Câu chuyện kỳ diệu về "người chết" trong bão Chanchu trở về

11/08/2006 23:49 GMT+7

Anh trở về nhà và thấy mình đã được... lập bàn thờ. Từ cảnh tang thương trùm lấy căn nhà lâu nay, bây giờ thì không đâu vui bằng gia đình anh, làng xóm đang mổ heo ăn mừng.

Đó là anh Nguyễn Văn Hương được vớt lên sau bão Chanchu 13 ngày trôi dạt gần 2.000 km trên biển. Sức lực cùng kiệt, 15 ngày tiếp theo không ăn được một thìa cháo, chỉ uống nước cầm hơi. Tỉnh lại, anh sống trên thuyền ông Hai 2 tháng 5 ngày rồi được trở về nhà.

Cả xóm hóc Bàu Sấm và cả thôn Khánh Bình, xã Quế Ninh (Quế Sơn, Quảng Nam) mừng như bắt được của. "Thằng Hương chưa chết. Nó vừa điện về từ Cam Ranh!"; "Ủa, bị bão phía bắc quần đảo Trường Sa, sao lại về đảo Phú Quý mãi trong Bình Thuận?"; "Không lẽ nó đã trôi ngoài biển Đông đến gần 2.000 cây số à?". Người làng Khánh Bình vừa mừng vừa hỏi nhau những câu hỏi như vậy từ lúc 11h trưa  29/7 (tức mồng năm tháng 7 âm lịch), sau khi chị Nguyễn Thị Huệ nhận được tin Nguyễn Văn Hương gọi về báo tin.

Còn chị Huệ thì nói: "Nó bảo chị ơi em còn sống đây! Rồi sau đó hai chị em khóc òa trên điện thoại chẳng nói được một lời. Nó lại nói: Thôi chị đừng khóc, em còn sống thật đây, một tuần nữa em sẽ vô bờ và về nhà liền... Sau đó, tôi vừa khóc vừa chạy về nhà nó để báo tin. Tôi chạy và tôi la lên đến khản giọng: Thằng Hương còn sống, em tôi còn sống!".

13 ngày trôi dạt gần 2.000 cây số

Trong hai ngày 10 - 11/8, đại diện Báo Thanh Niên đã đến các xã Bình Hải, Bình Minh (Thăng Bình) và Tam Quang, Tam Giang (Núi Thành) tỉnh Quảng Nam trao tặng 72 triệu đồng cho 50 em học sinh là con, em nạn nhân bão Chanchu. Đây là số tiền do Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản quyên góp thông qua Thanh Niên hỗ trợ cho các em có thêm điều kiện mua sắm quần áo, đồ dùng học tập để đến trường trong năm học mới. (L.Huy - H.Trà)

Trong ngôi nhà tuềnh toàng của mình, với người mẹ già 77 tuổi, vợ và hai đứa con nhỏ, Nguyễn Văn Hương - người mà trong hồ sơ mất tích sau bão Chanchu ghi là Nguyễn Văn Phương - kể lại:

Khoảng gần sáng ngày 18/5, con tàu (thường được gọi tắt với nhau là tàu Đà Nẵng 03) do chồng bà Nguyễn Thị Huệ chỉ huy gồm 24 ngư dân - mà Hương là người đi chui vì không có chứng minh nhân dân - đã bị sóng cao đến chục mét phủ đầu rồi hất lên, ném xuống cho đến khi vỡ tan tành. Lúc Hương nổi lên mặt nước thì không còn thấy một bóng người. Biển vẫn gầm thét dữ dội, gỗ ván và đồ dùng trôi bồng bềnh. Bỗng trước mặt anh xuất hiện mấy cái can nhựa đựng nước, Hương ôm lấy, nhưng sóng lại đánh văng ra. Hương vớ được một sợi dây thừng và cột tất cả các can nhựa lại rồi cột vào ngang bụng.

