Câu chuyện giáo dục: Dự định 10 năm, giờ có cơ hội thực hiện ?

Là một phụ huynh có con cháu theo học ở các trường phổ thông tại TP.HCM, tôi đồng tình với phát biểu của bà Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu trên Báo Thanh Niên số ra ngày 27.12.

Bà cho rằng có thể cho học sinh (HS) học theo tín chỉ, phải mở ra nhiều hình thức học tập hơn như học từ xa, học trực tuyến, ở nhà tự học, tự nghiên cứu, định kỳ sẽ tổ chức thi tập trung ở trường...
Tôi còn nhớ, cách đây khoảng 10 năm, khi dự một buổi tổng kết cuối năm ở Trường Phổ thông Năng khiếu (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM), tôi có nghe thông tin: Do chương trình học của trường này có nhiều phần nâng cao (so với các trường phổ thông bình thường) tương tự với nội dung học các tín chỉ ở các trường ĐH nên sẽ bàn biện pháp để có thể cho HS trường này được miễn một số tín chỉ hợp với nội dung đã học ở đây khi lên học ở các trường thành viên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Ý định này sau đó không thấy thực hiện, có lẽ do thời điểm đó đưa ra quá sớm và mọi công việc liên quan đến việc áp dụng chưa đạt đồng thuận cao.
Nay bà Thu cho rằng: "Việc áp dụng tín chỉ từ cấp THCS đến THPT, liên thông lên bậc ĐH, sau ĐH sẽ giúp HS làm quen với phương thức học tín chỉ hiện đại, tiết kiệm thời gian cho những em có sức học và có điều kiện học nhanh, học giỏi và đáp ứng được yêu cầu kiến thức". Vui mừng, tôi gọi điện hỏi ngay PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc phụ trách đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM. Ông Nghĩa cho biết ủng hộ đề xuất này vì phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục thế giới và lợi ích của người học. Tuy nhiên, để có được thành công, ông Nghĩa đề nghị TP.HCM nên chuẩn bị thật cẩn thận các bước đi. Nội dung và chương trình học tín chỉ cần có sự bàn bạc thống nhất giữa các trường ĐH, chuẩn bị đội ngũ giáo viên giảng dạy có kinh nghiệm. Việc kiểm tra đánh giá hoàn tất từng tín chỉ cần được tổ chức nghiêm túc. Một trong những khó khăn phải lường trước là cần thăm dò ý kiến của phụ huynh để biết nhu cầu thực tế trên địa bàn rộng lớn, từ đó chọn hình thức tổ chức lớp học cho phù hợp. Tập hợp các HS có nhu cầu học tại từng trường, học chung liên trường hay gửi đến học ở các trường ĐH... đều phải tính toán chặt chẽ.
Về vấn đề đa dạng hóa hình thức học tập, bà Nguyễn Thị Thu có nêu trường hợp không ít vận động viên thể thao thường đi thi hay dự tập huấn thể thao quốc tế và những trường hợp khác thiệt thòi về việc học tập vì không có nhiều hình thức học phù hợp. Trong công việc, tôi có tiếp xúc nhiều với các vận động viên nên thấy rõ đề xuất này hết sức thiết thực, phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Nếu đề xuất của TP.HCM được chấp nhận thì sẽ tạo cơ hội cho các vận động viên chuyên nghiệp có thể hoàn tất chương trình phổ thông chính quy mà không cần phải lo lắng việc phải có mặt trực tiếp ở trường học.
Những đề xuất của TP.HCM là phù hợp với xu thế và cuộc sống hiện đại nên chắc chắn được người dân đồng tình. Vấn đề là cần những bước đi cụ thể và khoa học để có thể thực hiện được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.