Phó giám đốc Liên danh TKN cho biết: gói thầu số 2 bắt ngang sông Hậu có chiều dài 2.750m, trong đó chiều dài cầu chính là 1.010m; chiều rộng 26m, chiều cao tháp 164,8m, móng cầu bê-tông đúc trên nền cột khoan nhồi (đường kính lớn nhất là 2,5m, chiều dài cột lớn nhất 94m). Ngoài ra ông cho biết thêm, hai trụ tháp chính hình chữ Y ngược sẽ có tổng cộng 216 sợi dây văng, sợi dài nhất dài 280m, sợi ngắn nhất 90m.

Những sợi dây văng đầu tiên được căng lên

Khoảng 7 giờ 55 ngày 26.9.2007, nhịp cầu dẫn dài 90m về phía Vĩnh Long đang thi công đã bất ngờ bị sập. Tai nạn thương tâm này khiến 55 người chết, nhiều người khác bị thương; công trình phải dừng lại một thời gian để điều tra.





Sau khi thi công trở lại, cầu Cần Thơ dần dần thành hình. Hai nhánh cầu vươn đến với nhau.



Sáng 12.10.2009, cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu nối tỉnh Vĩnh Long (bờ Bắc) với thành phố Cần Thơ (bờ Nam) đã chính thức được hợp long. Lễ hợp long diễn ra trên mặt cầu thép, đơn giản mà trang trọng.

Cầu Cần Thơ đã hoàn thành, khánh thành vào ngày hôm nay (24.04.2010). Bắt đầu từ nay, người dân hai bờ sông Hậu này đã có thể lưu thông dễ dàng, để hướng đến sự phồn vinh về kinh tế, hướng đến một đời sống khá giả, hiện đại cho mỗi gia đình như mong ước bao đời nay. Cũng bắt đầu từ thời điểm này, bến phà Cần Thơ chấm dứt sứ mệnh lịch sử của mình qua bao tháng ngày ghi dấu trong tâm hồn những người con vùng đất nặng phù sa Cửu Long...

Mai Vọng - Tiến Dũng
(Ảnh Trương Công Khả, Trần Kim Đính, Trọng Nghĩa)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Một số cây cầu dây văng nổi bật tại châu Á   

Nhân sự kiện cầu Cần Thơ chính thức khánh thành, Thanh Niên Online xin giới thiệu một số cây cầu dây văng nổi bật khác trong khu vực châu Á để bạn đọc tiện theo dõi, so sánh.

 


Cầu Penang


Cầu Rama IX

Tại Malaysia, cầu Penang nối đảo Penang với đất liền Malaysia, có nhịp chính dài 225m. Tổng chiều dài toàn tuyến là 13,5km. Cầu này từng được xem là cây cầu dài nhất Đông Nam Á. So với cây cầu Cần Thơ của chúng ta thì cầu Penang có tổng chiều dài cũng như chiều dài nhịp chính ngắn hơn nhiều

Cầu Rama IX ở Bangkok (Thái Lan) có nhịp chính dài 450m với 6 làn xe và có tổng chiều dài toàn tuyến là 781,2m, được hoàn tất vào năm 1987. Vào thời điểm đó, cầu Rama IX được xem là cây cầu có nhịp chính dài thứ hai trên thế giới. Hiện nay, nếu so sánh với cây cầu Cần Thơ thì cầu Rama IX có chiều dài ngắn hơn.


Cầu Suramadu


Cầu Bandra Worli Sea-Link

Cầu Suramadu là cây cầu dây văng dài nhất ở Indonesia và cũng là một trong những cây cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á. Nó nối thành phố Surabaya ở đảo Java với đảo Madura. Cầu Suramadu có tổng chiều dài toàn tuyến là 5.438m.

Cầu Bandra Worli Sea-Link có tổng chiều dài toàn tuyến là 5,6km và có nhịp chính dài 500m, nối Mumbai với ngoại ô miền tây Ấn Độ, được khánh thành vào ngày 30.6.2009.


Cầu Vidyasagar Setu


Cầu Kap Shui Mun

Vidyasagar Setu (còn gọi là cầu Hooghly thứ hai) ở Kolkata, Tây Bengal (Ấn Độ) là một trong những cây cầu dây văng dài nhất ở Ấn Độ, với nhịp cầu chính dài 457,2m và tổng chiều dài toàn tuyến là 823m.

Cầu Kap Shui Mun tại Hồng Kông (Trung Quốc) là cây cầu có cả đường bộ và đường ray với nhịp chính dài 430m và tổng chiều dài toàn tuyến là 1.323m, nối đảo Ma wan với đảo Lantau ở Hồng Kông.


Cầu Stonecutters


Cầu Sutong

Cầu Stonecutters tại Hồng Kông (Trung Quốc) có tổng chiều dài 1.596m với 3 làn xe cơ giới, nhịp chính của cầu dài 1.018m. Cầu này nối eo biển Rambler với lối vào cảng đông đúc Kwai Chung.   

Cầu Sutong bắt qua sông Dương Tử ở miền đông Trung Quốc. Cầu dây văng này có tổng chiều dài toàn tuyến là 8.206m và nhịp chính của cầu dài 1.088m.


Cầu Ting Kau


Cầu Tatara

Cầu Ting Kau là cầu dây văng có 4 nhịp chính đầu tiên trên thế giới (có 3 trụ tháp), có tổng chiều dài là 1.177m và các nhịp chính có chiều dài từ 448m đến 475m. Cầu được khánh thành vào năm 1998.

Cầu Tatara là cây cầu dây văng ở Nhật Bản có tổng chiều dài toàn tuyến là 1.480m và nhịp chính của cầu dài 890m. Cầu Tatara nối các đảo Honshū và Shikoku ở Nhật Bản.

Nhóm PV Thanh Niên Online
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.