Đến ngày thứ 5 thì biển lặng gió, Hương tỉnh lại và mới biết mình không có bất cứ thứ gì trong bụng. Chợt nhớ trong những chiếc can đều có nước ngọt, anh cởi áo nhét vào miệng can cho thấm nước rồi rút ra đưa lên miệng, mút. Khi áo khô, anh lại nhét vào can lấy nước tiếp... "99,99% là nghĩ đến cái chết và cứ thế tôi bị trôi tự do theo dòng nước. Những khi tỉnh dậy, có lúc nhìn thấy những chiếc tàu lớn chạy gần mình, tôi đưa áo lên vẫy, nhưng họ đều không nhận ra. Tôi lại thiếp đi, tỉnh lại nhiều lần. Tay chân ngâm nước biển nhiều ngày dợp ra dễ sợ lắm! Đói quá, tôi nghĩ nếu mà đi ngoài ra được để lấy ăn lại thì vẫn ăn để mà còn hy vọng sống. Rồi tôi lại khấn vái được ai đó cứu vớt. Nếu sống được về với mẹ và vợ con tôi nguyện sẽ cạo đầu sám hối... Nhưng đến ngày thứ 12 vẫn chẳng có ai. Những chiếc tàu lớn thỉnh thoảng đi qua vẫn không thấy tiếng kêu la và cái vẫy tay cầu cứu của tôi" - Hương kể lại.

Chết đói, chết khát và có thể chết do cá ăn. Đã nhiều năm đi biển, Hương kể ở vùng biển này có những loại cá ăn thịt người rất man rợ, nhất là hai loại cá xà và cá nhám. Một ngư dân vô tình thả chân xuống biển cũng bị chúng cắn và lôi đi, huống là một người trầm cả thân mình nhiều ngày trên biển. Nhưng đến ngày thứ 13 thì đâu còn sợ nữa. Chân tay anh không còn điều khiển được. Đầu óc lúc mê lúc tỉnh...

15 ngày không ăn được muỗng cháo nào

Trong lúc đầu óc lơ mơ thì Hương nghe có tiếng người. "Mà người Việt mình mới sướng chớ. Nghe mà không nói được. Và họ xúm nhau đến vớt tôi lên". Theo lời Hương thì đó là tàu cá câu sỏi của chủ tàu tên Hai, người Bình Định (số tàu đã mờ, chỉ còn thấy 2 chữ BĐ). Trên tàu có 13 người nói giọng Khu 4. Ông Hai cử người chăm sóc, đút nước, bón cháo mỗi bữa. Nhưng Hương chỉ uống được ít nước, còn cháo thì vô bao nhiêu nôn ra bấy nhiêu. Ở trên tàu cá ông Hai đến ngày thứ 15, Hương mới bắt đầu ăn được những muỗng cháo đầu tiên khi đã hết "dạ sóng". Và Hương đã ở trên con tàu cứu mạng này cùng các ngư dân của ông Hai đến 2 tháng 5 ngày mà không có cách nào liên lạc được về bờ. Anh đã trả ơn họ bằng cách phụ giúp nấu ăn, làm việc vặt chờ ngày trở về...

Vì sao lại ở lâu vậy? Vì sao không liên lạc được về bờ? Và anh có biết gì về thiệt hại của cơn bão Chanchu gây ra không?

Hương giải thích: Bạn nghề trên tàu câu của ông Hai đều là dân Khu 4 đi làm công, họ phải đi hết kỳ câu mới mang hàng vào bán và đi ngay vì sợ bạn lên bờ bỏ thuyền. Và khi họ vớt được anh là lúc họ vừa mới ra đến tọa độ 13 độ vĩ Bắc - 121 độ kinh Đông, đâu thể vì anh mà vào bờ ngay được, bao nhiêu là tổn phí! Đây cũng là loại tàu nhỏ, chỉ có máy định vị và bộ đàm nên không thể liên lạc được xa. Tất cả thuyền viên và chủ tàu cũng không biết gì (hoặc biết nhưng không hề nói) về hậu quả của cơn bão Chanchu.

