Câu chuyện hòa hợp, hòa giải: Binh nhất Thịnh và trung sĩ Lâm

Đây là câu chuyện hòa hợp, hòa giải nhìn từ phía tôi.

Người chị hiện nay trông nom nhà tôi ở quê là con bác tôi.
Hồi đó bác trai tôi đi bộ đội, bác gái và chị ở nhà. Giặc càn, cả làng đi tản cư, ba tôi lúc đó chưa có gia đình, ở trên rừng về làng đưa chị dâu và cháu đi.
Bị phục kích, mọi người mạnh ai nấy chạy vô rừng. Ba tôi giấu hai người vào bụi cây rậm, dặn ngồi im rồi đi vòng sang nấp ở một tảng đá khác.
Chị tôi khóc, bọn lính nghe được tiến về bao vây bụi cây lôi bác gái tôi ra, trói lại, thay phiên hãm hiếp rồi giết chết. Ba tôi chứng kiến cảnh đó nhưng không một tấc sắt trong tay nên đành bất lực.
Chị tôi lúc đó 3 tuổi, theo bản năng chạy vô rừng.
7 ngày sau, một người đi rừng nhìn thấy, tưởng con khỉ con nên đến bồng về, nhưng không phải khỉ, đó là chị tôi. Sau đó rất lâu ba tôi mới tìm được chị.
Ba tôi thương chị vô cùng.
*
Câu chuyện trên ám ảnh suốt cả tuổi thơ tôi.
Lớn lên, chứng kiến cảnh bom đạn phá tan nát xóm làng. Ngay sau lưng nhà tôi là nhà o Lựu, bà con với nhà tôi, một quả bom khoét sâu làm cả nhà 7 người không tìm ra một dấu vết.
Mà nói chi xa, cả khu phố Khâm Thiên (Hà Nội) người dân có tội tình chi mà B52 rải thảm giết họ?
Tôi đi bộ đội như một thứ bản năng, họ ở đâu đến phá nhà mình thì mình phải đuổi họ đi. Thế thôi.
*
Dịp tổng tấn công, đơn vị tôi từ Campuchia tiến về Pleiku, rồi tiếp tục giải phóng Buôn Ma Thuột và sau đó đóng quân ở Đắk Mil (Đắk Nông). Lúc đó tôi mang quân hàm binh nhất.
Làng đơn vị tôi đóng quân có anh Lâm là trung sĩ, phế binh của chế độ cũ. Anh chơi đàn rất hay. Mỗi tối đi nhận cơm về ăn (lúc đó tiểu đội tôi ở trong một nhà dân), chúng tôi đều mời anh ăn cùng (anh không có nhà cửa, không có cái ăn, tụi tôi lấy áo quần bộ đội cũ của mình đi nhuộm màu khác cho anh mặc). Anh dạy chúng tôi thêm những ngón đàn, dạy chúng tôi điệu valse đầu tiên; chúng tôi cũng dạy cho anh vài bài hát mà chúng tôi yêu thích: Ca-chiu-sa, Chiều Mátxcơva, Làng tôi...
*
Một hôm ngồi với anh Lâm rất khuya trên bãi cỏ trước nhà, tôi kể cho anh câu chuyện bác gái tôi.
Anh Lâm nghe xong nhìn lên trời, thở dài, đoạn nói: Nhà con bé Xuyến (con gái chủ nhà tụi tôi ở, 18 tuổi, mỗi lần nhìn có cảm giác như cái cúc áo trước ngực sắp bật tung, bắn vào mắt), rất lo lắng khi bộ đội về, tui cũng lo, nhưng cả tháng ni tui theo dõi, các cậu thậm chí một lời tán tỉnh cũng không. Con Xuyến nó thích cậu Sinh (trong tiểu đội) nhưng cậu ấy cũng đối xử rất chừng mực. Tui nhìn thấy hết.
Thấy đã thân thiện, tôi hỏi tiếp: Anh Lâm, em hỏi thật, ngày còn làm lính, anh đã từng đốt nhà hay hiếp vợ con ai chưa?
Anh Lâm không ngạc nhiên hay phản ứng trước câu hỏi của tôi, chỉ nhìn lên trời, thở dài…
*
Chúng tôi vẫn liên lạc với nhau cho đến ngày anh lái xe reo chở gỗ bị lật xuống vực sâu, bị thương rất nặng, nằm viện không ai chăm sóc. Nhận được thư anh, cũng may lúc đó tôi đang học Đại học Chỉ huy - kỹ thuật radar - tên lửa ở Học viện Phòng không - Không quân (bây giờ) và đang dịp nghỉ hè nên nhảy tàu chợ rồi đi xe đò lên Gia Nghĩa (Đắk Nông). Lúc đó anh đã rất yếu. Hai ngày sau, anh tặng tôi cây đàn guitar mà anh đã ôm ấp hơn 20 năm. Anh bảo tôi chơi bài Làng tôi của Văn Cao và giọng anh ngắt quãng, thều thào:
Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung. Ðời đang vui đồng quê yêu dấu bóng cau với con thuyền một dòng sông…
Tôi không có điều kiện ở lâu cùng anh.
Một tháng sau, tôi nhận được thư Xuyến báo tin anh đã mất.
Hòa hợp không phải chỉ nói, không phải từ một phía, cũng không phải cái gì to tát, hòa hợp phải từ từng người.
Tôi với anh Lâm đã hòa hợp ngay từ ngày đầu giải phóng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.