Tham nhũng - Xét về diện địa

15/08/2006 22:53 GMT+7

Có lẽ không cần phải nói thêm về tai nạn tham nhũng tấn công xã hội ta từ vi mô đến vĩ mô, tràn lan đủ kích thước, hiện diện gần như mọi nơi - hễ có một chút quyền trong tay thì lập tức rơi vào lộng quyền, không to thì nhỏ, chèn nhét thu vén.

Cái phân biệt hết sức thô sơ: đông đảo người không có phương tiện, bằng mồ hôi, tủy não của mình để kiếm chén cơm cho bản thân, cật lực lo cho con, cho vợ (không có khả năng lao động), lo cho cha mẹ già yếu, bệnh tật, lo cho con thiếu dinh dưỡng, không thể đến trường, không đủ sách vở... nằm ngoài vòng xoáy của tham nhũng. Cũng cần minh bạch: xã hội trung gian đang lớn dần theo quy luật đời sống của những nước bám sát sự phát triển khách quan mà thế giới đang cố gắng thích ứng - thích ứng tốt hay không tốt lắm - đó là điều bình thường, tức làm ăn khá, thậm chí giàu bằng kỹ năng tay nghề, bằng tổ chức quản lý, bằng chắt chiu gây dựng cơ ngơi, hy sinh đầy đủ để khấm khá. Ta tôn vinh những người như thế, đất nước cần những người như thế.

Tôi nhớ một câu thơ của Tố Hữu trước cách mạng: con nhà giàu chê sữa nhạt, không thèm ăn. Quy mô này thu hẹp dần, đúng vậy, và đó là tiến bộ đáng kể của đất nước ta từ Đổi mới đến nay.

Nhưng, đồng bào ta còn khổ không? Còn và còn nặng. Nếu so sánh thời đói 1945, thời chiến tranh, thời bao cấp thì quả bước khá dài. Công bằng mà xét, đời sống khấm khá trông thấy - lớn thì lớn thật mà cái cánh kéo - không nói giàu nghèo tuyệt đối, chỉ xét độ trung bình đủ ăn đủ mặc - nhức nhối vẫn trách cứ chúng ta.

Tổng sản phẩm xã hội tăng liên tục, nước nhà thậm chí hãnh diện với một số quốc gia, nhưng còn nhiều các con rạch, các túp lều, các dòng chảy đen ngòm - mà giặt giũ, tắm rửa, vo gạo, rửa rau, nước uống, thậm chí dòng kinh, rạch chứa tất cả những gì ô uế thuở xa xưa còn đó, và tệ hơn, ăn uống, tiểu tiện, tuôn bao nhiêu cặn bẩn nghẽn nước lưu thông, bốc mùi nồng nặc... tìm một chút không khí lành mạnh bớt hủy hoại lá phổi thật không dễ. Các cháu rửa mặt bất kể nước màu gì, mùi gì, khỏa cục phân trôi xa một chút là yên chí súc miệng, thậm chí bụm một vốc nước uống đỡ khát...

Đâu có chuyện bôi bác - sự thật là vậy. Tất nhiên, người sử dụng nước máy nhiều hơn, song độ cân bằng dơ sạch, tỷ trọng chưa bằng đẳng đâu. Có thể nông thôn đỡ hơn nhờ thưa dân, nhiều sông rạch, tuy vậy, đem phân chất nước theo tiêu chuẩn khoa học, hơn thua chắc cũng tương đối thôi. Ngay đô thị lớn, rác, nước thải công nghiệp, ở những con rạch khá thoáng, cứ xem vùng Vàm Thuật, ai mà chẳng rùng mình. Còn kinh Đôi, kinh Tàu Hủ, kinh Tân Hóa - Lò Gốm, kinh Nhiêu Lộc... bức tranh khá ấn tượng!

Tôi có quan điểm: môi trường ấy là con đẻ của tham nhũng. Bao nhiêu tiền đào vét kênh rạch chạy đi đâu? Bao nhiêu cống hộp bể lên bể xuống chi hàng tỉ đồng, ai ăn? Ăn bẩn - nói như vậy không sai.

Quan to ăn "quy hoạch", "kế hoạch", quan bé cạy gỡ từng ký xi măng, từng thanh sắt, từng thùng nhựa... Quan to "thống kê" trơn tru, quan bé rút chút chút. Và, xã hội lãnh đủ!

Phạm vi tham nhũng rộng, hành vi tham nhũng thì có rộng, có hẹp - chung quy cũng là tham nhũng.

Không có gì bực mình hơn khi "tổng kết" dao to búa lớn, trời đất thênh thang - nói theo Lý Bạch, đưa bạn Mạnh Hạo Nhiên trên Trường Giang: "Phi phàm viễn ảnh bích không tận; Duy kiến trường giang thiên tế lưu"... (ý nói: Cánh buồm bay bổng đến khoảng trời xanh vô tận; Chỉ thấy Trường giang chảy tận chân trời...). Vốn là thói quen, tôi cố gắng tìm ở các bài văn hay chữ tốt một "trường giang thiên tế lưu" trong bức tranh êm ả mà cũng không thấy. Rác nhiều hơn chân trời xanh biếc.

Tuyên ngôn vẫn còn nhiều - nói cho ngay, sau biểu dương thành tích cũng có "lưu ý" đôi điều và đôi điều ấy giống nước Trường giang cuồn cuộn, trong khi rác mới, mùi tanh tưởi "được" cho qua cực kỳ êm đềm...

Dân trí - và sự phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa, xin nói thẳng: lắc đầu!

Quyết tâm tới nơi tới chốn, chuyện vừa kể là "cò con" - nên miễn bớt, hoặc cách mạng hơn - vứt các ngôn từ dày công o bế ra bên lề cuộc sống...

8/2006
Trần Bạch Đằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.