Nhưng Hương kể thêm: "Ông Hai đã hỏi han quê quán, gia cảnh tôi và động viên tôi dưỡng sức để chờ ngày về. Lúc chia tay, ông cũng tặng tôi 200 ngàn đồng làm lộ phí. Ơn này tôi khắc dạ và sẽ có ngày trở vào để tạ ơn ông".

Lúc Hương chia tay ông Hai và các ân nhân của mình là ngày mồng 5 tháng 7 âm lịch (tức 29/7 dương lịch), khi ông neo tàu ngoài khơi đảo Phú Quý (Bình Thuận) để bán cá cho một đầu mối. Ông không vào đảo vì sợ bạn bỏ tàu không đi tiếp được chuyến sau. Hương vào đảo và ở lại đó đến ngày 6/8/2006 (tức 11/7 âm lịch) mới có tàu đưa về Cam Ranh. Từ đó, anh đáp xe đò về Quế Sơn trong vòng tay của gia đình và làng xóm.

Và câu chuyện ở nhà

Chị Nguyễn Thị Nương, vợ của Hương kể: "Tôi lấy ảnh đã chục năm và bỏ quê Bình Định theo về, hai đứa con gái đứa 8 tuổi, đứa mới 8 tháng. Hôm đi nhận dạng xác chồng, hai ba lần người ta bảo là đúng, nhưng tôi nói không vì trên tay ảnh có khắc mấy chữ "Suốt đời bên em" và "Sẽ về đâu" làm sao tôi quên được. Ở nhà đã dựng rạp, tôi điện về bảo chưa có xác. Lại dỡ rạp. Làm tuần 49 ngày cả nhà vẫn như là có tang thật. Nhiều bữa cả nhà đều bỏ cơm. Ảnh là con út nhưng sống với mẹ già nên ai cũng thương. Bà con, các đoàn thể, chính quyền đến thăm nhiều lần, cho được khoảng 50 triệu. Nhưng tiền sao bằng mạng sống của chồng. Nhận tiền của ai, tôi cũng khóc và tủi thân. Hôm nghe tin ảnh điện về, tôi lạnh cả người, tay chân nổi gai ốc hết. Rồi ảnh về, hai vợ chồng lại ôm nhau khóc...".

Cụ Đinh Thị Ngà, 77 tuổi, kể trong nước mắt: "Lập bàn thờ cho nó và cả nhà phục tang hôm 15/5, tức gần 3 tuần sau ngày nó mất tích. Nhưng khi nghe điện thoại báo về, các cháu nó đã dỡ ngay xuống và đốt tất cả. Hôm nó mất tích tui sảng, ôm cháu khóc miết. Bữa ni nó về tui cũng khóc vì mừng quá".

Hai đứa con của Hương chẳng thấy biểu lộ vui buồn gì trên khuôn mặt, bởi chúng quá nhỏ. "Nhưng tôi đã nguyện là sẽ bỏ nghề, được số tiền xã hội cứu giúp, tôi sẽ tìm đất mở tiệm hớt tóc làm lại nghề cũ để nuôi con ăn học. Trận bão năm 1998 và trận Chanchu này mà tôi sống được là quá phúc đức rồi. Không thể “đánh bạc” với biển nữa!" - Hương nói.

Phó chủ tịch UBND xã Quế Ninh Nguyễn Tiến Phi bảo: "Cả xã và huyện Quế Sơn đều gửi lời chia vui với gia đình anh Hương. Cả tộc nhà họ định làm bò cúng tạ ơn ông bà, tổ tiên và đãi hàng xóm. Nhưng chúng tôi chỉ đồng ý thịt một con heo vừa vừa thôi, để tiết kiệm. Vợ chồng anh ấy đều đồng ý".

Gia đình anh Hương trong niềm hạnh phúc

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.